Về việc ủy quyền và vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai

(1) Gia đình tôi có hai anh em, hiện nay anh tôi đang sống trong nước. Trên danh nghĩa là anh, nhưng là con nuôi. Năm 2001, mẹ tôi có đến Tòa án thành phố Nha Trang làm thủ tục không thừa nhận anh là con nữa, và đã được tòa án chấp thuận và ra quyết định.

Năm 2003, mẹ tôi qua đời. Gia đình tôi có xảy ra vụ tranh chấp đất đai với người cậu ruột. Tôi có về nước và làm giấy ủy quyền cho anh tôi với tư cách là nguyên đơn, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để tham gia trực tiếp vào vụ tranh chấp. Như vậy có hợp lệ và đúng với quy định của pháp luật không? Có được quyền hợp pháp trước tòa không? Xin vui lòng cho biết nếu được, hoặc không thì quy định tại điều mấy của luật nào?

2/ Hiện nay gia đình tôi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp năm 1999. Ở Việt Nam giờ là sổ đỏ, vậy sổ này có giá trị hay không? Và được pháp luật chấp nhận không? Nếu bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có quyền tranh chấp không? Rất mong được chuyên mục giải thích giùm.

Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Hoan nghênh bạn đã đến với Quê Hương, về vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin thông tin như sau:

1. Về vấn đề uỷ quyền ở trong nước:

Uỷ quyền và thủ tục uỷ quyền được qui định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau trong đó có Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai...

Người uỷ quyền và người được uỷ quyền phải có đầy đủ tư cách pháp nhân, có đủ giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu (nếu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài) hoặc giấy tờ hợp pháp khác (bản chính và bản sao); Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu do cơ quan công chứng cấp); Giấy tờ có liên quan đến nội dung uỷ quyền (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); Bản chính hợp đồng uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền (theo mẫu do cơ quan công chứng cấp).

Thủ tục uỷ quyền do Uỷ ban nhân dân phường, xã hoặc cơ quan công chứng nhà nước giải quyết. Như vậy bạn có thể uỷ quyền cho bất cứ ai nếu đáp ứng đầy đủ các qui định nói trên của pháp luật VN.

2. Về vấn đề đất đai:

Theo qui định của luật pháp Việt Nam, đất đai là tài sản quốc gia, sở hữu của toàn dân do Nhà nước quản lí. Nhà nước có thể giao đất hoặc cho các nhân, tập thể thuê đất để sử dụng vào những mục đích cụ thể như làm nhà ở, xây dựng trụ sở làm việc, sản xuất, kinh doanh... Người được giao đất, thuê đất có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo qui định của pháp luật.

Ai là người được giao quyền sử dụng đất (được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc được chuyển nhượng đất hợp pháp (được công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước trong nước có thẩm quyền), thì người đó có quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác.

Nếu người được giao đất bị chết mà không chuyển quyền sử dụng đất cho người khác thì coi như đất không có người tiếp tục sử dụng, trong trường hợp đó nhà nước có thể thu hồi và giao cho người khác sử dụng.

Xin lưu ý là pháp luật cũng qui định chỉ những đối tượng thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được quyền nhận quyền sử dụng đất từ người khác Bạn là người VN đang định cư ở nước ngoài và không thuộc đối tượng nói trên.

Hy vọng những thông tin của chúng tôi giúp giải đáp phần nào những thắc mắc của bạn.

Ban Biên tập Tạp chí Quê Hương