Cận kim thời đại – Nhà Nguyễn. Chương III. Thánh Tổ (Phần 3)

(Tiếp theo kỳ trước)

QUYỂN V
CẬN KIM THỜI ĐẠI

NHÀ NGUYỄN
(1802 – 1945)

CHƯƠNG III
THÁNH TỔ
(1820 - 1840)

7. ÁN LÊ VĂN DUYỆT VÀ LÊ CHẤT. Lê Văn Duyệt. Quan quân bình xong giặc Lê Văn Khôi rồi vua Thánh tổ sai phá thành Phiên An đi, xây lại chỗ khác và ngài xuống chiếu định truy tội Lê Văn Duyệt và tội Lê Chất.

Cứ bình tình mà xét, thì chẳng qua là vua Thánh tổ vốn có ý không ưa hai ông ấy, rồi đình thần lại nhân đó mà bới việc ra để chiều ý ngài, cho nên thành ra hai cái án thật là không đáng.

Nay cứ theo trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” mà sao chép ra, để mọi người đều được lấy lẽ công bằng mà phân đoán.

Từ khi tên Khôi khởi loạn, vua Thánh tổ thường ban trách Lê Văn Duyệt che chở quân phỉ đảng, để gây nên bọn loạn.

Năm Ất Vị (1835), ở Đô sát viện có Phan Bá đạt dâng sớ nói rằng: Lê Văn Duyệt trước ở Gia Định, lấy bọn nghịch Khôi, nghịch Nhã, làm trảo nha, lấy binh Bắc thuận, Hồi lương làm tâm phúc. Bọn ấy vốn là quân hung ác, không phải là người lương thiện, cho nên Duyệt mất chưa bao lâu mà bọn nghịch Khôi, nghịch Nhã, đã đem quân Hồi hương, Bắc thuận cùng với bọn thủ hạ giữ thành làm phản; lại làm phiến hoặc nhân tâm, để vạ lây đến các tỉnh Nam Kỳ, mà khó nhọc đến đại đội quan quân phải tiến tiễu. Năm tỉnh nay thu phục được rồi, song thành Phiên An tặc đảng vẫn còn thiết cứ, quan quân tiến tiễu, lắm người thương vong, cái vạ ấy nói sao cho xiết. Nay Duyệt mất rồi, sự trạng dẫu không có thể tường cứu được, nhưng cứ xem con nuôi là Lê Văn Hán, trước đây vào ra trong thành, nhập đảng với nghịch Khôi, và đem Bạch Xuân Nguyên làm đuốc để tế từ đường, thì tâm tích của Duyệt tưởng không phải xét cũng đã rõ. Nếu không bắt tội e không làm gương đươợ cho đời sau. Vậy xin truy đoạt quan chức của Duyệt, còn vợ con thì giao về Hình bộ tra minh nghiêm nghị, để tỏ phép nước”.

Vua dụ Nội các rằng: “Lê Văn Duyệt xuất thân từ kẻ yêm hoạn, vốn là một đứa đầy tớ trong nhà. Xảy gặp hồi trung hưng, rồng mây gặp gỡ, đánh dẹp Tây Sơn, cũng dự có phần công lao. Đức Hoàng khảo ta nghĩ tới nó thuở nhỏ sai khiến ở trong cung, mới đem lòng tin cậy, nhiều lần cho nó cầm quyền đại tướng. Không ngờ bọn ấy phần nhiều là quân bất lương, mỗi ngày sinh ra kiêu căng, manh tâm phản nghịch, sinh chí làm càn, ăn nói hỗn xược. Vì nó còn e Hoàng khảo ta thánh minh, cho nên dẫu có lòng gian mà chưa dám lộ. Mà Hoàng khảo ta đến vãn niên cũng đã biết rõ. Nhưng lại nghĩ hắn dẫu có lòng gian, song thiên hạ đã yên rồi, thần dân ai còn theo kẻ thị hoạn đó, thì chắc hắn cũng chẳng làm gì được. Đến khi trẫm lên ngôi, cựu thần không còn mấy, vả lại nghĩ nó tuổi đã già, cho nên cũng tạm khoan dung, hoặc hắn biết nghĩ mà chừa đi, để cho toàn vẹn công danh, thì cũng là việc hay. Không ngờ kẻ kia lòng như rắn rết, tính tựa sài lang, càng ngày càng sinh kiêu ngạo, dám nói xấu Triều đình trước mặt chúng nhân, mà khoe cái tài riêng của mình. Năm trước các quân tù phạm xứ Thanh, Nghệ cùng là những kẻ hung ác, hắn đều chiêu dụ ra thú, tâu xin ghéo vào trướng hạ để làm nanh vuốt. Lê Văn Khôi là quân vô lại, thì tiến cứ đến chức vệ uý, theo dưới cờ hắn, để làm tâm phúc. Thổ hào như bọn Dương Văn Nhã, Đặng Vĩnh Ưng thì hắn ngấm ngầm vời dùng; nhân thích như bọn Võ Vĩnh Tiền, Võ Vĩnh Lộc thì hắn âm thầm lập đảng. Những kẻ tù phạm Bắc kỳ phát phối vào đó, hắn cho ở trong thành, rồi tha cho làm lính; lại kén lấy những voi khoẻ đem ra nơi đồn thú; vét lấy những thuyền bè khí giới trong 6 tỉnh Nam kỳ chứa vào thành Phiên An; rồi lại nghe tên Trần Nhật Vĩnh mà hút hết cao huyết của dân Nam kỳ. Đắp thành Phiên An, tiếm bằng Kinh thành, hào thì đào sâu hơn. Nếu bảo thành cao hào sâu để phòng giặc Tiêm, thì đường bể phải phòng ở Hà Tiên, đường bộ phải phòng ở Chân Lạp, có lẽ nào bỏ bốn tỉnh An, Hà, Long, Tường không giữ, mà lại giữ ở Phiên An hay sao? Thế là rõ rằng phòng Triều đình, chứ không phải phòng ngoại hoạn. Cứ suy điều đó, thì ruột gan hắn, dẫu người đi đường cũng biết, ai không căm tức, chỉ giận vì ai không chịu nói rõ cho Triều đình biết sớm mà thôi. Đến nỗi ngày nay như nuôi cái nhọt bọc để nên đau, mỗi ngày mầm vạ một lớn, cho nên kẻ quyền yêm dẫu chịu tội minh tru, mà bọn nhỏ nhặt còn dám giữ thành làm phản.Ví dụ quan cai trị không hèn đốn như Nguyễn Văn Quế, tham tàn như Bạch Xuân Nguyên, thì chúng nó có ngày làm phản chứ không sao khỏi được. Vì bọn tiêu hạ hắn toàn là quân hung đồ, quen làm những biệc bất thiện. Chúng nó đã quen thấy hắn dối chúa, lấn trên, đều bắt chước hắn. Thậm chí hắn nói với người ta rằng hắn vào trấn Gia Định, vốn là phong vương để giữ lấy đất, chứ không phải như các tổng trấn tầm thường khác. Mả của cha hắn, em hắn, cũng tiếm gọi là lăng; hoặc dám đối với người ta, tự xưng là Cô, để cho bộ hạ tập quen thành thói, chỉ biết có Lê Văn Duyệt mà không biết đến Triều đình. Thầy Hữu tử nói rằng: “Không ưa phạm người trên mà ưa làm loạn, cũng chưa có lẽ thế bao giờ. Mối vạ gây nên đã lâu, lẽ nào mà muốn cho bọn tiêu hạ không làm phản được? Vậy nên hắn chết chưa bao lâu, mà bọn Lê Văn Khôi đã khởi loạn, cháu hắn cũng đồng bọn tính tạo phản, để cho cả bọn bộ khúc của hắn đều theo giặc cả, không một tên nào trốn đi, rồi nó kết tử đảng, cậy có thành cao, hào sâu, lương thực như núi, khí giới tinh nhuệ, đồ đảng lại nhiều, kháng cự lại vương sư, chầy đến 3 năm trời, nhiều lần mở đường sống cho nó, mà chúng nó không biết hối tội đầu thành, đến nỗi binh dân gan góc lầy đường, nói ra đau xót đến gốc nguồn thì tội hắn kể từng cái tóc cũng không xuể. Nay hãy đem những công việc của hắn làm, rõ ràng ở tai mắt người ta, để gây nên hoạn loạn, hiểu thị cho ai nấy đều biết. Còn như Lê Văn Duyệt và con cháu hắn nên xử tội thế nào, thì giao cho đình thần nghị xử”.

Vài hôm sau, nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Quýnh tâu rằng: Duyệt che chở cho quân phỉ loạn, gây nên sự biến, cái tai vạ tích lại đã lâu. Nay xét những giấy má của y ngày trước, rõ ra hình tích bội nghịch, có 6 điều:

1. Năm Minh Mệnh thứ 4, y tụ tiện sai người riêng là bọn Phan Đạt giả danh đi thám, đi thuyền sang nước Diến Điện. Trong thư chắc có giao thông. Cứ lấy nghĩa “làm tôi không có phép được giao thông với nước ngoài”, thì tâm sự của y đã rõ, ấy là một tội.

2. Đến khi xứ thần nước Diến Điện đến thành, mới tâu vào Triều đình. Đã có chỉ dụ nói việc đó quan hệ đến đại nghĩa không nên khinh thường, nghe lời ngoài mà bỏ tình hoà hiếu, gây sự cừu thù. Vậy mà y cố xin dung nạp. May mà Triều đình trả đồ cống vật cho sứ Diến Điện về nước, thì danh nghĩa nước lớn ta mới tỏ giải ra thiên hạ. Thế là y chẳng những mưu việc nước không ra gì, mà lại cố giữ lấy ý riêng để che điều lỗi, ấy là hai tội.

3. Năm Minh Mệnh thứ 7, tàu bạt phong nước Anh-cát-lợi đậu vào cửa Bình Thuận, đã có chỉ sai sở tại hộ tống, mà y cố xin đưa vào Gia Định, và nói rằng: “Quan trấn kiềm thúc, không bằng thần có quyền, khiến cho kẻ kia sợ tướng lệnh và biết binh oai”. Hai chữ “có quyền” từ xưa vẫn lấy làm răn, mà y dám ngất ngưởng tự nhận, kiêu tứ dường nào, ấy là ba tội.

4. Năm Minh Mệnh thứ 4, thị vệ là Trần Văn Tình nhân việc công sai ở Gia Định về,có tâu việc Trần Nhật Vĩnh làm riêng phố ngói, mua trộm các món. Y nghe chuyện làm vậy, năm sau vào chầu, cố xin bắt Trần Văn Tình giao cho y để y chém, nếu không giao thì y xin trả chức tổng trấn; rồi y xin từ chức thực. Có ý yêu quân như vậy, tội gì còn to bằng tội ấy. Vả y xin giết một Trần Văn Tình, thế là bắt người ta phải khoá lưỡi, không ai dám nói nữa, rất là dụng tâm nham hiểm, ấy là bốn tội.

5. Trần Nhật Vĩnh đã có chỉ bổ thụ ký lục Vĩnh Thanh mà y cố xin lưu ở lại trong thành. Lê Đại Cương có chỉ tuyên triệu, mà y cố xin lưu lại làm việc phủ Lạc Hoá, đều là có y vi chiếu. Trong tập tâu của y lại nói rằng: “Chuẩn cho thần cầu xin việc ấy, thì hầu có ích cho việc ngoài biên cương”; lại ở trong tập tâu xin chi bổng cho bọn thơ lại, cơ đội, các vệ, có câu rằng: “Lão thần xa ở ngoài biên khổn, chỉ e Triều đình tin dùng không được vững bền”. Trong lời lẽ ấy đều là không kính, ấy là 5 tội.

(Xem tiếp kỳ sau)