Hành trình của ra đi và trở về nguồn cội

Tôi đã rất mong đợi cuộc triển lãm đầu tiên sau gần 20 năm xa quê, dự định ban đầu là ở Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, rồi vì công việc cuốn đi, rồi vì cơ duyên, lại bắt đầu ở Bảo tàng Dân tộc học, từ 3/10 đến hết tháng 12/2008.

Hơn 40 bức tranh, lụa và khắc gỗ, những đề tài yêu thích của tôi qua bao năm tháng, chọn lọc và gửi gắm trong đó. Có những bức tranh của một thời tuổi trẻ, đã theo tôi từ Việt Nam sang lặn lội trên những nẻo đường mưu sinh khó nhọc trên đất Đức, đã trải qua bao cuộc triển lãm giới thiệu về hội hoạ Việt Nam với bầu bạn nước ngoài, đã bao người ngỏ ý muốn mua, nhưng tôi vẫn giữ lại cho trái tim mình. Và những bức tranh ấy, đã hiện diện một lần nữa trên đất quê hương, một góc nhỏ ấm cúng trong Bảo tàng Dân tộc học.

Dường như luôn có một nỗi nhớ không nguôi trong tâm hồn những người nghệ sĩ xa xứ: Ở nơi xa kia là bóng dáng quê nhà.

Có phải ông nhà văn xa xứ Trần Kiêm Đoàn đã viết thế này: Đất nước, quê hương không phải chỉ là hoàng thành, là lăng tẩm, là thái miếu, là núi rừng hay danh lam thắng cảnh. Đất nước trước hết là mẹ già ngồi chờ con trên bộ phản kê bên khung cửa của căn nhà lá đơn sơ. Tổ quốc là người cha già lưng còng tóc bạc ngồi trông con mòn mỏi từng giờ…

Đối với tôi, quê hương hơn cả sự trở về. Bởi tôi từ nơi đó ra đi, vì cuộc mưu sinh, và vì một mảnh đời riêng lận đận, để lại trọn vẹn những ân tình của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người thầy và những tháng ngày thơ ấu… Những ân tình vẫn trải rộng dưới mỗi nét vẽ, dưới mỗi gam màu của tôi trên lụa, những ân tình dù bao năm tháng vẫn tươi sáng, trẻ trung và mạnh mẽ như lời thầy dạy môn lụa - hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã khuyến khích tôi từ ngày đầu: “Lụa mỏng manh, nhưng hãy chọn sắc màu tràn đầy sức sống, như người Việt mình luôn luôn đầy hy vọng và lạc quan dù trong hoàn cảnh nào.”

Nhưng xa quê, cũng là mang theo khát vọng được giới thiệu với bạn bè quốc tế về một ViệtNam khác ngoài chiến-tranh, một Việt Nam đã sống động từ mấy ngàn năm, đã thành nỗi nhớ thao thức của bất cứ người con đi xa nào. Tôi vẽ những người dân quê hương tôi, những bản làng Việt Nam, những con người hiền hậu chất phác nơi thung lũng yên bình, nơi nhịp thời gian vẫn đi thật chậm rãi, cho lòng lắng lại trước cái đẹp, trước tha nhân. Những bức tranh về cuộc sống, sinh hoạt và cảnh đẹp của miền núi phía Bắc trải dài theo năm tháng, theo những nỗi nhớ và những chuyến trở về của tôi.

Tôi theo học hội hoạ từ năm 12 tuổi, cho đến hết đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cũng như những bạn bè cùng trang lứa, tôi đã học được cách kết hợp phong cách vẽ của phương Tây với những hình ảnh truyền thống của đất mẹ. Hội hoạ, đấy là thế giới để thể hiện những rung động của trái tim và môi trường xã hội. Những năm tháng trên đất Đức, tôi có nhiều cuộc triển lãm đáng nhớ với các hoạ sĩ quốc tế như Trung Quốc, Nga, Phần Lan, Đức... và những triển lãm cá nhân tại Đức và Áo. Qua mỗi lần đó, tôi lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những hoạ sĩ người Đức, người nước ngoài. Họ giúp tôi tổ chức những cuộc triển lãm tranh khác, vì lòng yêu cái đẹp, vì tình cảm chân thành với quê hương Việt Nam của tôi. Có những cuộc triển lãm hết sức đặc biệt, bởi vì muốn được làm ở đó đều phải đăng ký trước cả năm trời, nhưng chỉ một lần gặp mặt, một lần xem tranh, chỉ nửa tiếng đồng hồ, ban quản lý những nơi đó đều lập tức đưa những bức tranh lụa, những bức khắc gỗ của tôi vào chương trình sớm nhất. Người Đức biết đến Việt Nam với cái nhìn tươi mới hơn. Dường như mối rung cảm cố hương ấy đã có được những con mắt xanh chia sẻ, và đó cũng là niềm hạnh phúc lớn của một người hoạ sĩ xa xứ.

Chồng tôi là một kỹ sư người Áo rất yêu Việt Nam. Dù không giàu có gì, nhưng anh ấy cùng với tôi đều rất muốn làm một cái gì đó cho Việt Nam. Công việc của chúng tôi mới chỉ là bước đầu dặm hành trình của những nghệ sĩ nghèo với trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, tôi mong có nhiều tấm lòng ủng hộ cho hành trình đó.

Những ngày tháng này, tôi dành hết thời gian cho bức tranh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một lần triển lãm tranh, các anh chị trong Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã hỏi tôi, và giúp tôi nhớ ra món quà có ý nghĩa ấy với quê hương mình, với con người mà tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam và cả những người bạn Đức của tôi vẫn rất ngưỡng vọng.

Tôi đang trồng trong vườn nhà mình những mầm hoa tulip. Đợi đến mùa Xuân hoa sẽ nảy mầm vươn cánh. Mùa Xuân, khi những bức tranh của tôi sẽ tiếp tục hiện diện trên mảnh đất quê nhà, như một hành trình của ra đi – và trở về nguồn cội...

(Phi Hà – ghi theo lời kể của hoạ sĩ Phạm Thị Đoàn Thanh)