Bài 16 - Sức khoẻ

I. Các tình huống hội thoại


1. Trong phòng khám bệnh

Harry: Chào bác sĩ!

Bác sĩ: Chào anh. Mời anh ngồi. Sức khoẻ của anh làm sao?

Harry: Thưa bác sĩ, tôi bị nhức đầu, chóng mặt và ho.

Bác sĩ: Có bị sốt không?

Harry: Dạ, chỉ hơi sốt thôi ạ.

Bác sĩ: Để tôi khám cho anh. Không có gì nghiêm trọng đâu. Anh bị cảm cúm đấy. Đơn thuốc đây. Nhớ uống đủ liều nhé!

Harry: Mua thuốc ở đâu ạ?

Bác sĩ: Phòng bán thuốc ở gần cổng bệnh viện.

Harry: Cám ơn bác sĩ!

2. Gọi cấp cứu

Jack: Alô! Số 15 cấp cứu đấy phải không ạ?

Tiếng điện thoại: Vâng 15 đây. Đâu gọi đấy?

Jack: Alô! Ký túc xá sinh viên nước ngoài đây, nhà A2 Đại học Bách khoa đây, chúng tôi có một sinh viên đang sốt cao. Đề nghị cho xe đón ngay.

Tiếng điện thoại: Đi vào cổng nào?

Jack: Cổng Bạch Mai, nhà A2 ngay đường đi cạnh sân vận động.

Tiếng điện thoại: Chúng tôi đến ngay. Nhớ đón ở cổng nhé!

3. Xin nghỉ học vì bị ốm

Helen: Thưa thầy, hôm nay Harry xin nghỉ học ạ.

Thầy giáo: Sao thế? Harry bị ốm à?

Helen: Vâng ạ. Bạn ấy bị cảm nặng.

Thầy giáo: Có phải đi bệnh viện không?

Helen: Đêm qua bạn ấy bị sốt cao, chúng em sợ quá phải đưa bạn ấy đi bệnh viện. Nhưng đã đỡ rồi ạ.

Thầy giáo: Cho tôi gửi lời thăm nhé.

4. Hỏi thăm về sức khoẻ

Helen: Sao mấy hôm nay không thấy Hà đến mình chơi.

Hà: Mình bận quá. Mẹ mình bị ốm nằm bệnh viện, mình phải vào chăm sóc cụ hàng ngày.

Helen: Thế à? Cụ bị làm sao?

Hà: Đau dạ dày nặng. Không ăn được. Có thể sẽ phải mổ.

Helen: Thế à. Mình vào thăm cụ mới được. Bây giờ Hà có vào bệnh viện không?

Hà: Không, chiều mình mới vào.

Helen: Hà chờ mình đi cùng nhé.

II. Ghi chú ngữ pháp

1. Nhóm động từ chỉ trạng thái cơ thể: "đau", "nhức", "viêm"... làm vị ngữ để chỉ một bộ phận nào đó của cơ thể bị đau.

Sơ đồ cấu tạo của vị ngữ như sau:

- bị + đau (nhức, mỏi) + tên bộ phận cơ thể.

Ví dụ: - Tôi bị đau dạ dày.

- Tôi bị nhức đầu.

Chú ý: Nếu bộ phận của cơ thể đau lâu dài, mãn tính thì thêm từ "bệnh" vào trước các từ "đau", "nhức", "viêm"...

- Tôi bị bệnh nhức đầu.

2. "Phải": Đ tình thái, đặt trước một động từ để biểu thị tính chất bắt buộc của hành động

 Ví dụ: - Chúng em sợ quá, phải đưa bạn ấy đi bệnh viện.

 - Mình phải vào thăm cụ mới được.

 3. Cách phủ định tuyệt đối với "không" (chẳng) + "từ nghi vấn" + ... đâu/cả

Ví dụ: - Không có gì nghiêm trọng đâu.

- Không ai biết đâu (cả).

- Không sao khỏi được đâu.

Chú ý: Khi dùng "đâu" ở cuối câu, có thể thay "không" bằng "có", nghĩa không đổi.

Ví dụ: - Không ai biết đâu! = Có ai biết đâu!

4. "Nhé": ngữ khí từ, đặt ở cuối câu biểu thị sự cầu khiến, cũng có thể có cả ý nghi vấn, dùng trong hội thoại thân mật.

Ví dụ: - Nhớ đón ở cổng nhé!

- Chờ mình cùng đi với nhé!

- Anh uống bia nhé!

III. Bài đọc


 

1. Một vài thành tựu về y tế của Việt Nam

Hiện nay Việt Nam đã tổ chức một mạng lưới y tế rộng khắp trong cả nước. Một đội ngũ thầy thuốc đông đảo bao gồm hàng vạn bác sĩ, y sĩ, y tá... đang làm việc ở khắp nơi, từ các bệnh viện lớn ở các thành phố đến các trạm y tế ở các làng, xã, từ miền xuôi đến miền ngược. Trung bình cứ một vạn người dân thì có một thày thuốc. Hàng năm, hàng chục triệu người đã được khám, chữa bệnh. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã bị tiêu diệt hoặc bị đẩy lùi như bệnh sốt rét, bệnh lao, bệnh dịch hạch v.v... Cùng với việc chữa bệnh theo Tây y, việc chữa bệnh theo Đông y, hoặc Đông Tây y kết hợp như châm cứu, xoa bóp, khí công đang được áp dụng rộng rãi.

Không chỉ chú ý đến chữa bệnh, Việt Nam còn đặc biệt chú ý đến phòng bệnh và từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hoá cho nhân dân.

2. Người Việt Nam đầu tiên được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật quốc gia Pháp

Ngày 10/1/1992 bác sĩ Dương Quang Trung đã sang Pháp để nhận danh vị cao quý là Viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật quốc gia Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên được chọn lựa qua một cuộc bầu của gần 300 Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Sự lựa chọn này dựa trên các công trình nghiên cứu, các thành quả xây dựng ngành y tế ở một thành phố lớn và trên cơ sở xây dựng các mối quan hệ hợp tác giữa ngành y nước ta với Pháp. Theo thông báo của giáo sư Georges Cerbonnet, Tổng thư ký Viện Hàn lâm, danh hiệu Viện sĩ này được biểu quyết bằng lá phiếu của 280 Viện sĩ quốc tịch Pháp và Viện chỉ bầu bổ sung người mới khi có một Viện sĩ nào đó qua đời.