Người Thăng Long trong chiến dịch giải phóng thành Đông Quan

Ngày 22-11, đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển từ Thanh Hóa ra đóng tại tòa thành đất ở Tây Phù Liệt (nay là thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì) cách thành Đông Quan độ 10 km về phía Nam.

Ngày đầu, các hào kiệt ở Kinh Lộ và nhân dân các phủ huyện, cùng các tù trưởng ở biên trấn đều kéo đến cửa quân xin liều chết đánh thành. Cuộc tấn công vào thành chia làm ba hướng. Tướng Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị dẫn 100 thuyền chiến đến bến Động Bộ Đầu;  tướng Đinh Lễ quản lĩnh hơn một vạn quân bộ đánh vào hướng cầu Tây Dương (Cầu Giấy); hướng thứ ba mạn Nam do   đích thân Lê Lợi chỉ huy. Đêm 22 tháng 11, vào canh ba, quân ta bốn mặt ập lại phóng hỏa đốt các dinh quân của Phương Chính, chúng tranh nhau bỏ chạy vào cửa thành, xác chết gối lên nhau. Nghĩa quân thu hơn trăm thuyền chiến và rất nhiều khí giới.

Sau trận thắng này, Lê Lợi cho chuyển đại bản doanh từ Đông Phù Liệt sang bến Bồ Đề ở bờ bắc sông Nhị, cho dựng chòi cao để hằng ngày theo dõi quân địch ở trong thành. Cùng với kế “tâm công”, Lê Lợi còn cử các tướng giỏi trực tiếp chỉ huy vây hãm các cửa thành. Có lần xiết chặt vòng vây, nghĩa quân đã bắt được 3.000 quân lính, 500 voi  ngựa. Lần khác, ngày 14-3-1427 ở cầu Sa Đôi (Mễ Trì), địch nống ra thăm dò lực lượng, nghĩa quân kiên quyết giáng trả, và đã phải dùng đến mảnh vỡ của chum, nồi, vại mà đánh địch.

Trong ba tháng 6, 7 và 8 năm 1427 những cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn. Tại bãi Cơ Xá, quân và dân  vừa lo đánh địch vừa dựng chiến lũy. Quân giặc từ trong thành lẻn ra cướp bóc đều bị đánh. Thực hiện bao vây thành và diệt viện, Lê Lợi phái hai đạo quân tinh nhuệ, chia đường tiến gấp đánh hai đạo quân viện binh. Khi Liễu Thăng vừa vào Lạng Sơn đã bị vây hãm ở Chi Lăng rồi bị chém chết ngay tại trận. Còn Mộc Thạnh vừa đến Tuyên Quang, biết tin Liễu Thăng bị giết cũng vội vàng rút lui.

Được tin thắng trận, người  Bồ Đề đua nhau đem gạo thịt đến đại bản doanh khao quân. Hàng nghìn người trong vùng lại đua nhau đi cắt những gánh cỏ non cấp cho đoàn ngựa chiến. Hàng trăm dân chài ở bờ bắc, lợi dụng đêm đông sa mù, cùng nhau  bí mật chở thuyền bè đến đón quân sang bờ nam sông Nhị tiêu diệt căn cứ pháo binh và trạm tiền tiêu của giặc ở Vạn Xuân (nay là vùng đất Lương Yên - Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng). Và chỉ trong một đêm   dân sở tại đã đắp xong chiến lũy bảo vệ. Chủ tướng Lê Lợi còn tự thân chỉ huy quân dân đắp thêm một chiến lũy mới, chạy từ phường Yên Hoa tới thẳng cửa Bắc thành.

Khi ấy, quân Minh ở trong thành Đông Quan đã sức cùng lực kiệt, mỏi mắt chờ viện binh mà viện binh đã bị đánh tan, nên hoang mang lo sợ, không còn tinh thần chiến đấu, lại được thư của Bình Định Vương từ bên ngoài bắn vào, bảo cho biết “nước xa không cứu được lửa gần” và nói rõ 6 điều tất phải thua của quân giặc. Hoảng hốt và tuyệt vọng, Vương Thông buộc phải nhận đến dự Hội thề tổ chức ở phía Nam thành vào ngày 10-12-1427. Từ ngày 20-12-1427, quân Minh được cấp 500 thuyền và lương thảo để rút về nước.

Ngày 3-1-1428, thành Đông Đô hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Trãi  nhân danh Lê Lợi viết bài “Bình Ngô đại cáo” để báo cáo chiến thắng với toàn dân.  áng văn bất hủ đó được coi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc...

Ngày 29-4-1428 (15 tháng tư Mậu Thân), Lê Lợi lên ngôi  hoàng đế ở Đông Đô, đặt quốc hiệu là Đại Việt, niên hiệu là Thuận Thiên. Trong 6 năm cầm quyền, Lê Lợi đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng nước Đại Việt thành một quốc gia độc lập, tự do và giàu mạnh.

Lê Lợi mất ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433)  tại Đông Kinh, miếu hiệu là Thái Tổ.

Gần 6 thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh người anh hùng dân tộc, nhà quân sự lỗi lạc vẫn được người Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội khắc ghi. Trong dân gian, hiện vẫn lưu truyền câu ca: “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”; hoặc: “Bồ Đề  bắn thư/ Bồ Đề chăn ngựa/ Bồ Đề  vượt  sông”. Tại hồ Lục Thủy, nằm ở vị trí đắc địa của kinh đô, từ lâu  gắn liền với sự tích trả gươm thần của Lê Thái Tổ. Tại phía bắc hồ, năm 1896 người ta đã dựng tại đây tượng đài vua Lê, đúc bằng đồng. Vua đội mũ  bình thiên, mặc áo bào, tay cầm kiếm chỉ xuống mặt hồ. Hơn 60 năm trước, phố Bờ Hồ đã được đổi thành phố Lê Thái Tổ. Phố nằm trên đất các  thôn Khánh Thụy. Tự Tháp, Phúc Phố, Tô Mộc thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Phố dài 685 mét, đi từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chạy vòng theo bờ Tây hồ Hoàn Kiếm, đến phố Bà Triệu - Tràng Thi. Đối diện với tượng vua Lê, ở phía đông bắc của hồ có vườn hoa Chí Linh, hai bên vườn hoa  có phố Lê Lai và Lê Thạch. Kề phố Lê Lai là phố Trần Nguyên Hãn; kề phố Lê Thạch là phố Đinh Lễ  và Nguyễn Xí. Đó là  danh tính các tướng tâm phúc của Bình Định Vương.

Giờ đây, mỗi lần qua Bờ Hồ, tại nơi “lắng hồn sông núi ngàn năm”, lòng ta lại nhớ núi Chí Linh ở miền Tây Thanh Hóa, nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã ẩn náu trong ngày đầu dựng nghiệp vô cùng gian khổ; nhớ chuyện Lê Lai, trong lúc hiểm nguy, đã cải trang làm Lê Lợi hy sinh liều mình cứu Chúa. Vì thế trong dân gian mới có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, có nghĩa  ngày 21 tháng 8 giỗ Lê Lai, ngày hôm  sau - 22 giỗ Lê Lợi. Ngày giỗ của đức vua còn được nhân dân  gọi “Tháng Tám giỗ cha” một cách hết sức thiêng liêng và thành kính.

Mỹ Văn
(Hà Nội Mới)