Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự)

Trước cửa chùa có đầm Long Chiểu, giữa có thủy đình nơi thường diễn rối nước. Hai chiếc cầu gỗ cổ kiểu “thượng gia hạ kiều” ba nhịp có mái che do Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613) xây dựng năm 1602. Bên trái là cầu Nhật Tiên, trông vào đền Tam phủ, làm trên một đảo nhỏ giữa ao. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, đi lên chùa Cao trên núi. Cụm kiến trúc chính là chùa Cả gồm ba lớp nhà lớn, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh, đối diện với thủy đình. Lớp ngoài là nhà tiền tế, lớp giữa thờ Phật, lớp trong cùng thờ Từ Đạo Hạnh, bộ mái đồ sộ, lớp ngói mũi hài to bản và dày, bốn góc cong vút đặt trên bộ khung gồm 4 cột lớn và mười hai cột nhỏ bằng gỗ quý kê trên tảng đá, liên kết với nhau bằng hệ thống xà hoành. Khớp mộng vững chắc, xung quanh lắp ván bưng đố lụa với nhiều mảng trang trí chạm hình rồng, lân, mây, lửa. Trong chùa có ba pho tượng diễn tả 3 kiếp của Từ Đạo Hạnh. Chính giữa là tượng đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực. Bên trái là tượng gỗ bạch đàn, chân có chốt khớp cử động được. Bên phải là tượng sau khi đầu thai vào cung cấm trở thành vua Lý Thần Tông (1128 – 1138). Trong chùa còn có tượng cha mẹ thiền sư; lưng ngai chạm trổ tinh xảo; có các biểu tượng nho giáo (phủ việt, đầu rồng), Phật giáo (quả phúc) và Đạo giáo (sừng tê ngọc báu) ghi rõ niên đại (1346). Hai bên chùa là hành lang thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông cổ tương truyền đúc từ thời Lý và lầu trống có trống lớn đường kính 1,5m. Qua cầu Nguyệt Tiên lên núi là chùa Cao. Sau chùa là hang Thánh Hóa. Từ chùa Cao theo lối mòn ven núi lên hang Cắc Cớ sau đó đến Thượng Chỉ, phía sau là hang Bụt Mọc, có nhiều tảng đá lô nhô như tượng Phật. Trên Sài Sơn có hang Gió, chợ Trời (phía trên chùa Cao) ngổn ngang những hòn đá hình bàn ghế, kệ bày hàng... có phiến đá nhẵn gọi là bàn cờ tiên.