Cô giáo trẻ

 

Cô giáo trẻ, người thành phố, mới ra trường... lại bị cử lên dạy ở một vùng núi heo hút của phía Bắc. Hôm chia tay với người thân, mẹ cô níu áo nói: “Con ơi! Gắng giữ gìn sức khỏe. Nếu trên đấy khổ quá không chịu được thì về với mẹ con nhé!”. Cô giáo nghe, bỗng òa khóc nức nở.

***

Trường học miền núi nằm trên một quả đồi trọc. Trên một mảnh đất bằng phẳng người ta dựng lên ba dãy lớp học làm bằng tranh tre nứa lá có phần nào giống như một trại nuôi bò. Khu nhà giáo viên ở cũng gần kề ngay đó, vách trát đất, mái lợp ngói nhưng chẳng có vẻ cao sang hơn dãy nhà học là mấy.

Thầy hiệu trưởng nói với cô giáo trẻ:

- Nói thực với cô giáo để cô nắm được tình hình trường lớp. Nói là thiếu giáo viên cũng đúng, mà bảo là không có học sinh học cũng không sai. Người xưa bảo “Không thầy đố mày làm nên”, còn ở trên này thì không trò đố thầy dạy ai. Hoàn cảnh lắm cô ạ. Ổn định trường lớp được mấy hôm. Cô giáo đang dạy, học sinh đến lớp từng người một, bỗng hôm nay em này bảo “Thưa cô, cho em nghỉ về làm rẫy với mẹ”, ngày mai em khác bảo “Cô giáo ơi, mẹ em mới sinh thêm em bé, em phải ở nhà trông em cho mẹ lên nương”... rồi còn là bao nhiêu lý do khác nữa, nào không có tiền mua giấy bút, nhà xa, lũ lụt... Cho đến một ngày lớp cứ vắng dần, cô giáo đâm ra thất dạy...

Thầy hiệu trưởng bỗng dừng lại đột ngột, lén nhìn cô giáo trẻ đang chăm chắm xoay xoay chén nước trong tay, bất giác thở dài. Chẳng biết con bé có nghe mình nói không. Cô nào mới lên đây chẳng khóc sưng cả mắt. Thôi thì mình cứ nói thật, đừng lừa bọn trẻ. Rồi thì tùy vào tâm huyết với nghề của chúng nó. Theo thói quen, giọng thầy chuyển sang rề rà như một vị trưởng tộc nằm hút thuốc bên bếp lửa, kể lại lịch sử buôn làng cho con cháu nghe.

- Ờ... ờ thì Nhà nước đã cử cô lên đây, chúng tôi đâu dám bảo cô về. Nhưng chẳng giấu gì cô, chỉ còn một lớp chúng tôi mới vận động được một tuần nay, chưa có giáo viên dạy. Ờ... ờ thì, cũng không biết gọi lớp này là lớp mấy nữa. Các em cũng đã sơ qua chương trình đọc viết, tính toán căn bản hết cả nhưng rồi bỏ học lâu quá nên lại... tái mù. Thôi thì cô đã lên đây tức là không quản khó nhọc rồi, cô gắng đảm nhiệm... Cứ coi như dạy lại từ đầu. Mà chắc gì các em đã kịp quên hết những gì đã học, như thế cô cũng đỡ vất vả phần nào. Bây giờ cô có thể lên làm quen luôn với lớp, tôi đã thông báo với các em về giáo viên mới rồi, chắc các em đang chờ đấy. Lớp ở cuối dãy nhà bên trái kia kìa, cạnh mẹ con nhà con bò ấy.

Khi cô bước vào cửa, lớp học trống hoác. Bảng nhìn bàn, bàn nhìn ghế, ghế nhìn đất, cô giáo nhìn vào khoảng không. Buổi dạy đầu tiên là thế đó. Cô giáo trẻ sững sờ. Rồi cô ôm mặt khóc hu hu, lao ra khỏi trường.

***

Về đêm, sự tĩnh lặng bình thản của núi rừng xuyên suốt qua cô. Cô nhớ nhà và chuẩn bị khóc theo mưa thì hai cô giáo cùng phòng bỗng cười nói đi về, châm nến và lôi tất cả những gì có thể hứng được để hứng những giọt nước mưa đang tới tấp rơi xuống. Đó là chị Tâm và Nga. Chị Tâm là một trong những giáo viên tình nguyện đầu tiên lên dạy ở trường này, với một quyết tâm sắt đá là không gieo được cái chữ cho dân bản thì không về xuôi. Nga lên trước cô giáo trẻ khoảng một năm và dường như cũng đã bén duyên với mảnh đất này.

Chị Tâm sà xuống bên cô giáo trẻ an ủi:

- Rồi em sẽ quen dần với môi trường mới này.

Ngoài cửa bỗng có tiếng nói nhỏ nhẹ: “Em chào các cô!”. Cô giáo trẻ quay ra nhìn. Đó là một cô học trò người H’mông trong bộ váy áo truyền thống sặc sỡ sắc màu, tay cầm ô, tay cầm quyển tập. Chị Tâm thảng thốt khi thấy sự xuất hiện của cô học trò này giữa lúc trời mưa to.

- Ngàn đấy à! Dưới bản có ai bị ốm phải không em. Hay bệnh của mẹ em lại tái phát?

- Không phải đâu thưa cô! Dưới bản không có chuyện gì, cái bụng của mẹ em cũng không còn đau nữa, nhờ thuốc của các cô đó. Em đến đây là muốn nhờ cô giảng lại bài...

- Em làm cô lo quá, tưởng có việc gì nguy cấp - Chị Tâm thở phào nhẹ nhõm - Trời thì mưa to thế này. Vào ngồi trên giường đi em, đoạn nào không hiểu đọc lên cô giảng lại cho.

Cô học trò dựng chiếc ô vào góc nhà, tiến lại phía chiếc giường của chị Tâm. Bắt gặp cái nhìn lẻ loi của cô giáo trẻ, đôi mắt trong veo của cô bé bỗng ánh lên.

- Cô có phải là cô giáo mới đến không? Cô trẻ và xinh quá! Cô sẽ ở lại đây dạy chúng em thật chứ? Nhiều cô giáo cũng trẻ như cô, lên đây dạy... rồi lại quay về xuôi chẳng trở lại nữa...

Cô giáo trẻ trở nên bối rối, cô nhìn sang chị Tâm. Chị Tâm lại tỏ ra như không nghe thấy, giục cô học trò của mình:

- Nào, em đọc đoạn thơ không hiểu lên cho cô nghe đi!

Cô học trò cất lên một giọng đọc rất truyền cảm. “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”.

Trong khi chị Tâm đang giảng giải cho cô học trò của mình thì Nga ôm lấy người cô giáo trẻ, thỉnh thoảng lại quay sang phía giường bên kia nhìn chị Tâm tủm tỉm cười. Rồi như không thể kìm giữ được niềm thích thú mới phát hiện của mình, Nga rủ rỉ vào tai cô giáo trẻ. Thì ra chị Tâm đã bén duyên với anh trưởng thôn của bản, cũng là người học trò đầu tiên mà chị dạy cho cái chữ, mùa xuân năm nay hai người sẽ làm lễ cưới. Giờ thì cô giáo trẻ biết thêm lý do vì sao chị Tâm lại có được tình yêu tha thiết với mảnh đất này đến vậy.

Chị Tâm đã giảng xong, cô học trò H’mông rất vui. Đến lúc đó, chị mới để ý tới bộ váy áo rực rỡ và ngạc nhiên:

- Sao trời tối mà em lại mặc váy áo đẹp thế hở Ngàn?

Cô học trò xấu hổ như bị bắt quả tang đang thử trộm váy của người khác, mấy đầu ngón chân càng bấm tợn xuống nền nhà, vừa mân mê vạt váy vừa thanh minh:

- Ngày mai có phiên chợ Mường La cô ạ! Em tự may chiếc váy này cách đây một tháng rồi. Cái bụng sốt ruột quá không nhịn đến mai được nên lấy ra mặc luôn. Cô thấy có đẹp không? Ngày mai chủ nhật, các cô cũng đi chợ chứ?

Té ra cô bé này đội mưa đội gió đến đây không chỉ muốn hỏi bài mà còn muốn khoe chiếc váy mới của mình. Chị Tâm tủm tỉm cười, Nga cười thành tiếng, cô giáo trẻ cũng cười theo. Tiếng cười nhịp với tiếng nước rớt tanh tách xuống chậu nhôm tạo nên một âm thanh nghe vui vui.

- Em mặc chiếc váy này đẹp lắm. Bây giờ thì em về đi kẻo tối. Từ lần sau đừng có đi tối thế này nữa nghe chưa. Nguy hiểm lắm. Đi đường cẩn thận không ngã đấy.

- Vâng ạ! - Cô học trò cầm quyển tập và chiếc ô, chào các cô một lần nữa và nhún nhảy ra về. Giọng Nga bỗng vang lên lảnh lót:

- Ngày mai có phiên chợ, tối nay lại có người không ngủ được rồi. Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu... thơ hay quá. Nhưng chỉ có cô giáo Tâm mới hiểu hết ý nghĩa của nó thôi. Tuyệt diệu làm sao, Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

***

Cô hỏi thăm nhà em Sắn, cậu học trò được thầy hiệu trưởng giao cho làm lớp trưởng giúp cô nắm được tên và hoàn cảnh của các bạn trong lớp. Người ta bảo Sắn đang giặt đồ ngoài suối. Cô chạy ra suối. Người ta lại bảo Sắn đang cuốc đất trồng cây trên đồi với cha mẹ. Cô lại chạy lên đồi. Mồ hôi ướt đầm hết lưng áo, hai chân dường như muốn ríu lại với đất.

Cả nhà Sắn đang làm cả trên đồi. Bố Sắn đào hốc đi trước, mẹ Sắn đi giữa, địu em Sắn trên lưng, đặt cây vào hốc và vùi đất lại, Sắn đi sau cùng tưới nước cho cây. Bóng của họ hằn in trên luống đất, lên xuống nhấp nhô như ruộng bậc thang.

Nghe cô giáo trẻ trình bày lý do, mẹ Sắn nói:

- Cô ơi, ai mà chẳng muốn cho con cái có cái chữ cái nghĩa trong đầu. Nhưng nhà tôi neo người, ông ấy lại nhận hết kế hoạch này đến chương trình khác của Đảng và Nhà nước. Thằng Sắn là anh cả, nó mà không đi làm thì hai vợ chồng tôi biết dựa vào ai mới phủ hết mấy chục ha đồi trọc này. Cho nó đến trường, ngồi riết cả buổi ở đó, phí lắm. Mà cái đầu thằng Sắn nhà tôi nó ngu lắm cô ơi, học trước quên sau, chỉ có cái tay cái chân là nhanh nhẹn được việc thôi. Mong cô giáo hiểu cho cái bụng của vợ chồng chúng tôi. Chúng tôi cũng biết các cô giáo dưới xuôi lên đây chẳng sung sướng gì, nhọc nhằn như chúng tôi làm nương làm rẫy à.

Cha Sắn chống cuốc đứng nhìn mấy luống cây bạch đàn mới trồng đã bắt đầu bắt nắng, ỉu xìu sang một bên. Ông lại cầm cuốc xăm xắn đào, vừa đào vừa nói với cô giáo:

- Cô giáo nhìn xem, cô gieo cái chữ trong đầu chúng nó có khác gì chúng tôi gieo hạt, trồng cây. Thế mà trồng lên rồi cây lại chết. Các cô dạy rồi học sinh lại bỏ học, lại mù chữ.

- Nhưng anh chị ơi - cô giáo nói - khi trồng cây anh chị cũng tin là cây sẽ lên chứ, chẳng mấy chốc mà quả đồi trọc này sẽ được phủ kín bởi màu xanh. Hãy tin, cháu Sắn rồi sẽ học nên người. Chắc anh chị không muốn các cháu lớn lên với một cái đầu “trọc” không có kiến thức như quả đồi này chứ.

Mặt trời đã lên đến giữa đỉnh đồi. Ánh nắng thiêu đốt những dải ruộng đang gặt dở trông như cái gáy nửa chừng của tù nhân. Trước khi ra về, cô giáo trẻ nắm bàn tay nhem nhuốc đất đồi của Sắn, nhìn sâu vào đôi mắt trẻ thơ của em và hỏi:

- Em Sắn có muốn đi học lại không?

Sắn không trả lời ngay. Em nhìn khuôn mặt đăm chiêu của cha, bắt gặp những đường cày ngắn dài hằn in trên trán. Em nhìn khuôn mặt mệt mỏi của mẹ, bắt gặp những đường kẻ chân chim nơi khóe mắt. Em nhìn khuôn mặt vô tư đang chìm vào giấc ngủ của đứa em trên lưng mẹ, bắt gặp giấc mơ được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác... Cuối cùng, em nhìn vào đôi mắt chờ đợi của cô giáo, bỗng cụp mắt xuống, lí nhí trong miệng như chỉ để mình cô nghe thấy:

- Có... ó...

Tiếng của Sắn bé. Nhưng vọng vào bốn phía không trung như cùng vang lên “Có... ó”, như không chỉ có mình Sắn mà nhiều em khác cũng đang nói cùng. Thình lình lúc đó, tiếng trống trường bỗng vang lên thùng thùng. Và kỳ lạ làm sao tiếng trống giữa núi đồi, cứ trùng trùng âm vang bốn phía như thúc giục...

***

Buổi học đầu tiên, cô giáo trẻ dậy rất sớm, khi tiếng chim cu gáy còn đang ngái ngủ trên ngọn cây. Cô đi lòng vòng xuống núi, gấu quần quệt vào những vạt cỏ đầm đìa sương mai. Những cây chuối dưới lòng khe cố xòe những bắp hoa đỏ thắm với niềm hân hoan không che giấu. Từ lèn đá, bay ra những đàn bướm làm vẻ đẹp hoang dại của núi non hóa tưng bừng. Không gian thơm ngát hương rừng. Các loài hoa cúc áo bé bỏng đơm hoa dọc bờ cỏ, các bụi cây vòi voi đu đưa chùm hoa tím. Vẻ đẹp lạ lùng như lần đầu tiên bắt gặp này khiến cô mê mẩn. Cô đi qua mảnh đồi mà cách đây hai tháng cả nhà Sắn đã cày cuốc, vun trồng. Bây giờ, các cây non đã bén rễ, ăn sâu vào lòng đất. Gió sớm mơn man làm chúng ngả ngớn vào nhau. Cô có cảm giác như các cây đang lay nhau dậy và truyền cho nhau nghe cái thông điệp tươi mát của sự sống: “Sáng rồi, dậy đi nào các bạn ơi. Dậy đi để còn lớn lên nào!”. Lòng cô giáo trẻ bát ngát như gió rừng.

Khi tiếng trống trường vào lớp vừa dứt, cô giáo trẻ đã đứng trước cửa lớp học. Không hiểu sao cô thấy hồi hộp quá. Trong kia là 38 em học sinh, 38 mầm cây mà cô đang ươm lại và chăm sóc để chúng hồi sinh và lớn lên. Nghĩ thế, cô giáo trẻ thấy hãnh diện biết bao, bước chân tự tin, chan chứa hy vọng tiến lên bục giảng. Các em đứng dậy chào. Cô thấy lô nhô những em thấp em cao. Nhưng cái khao khát được đi học của các em là như nhau, như mầm non thiếu nước trên cùng một cánh đồng.

Sau dòng chữ Ngày... tháng... năm, xuống hàng, Bài mở đầu, cô giáo trẻ bỗng bần thần không biết bắt đầu bài học đầu tiên như thế nào. Cô quay xuống lớp hỏi:

- Có em nào xung phong lên viết một câu, câu gì cũng được để cô xem các em có còn nhớ mặt chữ không nào?

Sắn cao nhất, ngồi cuối lớp, giơ tay rất cao. Cô phấn chấn bảo:

- Sắn lên bảng nào!

Sắn cầm viên phấn trắng ngượng nghịu viết dần những con chữ: Cô giáo của em.

Không ai bảo nhưng cả lớp ở dưới đồng thanh đọc to Cô giáo của em. Bốn phía cũng như vang lên Cô giáo của em.

Cô giáo trẻ không giấu nổi sự xúc động. Mắt lại rưng rưng như muốn khóc.

Truyện ngắn của Đan Phượng