“Người Nùng An” và vốn cổ dân tộc

Phúc Sen là một trong ba xã của huyện Quảng Hoà, Cao Bằng có duy nhất một dân tộc cư trú là dân tộc Nùng An. Là điểm đi đầu trong toàn tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hoá truyền thống.

Người Nùng An có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần và qua các quan hệ xã hội…

Theo các nhà nghiên cứu thì người Nùng An đến cư trú ở bản Phya Chang (tên của một bản thuộc xã Phúc Sen) vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Sự xuất hiện của người Nùng An ở đầy gắn với một truyền thuyết rằng: tổ tiên của dân tộc này vào Việt Nam lúc đầu chỉ có ba gia đình thuộc ba dòng họ khác nhau là họ Hoàng, họ Nông, họ Lương chạy loạn từ phương Bắc. Một đêm nọ họ vào một cái hang thuộc khu rừng của bản PhyaChang để nghỉ đêm. Từ lúc rời quê hương, chưa đêm nào họ được ngủ yên giấc, tự nhiên đêm đó họ ngủ ngon lành, trẻ con không quấy khóc như những đêm hôm trước. Lấy làm lạ, sớm dậy họ ra đứng trước cửa hang, thấy phong cảnh nên thơ, hữu tình, đất đai trải dài, cả đoàn bèn bàn nhau ở lại, khai phá đất đai làm ruộng trồng lúa, nơi nào cao thì làm nương rẫy trồng ngô, khoai… chặt cây dựng nhà, dời hang lập bản định cư và đặt tên bản là PhyaChang (nghĩa là núi giữa). Lúc đầu chỉ có ba gia đình, lâu dần con cháu sinh sôi ngày một đông, đất đai của bản không đủ để làm nhà và canh tác, họ phải mở rộng địa bàn cư trú và canh tác thành làng bản như ngày nay.

Do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, địa hình chủ yếu là núi đá, đất canh tác ít, phụ thuộc vào thiên nhiên nên tình hình kinh tế khó khăn. Vì vậy, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây còn làm thêm nhiều nghề thủ công để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày, đồng thời để tăng thêm thu nhập. Với đặc tính cần cù, chịu khó hay lam hay làm, đại bộ phận người dân Nùng An đều là những người thợ thủ công khéo tay. Phụ nữ thì trồng bông kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm; nam giới làm nghề rèn, đúc. Ngoài ra còn có các nghề phụ như nghề mộc, đan lát, làm giấy, làm hương, làm ngói, đục đẽo đá… đó là những nghề được làm vào dịp nông nhàn, hay trong dịp lễ tết (làm giấy, làm hương). Nhờ có cơ cấu ngành nghề phát triển mà đời sống của họ ngày càng được cải thiện, nhờ đó mà cũng hạn chế được những phong tục tập quán lạc hậu, những hủ tục, tệ nạn xã hội… Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, đời sống văn hoá của các dân tộc ở Cao Bằng nói chung ít nhiều bị xáo trộn, nền văn hoá truyền thống của các dân tộc khác đang bị mai một. Nhưng đặc biệt người Nùng An ở Phúc Sen vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hoá vật chất, tinh thần của họ. Đây là một nét riêng biệt, độc đáo của người Nùng An, không thể lẫn với dân tộc nào khác.

Trong truyền thống văn hoá vật chất của người Nùng An ở Phúc Sen, điều đáng chú ý là việc giữ gìn, bảo lưu bộ trang phục dân tộc truyền thống. Giống như các dân tộc Tày, Nùng khác, trang phục của người Nùng An rất giản dị và chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do họ tự tay làm nên. Điều đáng nói là hiện nay người dân PhyaChang vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ mặc trang phục truyền thống trong tất cả mọi việc như đi làm, đi học, đi chợ hay trong những ngày lễ hội, và từ người già đến con trẻ, từ phụ nữ đến nam giới đều mặc trang phục chàm. Cả những con em người Nùng An dù công tác ở đâu, ở bất kỳ cương vị nào khi họ về đến bản đều thay mặc những bộ trang phục này rồi mới đi chơi, thăm hỏi họ hàng, làng xóm hay đi làm nương rẫy giúp gia đình.

Trang phục của người Nùng An có phân biệt theo lứa tuổi và giới tính, rất phong phú về chủng loại. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc,… Quần áo trẻ em ở đây cũng có điểm khác biệt so với các nhóm Nùng khác gồm áo, quần, và mũ đội đầu, trong đó chiếc mũ được trang trí khá cầu kỳ với những hoa văn hoạ tiết sặc sỡ, đẹp mắt… Khi đứa trẻ mới lọt lòng, người ta quấn nó bằng quần áo cũ của bố mẹ vì theo quan niệm của họ là trẻ mới sinh ra không nên cho trẻ mặc đồ mới, lớn lên chúng hay đua đòi, và quần áo cũ thì vải đã mềm, thoáng rất tốt cho trẻ nhỏ. Khi đứa trẻ được một, hai tuổi người ta cắt quần áo đơn giản theo một kiểu chung không phân biệt nam nữ. Đến lúc chúng lên 9 – 10 tuổi, người mẹ bắt đầu cắt may quần áo phân biệt nam nữ cho con. Độ tuổi này các bé gái bắt đầu mặc quần áo và quấn đầu đội khăn như người lớn.

Đồ trang sức của người Nùng An chủ yếu bằng bạc trắng. Nam giới thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn bạc, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà ích ở ngang lưng. Theo quan niệm của người Nùng An thì bạc trắng không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của con người, kết hợp với việc phô trương sự giàu có mà còn có ý nghĩa bảo vệ sức khoẻ cho họ. Bởi lẽ khi nhìn vào đồ trang sức bằng bạc, người ta có thể đoán biết được sức khoẻ của người đeo nó, nếu khoẻ mạnh thì đồ trang sức vẫn trắng, sáng, nếu có thể yếu, mệt hay có bệnh thì bạc bị thâm lại, màu xỉn, không sáng trắng nữa. Chính vì thế khi bị ốm, cảm người ta vẫn thường dùng đồng bạc trắng để “đánh gió”.

Hiện nay, Phúc Sen là nơi tồn tại và phát triển hầu hết các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Nùng An ở Cao Bằng. Một số nghề hiện đang được coi là nghề có thu nhập cao như nghề rèn, đúc những dụng cụ của nhà nông như cuốc, xẻng, dao, kéo… giúp giải quyết việc làm cho dân bản trong những ngày nông nhàn, nghề này đã trở thành nguồn thu nhập chính góp phần nâng cao đời sống, văn hoá cho nhân dân. Ngoài ra, sự tồn tại và phát triển các nghề thủ công ở đây không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế và còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống lao động cần cù cho các thế hệ đời sau. Như từ việc ăn mặc trang phục truyền thống mà họ còn duy trì nghề dệt vải chàm, trước hết là để giải quyết vấn đề tự cung, tự cấp, nhưng điều quan trọng hơn là để rèn luyện cho con cháu trong gia đình ý thức lao động cần cù chăm chỉ, chịu thương, chịu khó. Do vậy, con gái ở đây trước khi đi lấy chồng phải biết dệt vải nhuộm chàm nếu không thì sẽ bị coi là lười nhác, không biết làm ăn, cũng như con trai trước khi đi hỏi vợ mà chưa biết rèn thì bị coi là bất tài, không xứng đáng là trụ cột gia đình.

Gia đình Nùng An là kiểu gia đình phụ quyền. Phổ biến nhất là gia đình có hai thế hệ gồm cha mẹ và con cái chưa xây dựng gia đình hoặc chưa đến tuổi trưởng thành. Tiếp theo là gia đình gồm một cặp vợ chồng cùng con cái và bố mẹ chồng hoặc một trong hai người đó. Đáng chú ý là trong các gia đình còn có con gái đã lấy chồng nhưng sau khi cười vẫn ở lại sống chung với bố mẹ đẻ cho tới khi sắp sinh con đầu lòng mới về nhà chồng. Thời gian các cô gái ở lại nhà bố mẹ đẻ có thể kéo dài tới hàng chục năm nếu cô chậm sinh nở.

Hôn nhân trong gia đình là một vợ một chồng và nhất thiết phải là hôn nhân ngoài dòng họ, những người thuộc huyết thống của họ nội không được lấy nhau, kể cả họ xa. Để tránh tình trạng loạn luân, khi các con trong gia đình đến tuổi trưởng thành họ đều được ông bà, cha mẹ dạy bảo rất kỹ về vấn đề này. Phần lớn việc hôn nhân của nam nữ thanh niên ở đây đều có sự sắp đặt của người lớn tuổi.

Bên cạnh những nét đẹp của văn hoá vật chất, người dân Nùng An còn gìn giữ và phát huy những nét đẹp của văn hoá tinh thần. Trước hết, phải nói đến các thể loại hát dân ca mà đặc biệt là điệu hát Hèo–fưn (nghĩa là gọi hát - gọi bạn cùng hát). Hèo–fưn thường được hát trong các cuộc vui, lễ hội, đám cưới hỏi, chúc thọ, mừng tân gia, cầu mùa và hát giao duyên trong các lễ hội, chợ phiên…

Đời sống tâm linh của đồng bào Nùng An rất phong phú và đa dạng. Họ có đức tin sâu sắc vào thần linh, các lực lượng siêu nhiên. Mỗi bản thường có miếu thờ thổ công được đặt ở đầu bản. Lễ cúng được tổ chức vào các ngày lễ tết trong năm như Tết Nguyên đán, rằm tháng bảy, Tết Thanh minh… Người thực hành các nghi lễ cúng là đội ngũ các thầy Tào và các bà pụt-nhạc. Trong các đám lễ bao giờ thầy cúng, thầy Tào cũng đóng vai trò quan trọng với rất nhiều các lễ cúng như cúng bà mụ, cúng lễ trưởng thành cưới xin, chúc thọ, tang ma và xem cát trạch. Đồng bào ở đây ăn tết quanh năm, hầu như tháng nào ở đây cũng có tết, mỗi tết có đặc trưng riêng: tháng giêng có Tết Nguyên đán, tháng ba có Tết Thanh minh, tháng năm Tết diệt sâu bọ, tháng bảy Tết trả ơn cha mẹ…

Ngoài việc giữ gìn và phát huy nền văn hoá truyền thống, người dân Nùng An còn chú trọng đến việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ bé các em đã được cha mẹ tập cho những nghề truyền thống, ra đồng giúp cha mẹ làm những việc vừa với sức. Họ khuyến khích, tạo điều kiện cho con em họ đến trường học văn hoá, tiếp thu tri thức mới để nắm bắt và theo kịp các dân tộc anh em.

Đồng bào Nùng An ở Phúc Sen có truyền thống văn hoá lâu đời, hiện tại nền văn hoá này vẫn được giữ gìn và phát huy những nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc. Đây là một yếu tố quan trọng đã giúp chp nhân dân Nùng An đời  sống ngày một nâng cao, góp một phần nhỏ làm phong phú thêm trong kho tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Nông Thu Huyền