Tưng bừng đón Tết Kỷ Sửu tại Frankfurt

Khác với năm ngoái, năm nay Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt đứng ra chủ trì Tết cộng đồng bằng đêm Liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn“, hay nói như ông Tổng Lãnh sự trong lời chúc Tết “Đây là chương trình Liên hoan văn nghệ xuất phát từ ý tưởng và nguyện vọng của cộng đồng, do cộng đồng thực hiện và nhằm phục vụ cộng đồng“.



Lãnh đạo Tổng Lãnh sự quán vui Tết cùng bà con kiều bào 

Hội trường Saalbau Titus Forum có sức chứa hơn 700 người nhưng đêm nay phải gồng lên để đón nhận cả ngàn người đến từ các địa phương trên nước Đức, có người lên từ hôm trước, có người đi hàng trăm cây số, có người mang theo chồng, vợ là người Đức, có gia đình ríu rít cả nhà như đi trẩy hội. Mà đúng là đi trẩy hội thật vì lâu lắm rồi ở đây mới có một sinh hoạt văn hóa “tầm cỡ“ như thế.

Năm hết, Tết đến, là người Việt ai chả muốn về quê ăn tết. Nghe nói  tầu Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh hay ngược lại đang bị "cháy vé", chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines từ Frankfurt về Việt Nam những ngày trước tết này ai có tài lắm mới mua được vé về nhà ăn tết. Ai không có điều kiện về quê thì tìm đến với nhau, để nói chuyện ngày Xuân, để nhắc đến “thịt mỡ, dưa hành" cho đỡ nhớ nhà. Ở bên này, các hội người Việt, hội sinh viên Việt Nam tại các trường đại học của Đức cũng thường tổ chức những buổi “góp gạo thổi cơm... Tết", cũng có văn nghệ tự biên, tự diễn “hát cho nhau nghe“ và những lời chúc Tết, những phong bao lì xì nho nhỏ hồng đào. Những buổi như thế này giúp những người xa xứ đỡ nhớ nhà nhiều lắm, nhất là khi nhìn ra bên ngoài rặt một mầu tuyết đã ngả sang mầu bùn và chẳng hề có một chút không khí gì gọi là Tết cả. Chính vì lẽ đó khi nghe tin năm nay Tổng Lãnh sự quán đứng ra tổ chức Tết chung thì bà con mừng lắm, nghe nói gần đến ngày rồi mà vẫn còn có người gọi điện lên Tổng Lãnh sự quán để hỏi xem có còn vé không để mua (mà giấy mời đã chuyển cho các hội hết rồi có ai bán đâu mà mua). Nghe nói không được dự, có người thất vọng lắm. Thôi thì đành hẹn năm tới nhanh chân hơn vậy. Hay có người còn nói phải tham gia hội người Việt thôi, nếu không thì ít có cơ hội được tham gia những cuộc như thế này. Mới biết, làm gì cũng phải có “lợi ích" gắn liền, mà lợi ích nhãn tiền là chắc chắn các hội của người Việt ở đây sẽ cứ đà này mà khởi sắc như hoa lá mùa Xuân. Tôi cứ hy vọng là như thế.

Bên trong Hội trường, phía trên sân khấu là hàng chữ lớn mầu trắng trên nền thẫm “Liên hoan văn nghệ Xuân Kỷ Sửu của cộng đồng người Việt Nam  các bang miền tây nước Đức" và bên dưới là những hàng ghế đầy ăm ắp những khuôn mặt hân hoan, những nụ cười rạng rỡ. Rộn rã màn khai mạc với múa lân truyền thống, với những võ điệu khỏe khoắn của “Vovina" và “Vịnh Xuân quyền", với bài hát “Mùa Xuân ơi" chào mừng của tất cả các nam nữ diễn viên không chuyên. Các cháu thiếu nhi Hội người Việt Nam tại thành phố Offenbach bên bờ sông Main tưng bừng với điệu múa “Du xuân" và “Trống cơm" mà nhìn chúng múa chẳng ai nghĩ chúng nói tiếng Đức thạo hơn tiếng Việt, đi ăn Tết mà chỉ nghĩ đến Mc Donald hay Pizza vì áo mớ ba mớ bẩy, dáng đứng dáng đi “thuần Việt" quá. Các bạn nữ sinh ở Köln, Bonn, Bochum cũng thật mềm mại trong điệu múa nón, múa quạt hay trong tiết mục thời trang áo dài sinh động. Rồi còn nhiều tiết mục nữa của các hội người Việt ở München, Hanover, Frankfurt am Main. Nhìn các bạn nam nữ sinh viên khỏe khoắn trong “đội hình" hát vang hợp ca “Việt Nam quê hương tôi", tôi thấy nhiều người cũng như tôi xúc động quá, nhớ nhà quá, nhớ “mặt biển xanh xa tít chân trời". Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi tự hào về đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta và tôi cứ  hy vọng rằng chính các bạn sinh viên đang hát trên sân khấu kia mai này sẽ làm rạng danh đất nước hơn nữa bằng những kiến thức các bạn đang miệt mài thu lượm ngày hôm nay.



Thiếu nhi kiều bào tại thành phố Offenbach bên bờ sông Main
tưng bừng với điệu múa “Trống cơm“

Phía bên ngoài sảnh lớn, giờ giải lao lại là một không khí lễ hội truyền thống thật sự với những trò chơi dân gian, những món ăn đậm đà hương vị Tết quê hương. Đây đó là nón thúng quai thao, áo tứ thân, là những gánh hàng quà gợi nhớ đến không khí chợ quê đâu đó ở cuối sông Hồng.  Mọi người cũng hồ hởi tham gia mua sổ số ủng hộ Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng của Chính phủ do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao quản lý với phần thưởng là kỳ nghỉ cho 2 người tại Hòn Ngọc Việt (Nha Trang) do Công ty Du lịch và Dịch vụ Hàng không Biển Đông (East Sea) trao tặng, cũng như  hai vé thưởng khứ hồi về Việt Nam là quà tặng của  Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cả những nghệ sĩ không chuyên, những nhạc công chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp cũng được bốc thăm để tìm người trúng thưởng là một vé khứ hồi về Việt Nam cũng của Vietnam Airlines. Nghe nói Hàng không Việt Nam, Công ty Biển Đông và nhiều doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp Đức cũng nhiệt tình ủng hộ Liên hoan văn nghệ lần này. Thật là những nghĩa cử của những “mạnh thường quân" vì nếu không có những sự giúp đỡ chí tình đó chắc khó có thể tổ chức những sự kiện như thế này.



Biểu diễn văn nghệ trong trang phục truyền thống 

Một giờ sáng, Chương trình văn nghệ mừng Xuân Kỷ Sửu do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt tổ chức mới kết thúc. Không biết giờ này, trên quê hương ông Táo đã bắt đầu lên trời hay chưa để bẩm báo với Ngọc Hoàng tình hình hạ giới. Chả biết ông Táo có nhớ báo cáo là cộng đồng người Việt Nam ở Đức đang ngày càng ổn định và lớn mạnh, luôn hướng về quê hương, thế hệ con cháu tuy sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng chưa bao giờ quên mình là con Lạc, cháu Hồng, chỉ mong đất nước ngày càng phồn vinh.

Ra về ai cũng như tôi không quên hẹn gặp lại tại Frankfurt dịp này sang năm.

 

Thùy Trang
(từ Frankfurt am Main, CHLB Đức)