Bài 21. Anh em - Con cái

 I. Các tình huống hội thoại


1. Hỏi thăm về con cái

LAN:
 Chị ơi! Cháu Hoa đã đi làm chưa chị?
 
THƠM:
 
Cháu vừa tốt nghiệp sư phạm hồi tháng 9 cô ạ. Đang chờ xin việc.
 
LAN:
 
Thế sau Hoa, Hương, chị còn sinh thêm cháu nào nữa không? Lâu quá rồi không gặp chị, em chẳng biết gì cả.
 
THƠM:
 
Có, sau cái Hương là thằng Vương, năm nay đã lên 10 rồi, cháu đang học lớp 5. May cháu út là con trai, chứ con gái thì cũng buồn.
 
LAN:
 
Mừng cho chị. Cháu đầu của em là con gái. Cháu thứ hai trai gái gì em cũng thôi. Nhà em cũng nhất trí thế!
 

THƠM:
 
Có nếp có tẻ vẫn hơn cô ạ.
 

2. Xem album (Helen và Hà)

HÀ:
 Đây là em của Helen à?
 

HELEN:
 
Không phải, anh mình đấy, anh Bill.
 

HÀ:
 
Anh Helen mà trẻ quá nhỉ?
 
HELEN:
 
Thế mà không phải là anh kề mình đâu. Sau anh còn một chị nữa rồi mới đến mình.
 

HÀ:
 
Thế còn ảnh của John, em trai Helen đâu?
 
HELEN:
 
Đây, đây là ảnh chụp khi cậu ấy vừa đi du lịch ở Đức về.
 

HÀ:
 
Này, xem ảnh thì John giống cụ hơn anh Bill nhỉ.
 

HELEN:
 
Ừ, ai cũng bảo thế.
 

3. Về thăm sức khoẻ bố mẹ

HÀ:
 Chào chú! Chú đến chơi!
 

ÔNG HÒA:
 
Cháu làm gì đấy? Ba mẹ đâu cháu?
 

HÀ:
 
Dạ, thưa chú, ba cháu về quê thăm ông bà, mẹ cháu đang ở dưới nhà, cháu tưởng chú biết ba cháu về quê.
 
ÔNG HÒA:
 
Chú có nghe ba cháu nói nhưng chú cứ nghĩ là chủ nhật tới mới đi.
 
HÀ:
 
Dạ, hình như ba cháu nhận được thư bà báo tin ông ngày càng yếu, chú ạ.
 
ÔNG HÒA:
 
Thế mà ba cháu không gọi điện thoại báo cho chú biết để cùng đi.
 

II. Ghi chú ngữ pháp

1. Tuy... nhưng...: Cặp từ nối dùng để liên kết hai thành phần câu hoặc hai vế câu ghép có ý nghĩa trái ngược nhau. 

Ví dụ:
 
- Tuy không phải là chị ruột nhưng mẹ Thanh và bố mình quý nhau như chị em.
 
- Tuy trời mưa nhưng chúng tôi vẫn đi. 
 
- Tuy bị ốm nhưng anh ấy vẫn cố gắng làm việc.

Chú ý: Có thể thay tuy bằng mặc dù (mặc dù... nhưng) và nhưng bằng mà (mặc dù... mà). 

2. Đi... về...: Dùng để cấu tạo vị ngữ của câu mà hành động biểu thị ý nghĩa khứ hồi.

Ví dụ:
 - Đi du lịch ở Đức về 
 
 - Nam đi thư viện về 
 
 - Helen đi học đã về
 

Chú ý: Hành động biểu thị về có thể đã xảy ra (đã về), cũng có thể chưa xẩy ra (chưa về) hoặc sẽ xẩy ra (sẽ về). 

- Câu hỏi chung là: đi đâu về? Câu hỏi cụ thể về thời gian: đi X đã về chưa?

Ví dụ:
 - Nam đi đâu về? 
 
- Nam đi thư viện về chưa? (không rõ thời gian)
 

3. Ngày càng (càng ngày càng) 

Kết cấu đứng trước các vị ngữ là tính từ hoặc các trạng ngữ thể cách để biểu thị sự tăng tiến theo thời gian.

Ví dụ:
 - Ông ngày càng yếu 
 
- Bài đọc ngày càng khó 
 
- Xe chạy ngày càng nhanh
 

Chú ý: Nếu thời gian tăng tiến nhanh hoặc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn có thể thay ngày càng bằng mỗi lúc một.

Ví dụ:
 - Xe chạy mỗi lúc một nhanh. 
 
- Tình hình mỗi lúc một xấu.

4. Nhau: đại từ, dùng để biểu thị sự tương hỗ giữa hai hoặc nhiều đối tượng. 

Ví dụ:         - Mẹ Thanh và bố mình quý nhau như chị em ruột. 

Quan hệ tương hỗ sẽ là: 

Mẹ Thanh quý bố mình 

Bố mình quý mẹ Thanh 

Mẹ Thanh và bố mình quý nhau.

Chú ý: Đại từ nhau có thể dùng trực tiếp cũng có thể dùng gián tiếp. 

Ví dụ:
 - Mẹ Thanh và bố mình quý nhau (trực tiếp). 
 
- Chúng tôi viết thư cho nhau (gián tiếp).
 

III. Bài đọc 

Hòn Vọng Phu 

Ngày xưa ở vùng nọ có hai vợ chồng nghèo, sinh được hai người con, một trai, một gái. Mỗi khi đi làm bố mẹ thường dặn anh ở nhà phải trông nom em cẩn thận.

Một hôm, bố mẹ đi vắng, anh lấy dao róc mía cho em ăn, không may lưỡi dao văng vào đầu em gái. Người em ngã xuống, máu chảy rất nhiều. Người anh sợ quá bỏ trốn, không dám về nhà.

... Hơn mười năm lưu lạc, chàng không còn nhớ mình đã đi đến những  nơi nào. Cuối cùng chàng được một người đánh cá ở Bình Định nhận làm con nuôi. Chàng quen biết một người con gái làm nghề đan lưới. Sau một thời gian họ lấy nhau.

Mỗi khi chàng đi biển đánh cá về, vợ chàng ra bãi đón và mang cá đi chợ bán. Chẳng bao lâu, họ sinh được một đứa con, cảnh nhà ngày càng thêm ấm cúng.

Một hôm thời tiết xấu, chàng ở nhà không đi biển. Tình cờ, chàng thấy vợ có một vết sẹo trên đầu, chồng ngạc nhiên hỏi vợ. Người vợ kể cho chồng nghe vì sao mình bị vết sẹo. Người chồng biết là mình đã lấy nhầm em gái. Chàng rất đau lòng, có ý định bỏ đi.

Tuy vậy chàng không muốn cho vợ biết.

Mấy ngày sau thời tiết tốt, chàng từ biệt vợ để đi biển. Từ đó chiều chiều người vợ bế con trèo lên một hòn núi bên bờ biển đợi chồng về. Nhưng người chồng không bao giờ trở lại. Hai mẹ con đứng lặng trên núi cho đến khi hoá đá.