Từ điển văn hóa: Cung điện Huế

Tuỳ theo tính chất, các cung điện được xây ở vòng thành giữa hoặc vòng thành trong. Hai mặt trước, sau Hoàng thành dài 622m, hai mặt bên dài 606m; có 4 cửa: Ngọ môn (phía Nam) dành cho vua đi, Hiển Nhơn bên tả (Đông) dành cho nam, Chương Đức bên hữu (Tây) dành cho nữ và Hoà Bình ở phía sau. Bên ngoài Hoàng Thành có hào bao. Ứng với 4 cửa trên là 4 cầu gọi là Kim Thuỷ Kiều. Hoàng Thành có 4 khu vực chính chia thành 2 phân khu; phân khu nam là chỗ thiết đại triều, thờ cúng; phân khu Bắc là chỗ làm việc hàng ngày của triều đình và sinh hoạt của hoàng gia. Giữa khu vực nam là cụm kiến trúc phục vụ những ngày lễ trọng, trên trục dọc kinh thành là Ngọ Môn, Hồ Thái Dịch, Sân đại triều nghi, Điện Thái Hoà. Hai bên là các khu thờ cúng; bên tả có Thái Miếu và Triệu Hưng Miếu thờ các vua Nguyễn và cha của Gia Long. Giữa khu Bắc là Tử Cấm Thành dành cho sinh hoạt của vua và các bà vợ; bên hữu có 3 khu nhỏ nối tiếp nhau: Điện Phụng Tiên để các bà trong hoàng gia thờ cúng, cung Diên thọ dành cho mẹ vua, cung Trường Sanh dành cho bà nội vua… Bên trái có Kho nội vụ và phía sau là Vườn Cơ Hạ. Trong Hoàng Thành có tất cả trên 100 công trình, được xây dựng quy mô và có bố cục hoàn chỉnh là trong đời Minh Mạng từ 1833 với nguyên tắc tả nam, hữu nữ; tả văn - hữu võ; tả trước - hữu sau, tất cả tạo thành mạng kiến trúc kiểu bàn cờ, hiện đại mà cổ điển, kiến trúc chính ở giữa, phụ ở hai bên, phát triển dàn trải, nhưng có một số điểm cao đột khởi.