Bài 11 - Tết và chúc tết

I. Các tình huống hội thoại    

1. Mời họp mặt

Nhân dịp tết Nguyên Đán, Ban Giám đốc xí nghiệp Dược phẩm Trung ương II trân trọng kính mời các cụ, các bác đã công tác ở xí nghiệp nay nghỉ hưu tới dự buổi họp mặt thân mật tại hội trường xí nghiệp. 

Thời gian: 9h sáng thứ bảy 5-2 (tức 25 tháng chạp âm lịch).

 Rất hân hạnh được đón tiếp.

 2. Nhân dịp năm mới dương lịch, Hà chúc tết Helen

 Hà (mang hoa đến ký túc xá gặp Helen): Chúc mừng Helen nhân dịp năm mới. Chúc bạn hạnh phúc và học tập tốt.

 Helen: Cảm ơn Hà, hoa đẹp quá! Hôm nay Hà ở đây vui tết với bọn mình nhé.

 Hà : Thôi! Cảm ơn Helen. Để hôm khác, hôm nay mình đang bận. Chúc các bạn ăn tết ở Việt Nam thật vui. Chị Lan cũng định chúc tết Helen và các bạn nhưng vì bận nên chị ấy chưa đến được. Chắc chiều nay chị ấy sẽ đến.

 3. Tết Việt Nam ở gia đình Hà

Các bạn: Nhân dịp năm mới chúng cháu đến chúc tết bác và gia đình. Chúc gia đình ta năm mới an khang thịnh vượng.

 Mẹ Hà: Cảm ơn các cháu. Bác cũng xin chúc tết các cháu năm mới sức khoẻ và hạnh phúc. Các cháu ở đây ăn tết cùng bác và gia đình

 Helen: Chúng cháu xin cảm ơn bác. Để hôm khác chúng cháu lại đến. Bây giờ xin phép bác, chúng cháu còn phải đi chúc tết một số bạn bè ạ

 4. Tết Tây và Tết Ta

 Nam: Jack này ở Châu Âu người ta ăn tết thế nào?

 Jack: nói chung tết Tây kéo dài từ ngày Noel đến ngày 1-1. Noel có thể coi là tết trong gia đình. Con cái, cha mẹ, ông bà ăn tết với nhau, chúc tết nhau. Còn ngày 1-1, là tết nơi công cộng. Người ta đổ ra đường ca múa, uống rượu và để gặp gỡ chúc nhau năm mới.

 Nam: Vui nhỉ!

II. Ghi chú ngữ pháp  

1. Lại: Phó từ, đi kèm động từ để biểu thị ý nghĩa lặp lại hành động ở vị ngữ

Ví dụ: (Hôm nay chúng cháu đến)

- Hôm nào thong thả chúng cháu lại đến.

(Bài kiểm tra trước anh ấy bị điểm 5)

- Bài kiểm tra này anh ấy lại bị điểm 5.

(Hôm qua trời mưa)

- Hôm nay trời lại mưa.

"Lại" cũng có thể đứng sau động từ, lúc đó cả hành động và đối tượng đều lặp lại

Ví dụ: (Tôi đã xem bộ phim này)

- Tôi lại xem lại bộ phim này

 2. Từ... đến...: Kết cấu dùng để giới hạn một khoảng cách trong không gian hoặc trong thời gian

Ví dụ: - Khoảng cách không gian:

Từ ký túc xá đến trường.

 Từ Hà Nội đến Paris.

 Từ nhà đến bưu điện.

 - Khoảng cách thời gian:

 Từ 20h đến 24h

 Từ sáng đến chiều

 3. Trạng ngữ chỉ mục đích

 Ví dụ:- Người ta đổ ra đường để chúc tụng nhau.

 - Nhiều người nước ngoài muốn đến Việt Nam để học tiếng Việt.

 Câu hỏi cho trạng ngữ chỉ mục đích "để làm gì?" 

- Người ta đổ ra đường để làm gì? 

- Nhiều người nước ngoài muốn đến Việt Nam để làm gì?

 4. Câu ghép nguyên nhân - kết quả

 Để biểu thị quan hệ nguyên nhân - kết quả có thể đặt "vì" sau mệnh đề kết quả, trước mệnh đề nguyên nhân:

 Ví dụ: Chị Lan chưa đến vì chị ấy bận.

 Hoặc đặt "nên" sau mệnh đề nguyên nhân, trước mệnh đề kết quả:

 Ví dụ: Chị ấy bận nên chị ấy chưa đến.

 Hoặc dùng cả hai:

 Ví dụ: Vì chị Lan bận nên chị ấy chưa đến. 

III. Bài đọc


  
 1. Tết Nguyên Đán    

Việt Nam và một số nước Châu á khác như Trung Quốc, Nhật Bản,...ăn tết theo âm lịch. Tiếng Việt tết âm lịch gọi là Tết Nguyên Đán. Tết thường kéo dài khoảng bốn năm ngày. Ngày 30 tháng Chạp là ngày tất niên. Tất cả mọi nhà đều phải trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Khoảng 12 giờ đêm 30 là giao thừa. Người ta đốt pháo để đón mừng năm mới.

Mồng một, mồng hai và mồng ba tháng Giêng là 3 ngày Tết. Những ngày này người ta nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái. Mọi người đi thăm hỏi nhau và chúc nhau năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, thịnh vượng.

Hoa là vật trang trí không thể thiếu được. Gia đình nào cũng có hoa. Người miền Bắc thích hoa đào, người miền Trung và miền Nam thích hoa mai. Bánh chưng là món ăn cổ truyền của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Vì thế ngày Tết không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng làm cho hương vị Tết thêm đậm đà. Ngày Tết người ta tổ chức nhiều trò chơi vừa để giải trí vừa để luyện tập sức khoẻ.

 Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán, là dịp vui nhất, thiêng liêng nhất trong năm.