Bài 20 - Lấy chồng, lấy vợ

I. Các tình huống hội thoại

1. Chuẩn bị đi dự đám cưới

HELEN: Hà sắp cưới đấy. Nó có mời các bạn không?

HARRY: Có, nó mời cả Jack và Nam nữa. Nó còn yêu cầu bọn mình phải dự cả tiệc ngọt lẫn tiệc mặn.

HELEN: Chúng mình mua quà gì mừng Hà nhỉ?

HARRY: Nghe Nam bảo tốt nhất là phong bì.

HELEN: Là sao?

HARRY: Nghĩa là mừng tiền là tốt nhất, tiện nhất. Cho tiền vào phong bì.

HELEN: Nam có bảo mừng bao nhiêu là vừa không?

HARRY: Tuỳ hoàn cảnh, nói chung khoảng từ 30 đến 50 ngàn.

2. Gặp lại người quen cũ

LAN: Ôi! Chị Thơm. Lâu quá mới gặp chị. Chị có nhận ra em không? Chị đi đâu vậy?

THƠM: Nhận ra chứ! Em vẫn công tác ở trường đại học, vẫn làm giáo vụ à?

LAN: Vâng ạ.

THƠM: Thế đã lập gia đình chưa? Hay vẫn còn kén?

LAN: Đâu có. Em lấy chồng lâu rồi. Con em đã 3 tuổi rồi chị ạ.

THƠM: Quý hoá quá, chị mừng cho em.

LAN: Em cám ơn chị. Bây giờ chị đi đâu? Đến nhà em chơi đã! Nhà em ở gần đây thôi.

THƠM: Để khi khác, bây giờ chị còn phải vào bệnh viện thăm em gái chị đang điều trị trong đó.

3. Helen và Xiphon nói chuyện

HELEN: Xiphon này. Hình như phụ nữ Thái lấy chồng sớm lắm phải không?

XIPHON: Cũng tuỳ. Nói chung ở nông thôn hoặc người lao động nghèo ở thành thị lấy chồng, lấy vợ sớm, còn trí thức thì cũng muộn.

HELEN: Và ở nông thôn người  ta cũng đẻ nhiều.

XIPHON: Đúng thế! Các nước đang phát triển đều thế cả. Trừ những nước đã phát triển thì khác.

HELEN: Ở Anh cũng thế. Trí thức thường lấy vợ, lấy chồng muộn và sinh ít con.

II. Ghi chú ngữ pháp

1. "Ra, vào, lên, xuống" được dùng trong kết cấu " Đ + D1 + ra, vào, lên, xuống" để biểu thị hướng xác định của hành động.

Ví dụ:

- bỏ tiền vào phong bì

- treo tranh lên tường

- đưa ô tô vào gara

- bước chân xuống thuyền

- lấy tiền ra khỏi ví

- đạp xe ra phố

2. "Thế, vậy" dùng để thay cho một yếu tố, một thành phần câu, hoặc một câu mà người nói không muốn nhắc lại.

Ví dụ:

          - Đúng thế (đúng như đã nói ở trên)

          - Ở Anh cũng thế (cũng như ở các nước khác đã nói ở trên)

          - Anh ấy uống bia, tôi cũng thế

Chú ý: có thể thay thế bằng vậy

3. "Cả...lẫn (both...and)" cặp phó từ dùng để liên kết hai yếu tố trong một thành phần câu, có nghĩa như "và" nhưng nhấn mạnh hơn.

Ví dụ:

          -..................dự cả tiệc ngọt lẫn tiệc mặn.

          - Cả tôi lẫn Nam đều rất thích xem phim.

          - Cả hôm nay lẫn ngày mai chúng tôi đều bận.

          - .................cả đi lẫn về mất 3 tiếng.

4. "Ra, thấy, được": đặt sau động từ để biểu thị ý nghĩa kết quả của hành động.

Ví dụ:

          - Chị có nhận ra em không?

          - Thế nào cũng tìm ra thủ phạm.

          - Chị Kim mới nhận được tiền của bố mẹ cho.

          - Tôi không nhìn thấy Helen ở hiệu sách.

III. Bài đọc


1. Mùa cưới

Tiếng pháo nổ báo hiệu mùa cưới đã bắt đầu. Ngày cưới là ngày vui và hạnh phúc nhất của những đôi bạn trẻ, những người sắp bước vào đời. Đó cũng là ngày vui của những bậc làm cha mẹ sắp có dâu có rể. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng có cả nỗi lo. Cả gia chủ lẫn khách mời ai cũng có nỗi lo riêng. Gia chủ thì lo tiền, gạo, thịt, thuốc lá, chè, rượu để làm tiệc cưới. Mấy năm gần đây cả ở ngoại thành lẫn ở nội thành cỗ cưới đều làm to hơn. Cỗ phải có giò, có nem, có thịt gà, mọc, xôi gấc... Sau khi ăn phải có tráng miệng bằng táo, cam, nho... Người được mời dự cưới cũng phải lo quà mừng. Chẳng hiểu cái lệ mừng đám cưới bằng cách cho tiền vào phong bì có từ bao giờ. Chỉ biết bây giờ nếu có mảnh giấy nho nhỏ mời ăn kèm theo thiếp mời thì nhất thiết người đi dự phải có phong bì, bên trong ít cũng là 20 ngàn, nhiều thì không kể là bao nhiêu, tuỳ theo quan hệ. Tất nhiên cũng có thể mừng cưới bằng tặng phẩm như cái phích, cái chậu, cái màn... những thứ rất cần thiết cho một cặp vợ chồng.

Trong lễ cưới, các cặp vợ chồng trẻ thật vui. Chú rể mặc complet màu sáng, cô dâu mặc áo dài trắng đẹp đẽ duyên dáng. Các bậc làm cha mẹ và anh em bạn bè đều chúc mừng cô dâu, chú rể bằng những lời tốt đẹp nhất.

Sau này, trong cuộc sống vợ chồng sẽ đầy những kỷ niệm của ngày cưới.

2. Tài nấu ăn (truyện vui)

Con dâu mới về nhà chồng, muốn tỏ cho bố chồng biết tài nấu ăn của mình, sáng sớm mồng một Tết cô đã xuống bếp (nhà bếp) hì hụi bỏ salát vào nồi để luộc. Bố chồng thấy thế bèn hỏi thử cô con dâu:

- Luộc salát xong con nấu gì?

- Dạ, con sẽ đun lại nồi thịt đông cho nóng ạ.