Bài 5. Nấu nướng

I. Hội thoại:  

NOH:
 

Bà ơi, vào đây giúp cháu với. Cháu làm phở lần đầu tiên nên thấy lúng túng quá.

BÀ TÂM:

Không sao, cháu cứ làm đi rồi sẽ quen ngay mà. Cái gì khó thì để bà giúp cho. Cháu định làm phở gà hay bò?

NOH:
 

Phở gà bà ạ. Cháu chuẩn bị hết các thứ rồi mà không biết tiếp tục thế nào. Bà xem giúp cháu liệu nước đã đủ chưa? Có mười người tất cả đấy bà ạ.

BÀ TÂM:

 

Ít quá. Cháu phải cho nhiều nước vào. Khi ăn phở, người ta hay chan nhiều nước lắm. Cháu nhớ đừng đậy vung như thế, không thì nước phở sẽ bị đục đấy. Thôi, bây giờ cháu gỡ thịt đi, để bà chế nước dùng cho.

NOH:

Phải gỡ thịt hả bà? Cháu nghĩ nên chặt thịt thành miếng chứ?

BÀ TÂM:

Làm thế cũng được nhưng gỡ ra thì người ta dễ ăn hơn. Lần sau, cháu nhớ mua thêm một ít xương lợn để hầm cho ngọt nước nhé.

NOH:

Thế ạ! Cháu chả biết gì cả. Liệu bây giờ mua thêm có kịp không bà?

BÀ TÂM:

Thôi, bây giờ muộn rồi, đừng đi nữa, không có cũng được. Bà chỉ nhắc thôi mà.

NOH:

Cháu cho hành khô và gừng vào nước dùng nhé. Cho bao nhiêu thì đủ hả bà

BÀ TÂM:

Cháu cứ cho đi, cho nhiều vào cho thơm.

NOH:

Bằng này được không bà?

BÀ TÂM:

Cháu phải nướng hành đã chứ.

NOH:

Ôi, quên mất. Sao mà cháu vụng thế nhỉ?

BÀ TÂM:

Ai làm lần đầu tiên cũng thế. Đấy, cháu thấy thơm chưa?

NOH:
 

Vâng, thơm quá, giống hệt mùi phở ngoài hàng. Nhìn bà làm cháu thấy sao mà dễ thế, nhưng khi làm một mình sao mà khó thế. Cháu đi chần bánh phở nhé. Khách sắp đến rồi đấy.

BÀ TÂM:

Cháu đừng vội. Khi nào sắp ăn cháu chần cũng được. Mà nước chần bánh phở của cháu đừng nóng quá hoặc nguội quá nhé.

NOH:

Sao mà phức tạp thế. Bây giờ mọi việc xong hết rồi ạ?

BÀ TÂM:
 

Còn nhiều việc lặt vặt lắm: xay hạt tiêu này, cắt chanh này, cắt ớt này. Phở phải ăn thật cay và thật nóng. Nếu không sẽ không ngon đâu.
 

 

Bảng từ

lúng túng
chan
đậy
vung
đục
gỡ
nước dùng
chặt

hầm
hành khô
gừng
nướng
chần
lặt vặt
xay
hạt tiêu

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Một số kiểu câu yêu cầu:
a.

(hãy)   +   động từ   +   đi

Để yêu cầu người khác làm việc gì.

Ví dụ:

- Chúng ta đi đi.

 

- Chị hãy ngồi xuống đây đi.

b.

đừng / chớ   +   động từ

Để khuyên người khác không nên làm gì.

Ví dụ:

- Trời mưa to, em đừng đi ra ngoài.

 

- Con chớ nghịch điện, nguy hiểm lắm.

c.

cứ   +   động từ +   đi

Để biểu thị ý yêu cầu như hãy + động từ + đi, nhưng từ cứ mang ý nghĩa bướng bỉnh, kiên trì nên nó thường biểu thị ý yêu cầu khi người tiếp nhận còn băn khoăn, do dự, chưa quyết định ngay.

So sánh:

- Anh vào nhà đi (bình thường).

 

- Anh cứ vào nhà đi (khi người đối thoại chưa muốn vào nhà vì một lý do nào đó như sợ, ngại, băn khoăn).

Vì vậy trong nhiều trường hợp, kết cấu này thường dùng để động viên, thúc giục người khác làm gì.

Có những trường hợp đó là sự yêu cầu làm việc không cần biết đến hậu quả.

Ví dụ: - Trời lạnh à? Cứ đi đi, nếu ốm thì uống thuốc.

Có thể dùng kết hợp hãy cứ + động từ + đi, với ý nghĩa như trên.

d.

nhớ   +   động từ

Để yêu cầu người khác đừng quên làm gì.

Ví dụ:

- Hôm nay anh nhớ về sớm nhé.

 

- Ngày mai cậu nhớ đến đúng giờ.

e.

câu   +   với

Có hai trường hợp:

+ Yêu cầu người khác giúp đỡ mình. 

Ví dụ: - Cứu tôi với!

+ Xin phép cùng làm gì với người khác

Ví dụ: - Chị đi đâu đấy? Em đi với!

f.

để

+ câu

+ cho

để

+ câu

 

 

   câu

+ cho

Để yêu cầu được làm một việc gì đó cho người đối thoại.

Ví dụ: - Cái túi nặng lắm, chị để tôi xách cho.

2.

câu   +   đã / cái đã

Kết cấu dùng để biểu thị hành động nêu ra trước đó là hành động cần được ưu tiên làm trước. 

Ví dụ:

- Con ngủ đi.

 

- Mẹ phải đọc truyện này cho con nghe đã.

3.

Liệu   +   câu ?

Liệu được dùng ở đầu câu hỏi ... không? để biểu thị ý nghi ngờ về khả năng diễn ra của sự việc được nói đến trong câu. 

Ví dụ:

- Liệu anh ấy có đến không?

 

- Liệu ngày mai việc này có xong không?

III. Bài luyện:

1. Dùng “cứ ... đi “ để yêu cầu trong những trường hợp sau:

Mẫu: - Một em bé đến nhà người lạ. Em muốn chơi đồ chơi nhưng chưa dám.

     - Cháu cứ chơi đồ chơi đi.

a. Một học sinh gặp thầy giáo. Hình như em có điều gì muốn nói nhưng rất lúng túng chưa nói được. Thầy giáo nói: “......................................” 

b. Em đi học về muộn. Bố mẹ đang ngồi chờ em về để ăn cơm. Em còn muốn đi tắm trước khi ăn cơm nên em đã nói với bố mẹ: “...............................”

c. Hôm nay bạn có kế hoạch đi chơi nhưng bỗng nhiên có việc bận. Bạn của bạn định chờ bạn cho đến khi hết việc vì sợ bạn không biết đường. Không muốn người khác phải chờ đợi lâu nên bạn nói: “.............................”

d. Đây là đường một chiều. Em không dám đi vào vì sợ công an phạt. Bạn em nghĩ rằng đêm khuya rồi, không có công an nên bạn em nói: “............................” .

e. Tôi rất khát nhưng không dám uống nước lã vì sợ bị đau bụng. Anh ấy nói: “.............................” .

f. Chị ấy là nhân chứng của một vụ giết người nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Chồng chị khuyến khích: “..........................................”.

g. Người ta không cho mang máy ảnh vào chùa này. Bà ấy muốn chụp ảnh nên bảo tôi: “.............................”.

2. Khi bạn sắp đi xa thì những người thân của bạn dặn bạn làm gì. Hãy dùng “nhớ” để nói lại những lời đó.

Mẫu: Bố mẹ tôi nói “Con nhớ giữ gìn sức khỏe”.

3. Trong những trường hợp sau thì bạn yêu cầu người khác giúp đỡ thế nào? Hãy dùng “với” để diễn đạt ý đó:

Mẫu:

- Một người bị ngã xuống sông nhưng không biết bơi. Anh ấy kêu cứu thế nào?

- Cứu tôi với.

a. Bạn không hiểu bài. Bạn đề nghị thầy giáo giảng giúp thế nào?

b. Bạn định đi chuyến xe này nhưng khi bạn vừa đến bến thì xe bắt đầu chuyển bánh. Bạn gọi người lái xe thế nào?

c. Nhà của một người bị cháy, họ kêu thế nào?

d. Bạn bị ốm muốn đóng cửa sổ vì sợ gió lạnh nhưng không thể ra khỏi giường được. Bạn nói với mẹ thế nào?

e. Một người bị cướp giữa đường thì họ kêu thế nào?

f. Bạn đang bị khóa ở trong phòng và muốn ra ngoài nhưng không tự mở cửa được. Bạn nói thế nào với người đang đứng ở ngoài?

4. Dùng “với” để đề nghị khi:

Mẫu: - Em ấy muốn đi chơi cùng các chị.

    - Em đi với.

a. Cậu bé muốn ăn bánh cùng các bạn.

b. Bạn muốn học tiếng Anh cùng một số người khác.

c. Bạn muốn chơi bóng rổ cùng với họ.

d. Em ấy muốn đi xem phim cùng với các chị.

e. Bạn muốn đi du lịch cùng với họ.

f. Bạn muốn nấu ăn cùng mẹ.

5. Dùng “để ..... (cho) để yêu cầu được giúp đỡ người khác:

Mẫu:

- Chị ấy mang một cái túi rất nặng lên cầu thang. Bạn muốn mang giúp.

- Để em mang giúp cho.

a. Mẹ bạn bị mệt nhưng vẫn nấu cơm. Bạn muốn nấu cơm cho mẹ.

b. Ông ấy bị hỏng xe. Bạn muốn chữa giúp.

c. Bà của bạn nhận được thư nhưng mắt bà kém nên không đọc được. Bạn muốn đọc giúp bà.

d. Chị ấy muốn đi mua báo nhưng chân bị đau. Bạn muốn đi mua giúp.

e. Em ấy không hiểu cách làm bài tập này nhưng bạn hiểu. Bạn muốn giải thích cho em ấy hiểu.

f. Một em bé muốn lấy quả bóng trên bàn nhưng em thấp quá, không lấy được. Bạn muốn lấy giúp.

g. Bạn của bạn vừa uống rượu. Bạn nghĩ rằng anh ấy không nên lái xe. Bạn muốn lái xe giúp. 

6. Dùng “đã” hoặc “cái đã” để tạo câu theo mẫu:

Mẫu: - Em làm bài tập số 3 nhé.

     - Em làm bài tập số 2 đã. 

a. Em đi học nhé.

b. Con xem ti vi một chút nhé.

c. Tôi gửi báo cáo cho giám đốc nhé.

d. Tôi mang quyển sách này về nhé.

e. Chị đi nhé.

f. Anh gọi điện cho anh Nam nhé.

g. Anh mua cái quạt này nhé. 

7. Khi nào bạn hỏi những câu sau:

Mẫu:

- Liệu mai có mưa không? 

- Ngày mai, bạn định đi du lịch nhưng tối nay trời không có sao. Bạn lo ngày mai sẽ mưa nên hỏi như vậy.

a. Liệu em có đỗ không?

b. Liệu anh ấy có tin tôi không?

c. Liệu bố tôi có qua khỏi được không?

d. Liệu ngày mai anh có làm xong việc này không?

e. Liệu buổi tối có ô tô về Hà Nội không? 

f. Liệu ông ấy có giận tôi không?

IV. Bài đọc:

Phở

Người Việt Nam có thể chưa ăn bánh bao, chưa ăn mì vằn thắn nhưng chắc chắn rằng ai cũng đã ăn phở.   

Dù đi đâu xa người ta cũng không quên được phở - món ăn với đầy đủ hương vị ngọt, thơm, béo ngậy... Hãy thử đi qua một quán phở bạn sẽ thấy những gì, nào là một bó hành, nào là mấy quả ớt đỏ, nào là những miếng thịt bò tươi, nào là một con gà luộc béo vàng, nào là nồi nước dùng đang bốc hơi thơm phức. Những ngày trời lạnh, nhìn cảnh ấy người ta luôn cảm thấy ấm áp. 

Phở xuất hiện rộng rãi vào những năm hai mươi của thế kỷ XX. Trước đó chưa có phở mà chỉ có một món ăn na ná giống phở. Đó là một loại canh thịt trâu ăn với bún. Sau đó những người bán hàng đã cải tiến, thay thịt trâu bằng thịt bò và thay bún bằng bánh phở. Lẽ ra khi thay đổi nguyên liệu như vậy thì gia vị cũng phải thay đổi, nhưng những người bán hàng đã không làm thế. Nên thời gian đầu, cũng như món bún thịt trâu, phở chỉ phổ biến ở các bến cảng, nơi có nhiều công nhân làm việc.

Nhưng dần dần phở cũng lan vào thành phố. Từ đó cách ninh xương hoặc thêm bớt gia vị cũng luôn thay đổi. Do là món ăn bình dân nên các hàng phở bán rong rất nhiều. Những quán phở cũng rất đơn giản, xuềnh xoàng và mang những cái tên giản dị như phở Gù, phở Lùn, phở Béo... Đến những năm 1918 - 1919 phở mới bắt đầu trở thành món ăn của mọi người. Các hàng phở đua nhau mọc lên và đua nhau cải tiến chất lượng. Đầu tiên ở các quán chỉ có phở chín nhưng sau có thêm phở tái, phở xào, đầu tiên chỉ có phở bò sau có thêm phở gà.

Những năm gần đây nghệ thuật xào nấu phở đã đạt tới đỉnh cao. Dù ở mỗi địa phương phở có một mùi vị khác nhau, nhưng đó luôn là món ăn ngon và hợp túi tiền với tất cả mọi người. 

Trứng ngót

Có một chị chưa bao giờ nấu ăn. Hôm đầu tiên đi làm dâu, mẹ chồng bảo chị luộc rau. Chị luộc một nồi rau đầy nhưng khi rau chín, vớt lên thì chỉ còn một đĩa nhỏ. Sợ mẹ chồng nghĩ rằng mình ăn vụng, chị ngồi dưới bếp ôm mặt khóc. Nghe thấy tiếng khóc, mẹ chồng chị vội xuống bếp hỏi lí do. Chị thật thà kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, mẹ chồng chị cười và bảo:

- Con đừng lo. Đó là rau bị ngót đấy. Khi luộc rau bao giờ cũng vậy.

Hôm sau, mẹ chồng bảo chị luộc năm quả trứng. Khi trứng chín, thấy vẫn còn năm quả, chị ăn luôn hai quả. Mẹ chồng hỏi tại sao luộc năm quả trứng, khi chín chỉ còn có ba quả. Chị trả lời:

- Trứng bị ngót đấy mẹ ạ.

Bảng từ

bánh bao
mì vằn thắn
hương vị
béo ngậy

bốc hơi
thơm phức
na ná
nguyên liệu 
gia vị
bến cảng

lan
bán rong
xuềnh xoàng
đua 
mọc
chín
tái
đỉnh cao
làm dâu
vớt
ăn vụng

V. Bài tập:

1. Trả lời câu hỏi:

a. Ở Việt Nam, phở là một món ăn như thế nào?

b. Đi qua một hàng phở người ta thường nhìn thấy cảnh gì?

c. Phở xuất hiện từ bao giờ? Khi mới xuất hiện phở có khác bây giờ không?

d. Lúc đầu phở chỉ phổ biến ở đâu? Tại sao?

e. Khi mới có phở, các quán phở thường như thế nào?

f. Hãy kể tên một số loại phở được nhắc đến trong bài?

2. Viết tiếp các câu sau:

a. Phở có đầy đủ các hương vị ......................................................

b. Phở bắt đầu xuất hiện từ ............................................................

c. Trước khi có phở đã có một món ăn .........................................

d. Các hàng phở bán rong rất nhiều vì ..........................................

e. Những năm gần đây, nghệ thuật xào nấu phở ..........................

f. Phở luôn luôn là món ăn ........................................................

3. Dựa vào bài đọc (2) để chữa lại những thông tin dưới dây cho đúng:

a. Câu chuyện này kể về một chị rất khéo nấu ăn.

b. Một hôm, sau khi luộc rau, chị khóc vì rau không chín.

c. Mẹ chồng nghe thấy tiếng khóc, đi xuống bếp và mắng chị.

d. Hôm sau, bà lại bảo chị luộc rau.

e. Chị ấy ăn hai quả trứng vì đói.

f. Sau khi luộc thì cái gì cũng bị ngót.

4. Điền các từ sau vào chỗ trống:

nguyên liệu
ngót
hàng rong
thèm

ninh
pha chế
thơm phức

xuềnh xoàng
hương vị
bốc hơi
na ná

a. Ngửi thấy mùi thức ăn ........... tôi đã đói lại càng đói.

b. Ở Việt Nam có nhiều món ăn nhưng món ăn nào cũng có ........ riêng.

c. Khi nấu, các loại rau thường bị ...................

d. Muốn nước dùng phở ngọt và ngon thì người ta phải .............. nhiều xương chứ không được cho nhiều mì chính.

e. Mùa đông, nhìn một bát phở  ............. chắc chắn ai cũng .....................

f. Nước dùng là điều khó nhất trong khi nấu phở.

g. Họ không phải là anh em nhưng trông ................. giống nhau.

h. Những người bán hàng .................... là những người vừa đi vừa bán.

i. Anh ấy rất giàu nhưng luôn ăn mặc ...................

k. Thịt, xương, hành, rau thơm là những ......................... để nấu phở.

5. Hãy liệt kê tất cả những từ về chủ đề “nấu nướng” trong bài đọc và bài hội thoại:

6. Nghe bài “Hội thi món ăn các dân tộc Việt Nam và xem những thông tin đưa ra dưới đây đúng hay sai:    

a. Hội thi kéo dài một tháng.

b. Có 500 thí sinh tham gia cuộc thi này.

c. Những người dự thi là phụ nữ ở khắp các miền đất nước.

d. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có số người dự thi đông nhất.

e. Các thí sinh chỉ thi các món ăn tự chọn.

f. Cuối cùng ban giám khảo chọn được 150 món ăn xuất sắc.

7. Nghe băng chuyện vui “Tiền ở đâu?”:    

8. Trả lời những câu hỏi sau:

a. Nhà kia có mấy người?

b. Ông chồng làm việc ở đâu?

c. Ông thường được lĩnh lương khi nào?

d. Tại sao chiều thứ bảy nào vợ ông cũng không dám đi đâu?

e. Bà thường cho chồng giữ toàn bộ lương, phải không?

f. Có một chiều thứ bảy ông chồng về nhà rất muộn, phải không?

g. Khi ông về thì vợ ông đang làm gì?

h. Ông báo tin gì cho vợ?

i. Khi nghe tin ấy thái độ của bà vợ lúc đầu thế nào?

k. Bà vợ hỏi ông chồng điều gì?

l. Sau đó, đột nhiên bà ấy thế nào?

m. Tại sao cuối cùng bà ấy lại bực tức với chồng?

n.  Bà vợ này là người rất thích tiền phải không?

9. Viết cách nấu một món ăn mà bạn thích nhất.

VI. Bài đọc thêm:

Ăn thoải mái

Một chị lấy phải anh chồng tham ăn. Hễ ngồi vào mâm là anh ấy gắp lấy gắp để, chẳng nghĩ đến ai cả. Chị vợ rất xấu hổ và đã nhiều lần khuyên chồng phải ăn uống lịch sự nhưng anh chồng vẫn không thể chừa được thói xấu ấy.

Một hôm, nhà bố vợ có giỗ. Hai vợ chồng về ăn cỗ. Chị vợ sợ chồng ăn uống thô lỗ nên nghĩ ra một cách. Chị lấy một sợi dây, một đầu buộc vào chân chồng, còn đầu kia chị cầm và dặn chồng:

- Hễ bao giờ em giật dây anh mới được gắp đấy nhé.

Anh chồng gật đầu đồng ý. Khi ngồi vào mâm, mọi người thấy anh ăn uống rất lịch sự. Chị vợ ở dưới bếp vừa làm vừa giật dây. Đôi lúc chị mải làm, quên không giật thì anh chồng cứ ngồi im không dám gắp gì cả. Bố vợ phải gắp thức ăn cho.

Đến giữa bữa, một con gà chạy qua và chẳng may mắc vào sợi dây, làm cho sợi dây giật liên tục. Ở nhà trên, anh chồng thấy thế nên vội vàng gắp. Anh càng gắp thì sợi dây càng giật mạnh. Tưởng vợ cho phép ăn thoải mái nên anh ta lấy cả đĩa thức ăn đổ vào bát mình.

Hâm nước mắm

Có một anh ngốc luôn luôn bị vợ bắt nạt. Anh ấy cũng biết thế là nhục nhưng vì ngu ngốc quá nên đành phải chịu.

Một hôm, có bạn đến chơi, anh ta năn nỉ vợ:

- Em ơi, hôm nay anh có khách, vậy em cho anh ra oai một hôm nhé. Nếu không người ta bảo ở nhà này vợ bắt nạt chồng thì xấu mặt cả hai chúng ta. 

Chị vợ muốn được người ta nghĩ là vợ hiền nên đồng ý ngay. Lúc có mặt bạn, mặc cho anh chồng tha hồ quát mắng chị vợ vẫn tươi cười, dịu dàng, lễ phép. Mâm cơm có đủ các món ăn ngon nhưng anh ấy vẫn luôn chê:

- Bát canh này mặn quá!

- Thịt gà sao chặt to thế này?

- Cá sao lại rán cả vẩy?

Chị vợ tức ơi là tức nhưng vẫn im lặng, không cãi lại. Khi thấy không còn món gì chê được nữa anh ta có vẻ rất khó chịu. Lúc nhìn thấy bát nước mắm, anh ta vội nói to:

- Sao em không hâm nước mắm hả?

Người khách nghe câu hỏi thì buồn cười quá. Chị vợ thì xấu hổ quá vì có anh chồng ngu ngốc như vậy.

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ:

1. “Ăn như mèo”

Con mèo có đặc tính là ăn rất chậm và ít. Vì vậy, khi nói về những người ăn ít và chậm người ta thường dùng thành ngữ này.

Ví dụ: - Con ăn như mèo thì không thể lớn nhanh được.

           - Nó ăn như mèo mà vẫn béo.

2. “Đói mềm”

Mềm có nghĩa là ở trạng thái bị kiệt sức, người như mềm đi và không đủ sức làm việc gì nữa. Khi đói đến mức kiệt sức thì người ta dùng cụm từ đói mềm.

Ví dụ: - Cả ngày hôm nay tôi không ăn gì nên bây giờ đói mềm.

           - Hai chị em nó đói mềm rồi mà mẹ vẫn chưa về.

3. “Ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”

Thành ngữ này ý muốn nói ăn hoặc làm cái gì phải mất công đi nhưng hiệu quả ít. 

Ví dụ:

A: Tối nay mà rỗi thì đến nhà em ăn cơm nhé.

B: Thôi, chị không đến đâu, đến nhà em xa lắm, ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng.