Người đi tìm kinh Phật


Ngày xưa, ở đất miền Nam, có một nhà sư dốc một lòng tu hành tên là Nguyễn Được, một hôm nằm mộng thấy Bồ Tát hiện ra bảo rằng: "Ngày mai ngươi cùng các môn đệ hãy đi về phương tây. Nếu ngươi vượt qua được những gian lao, khổ hạnh trên đường thử thách thì sẽ tìm thấy Chân Kinh, và đọc được Chân Kinh thì sẽ đắc đạo thành chánh quả".

Hôm sau, nhà sư theo lời báo mộng, cùng các môn đệ lên đường, nhắm về hướng tây mà đi. Ngày đi đêm nghỉ, đoàn người áo vàng lặng lẽ chân dẫm đất, tay lần tràng hạt, theo đúng lời phát nguyện khi ra đi, là không ai thốt ra lời nào trước khi tìm thấy Chân Kinh. Họ không quản nắng mưa, đói khát, sống nhờ của thập phương. Mỗi khi họ đi qua các làng, dân chúng đem thức ăn uống ra đứng hai bên đường chực sẵn để trút vào các bát của đoàn Phật Tử. Có khi họ đi hàng mấy ngày không gặp một ai, đành nhịn đói chịu khát, hoặc hái hoa bên đường cho đỡ dạ. Con đường đi càng dài, hàng ngũ các môn đệ càng thưa dần. Người vì bệnh tật không thể lê chân đi được nữa, người tự xét mình kiếp này còn vụng đường tu, khó lòng đi tới nơi để thành đạo, đành dừng lại ở một nơi để tu hành, người thì thấy đường dài khó khăn, mất dần lòng tin mà quày trở lại.

Cho đến một ngày kia, chỉ còn trơ trọi một mình nhà sư họ Nguyễn trên con đường vắng vẻ đi về phương Tây. Các thần linh hiện ra giúp nhà sư vượt qua những trở ngại chồng chất liên tiếp ở trên đường. Có khi vừa lên trên đỉnh một ngọn núi cao, nhà sư đã được thần linh đưa qua một núi khác, khỏi phải xuống núi hiểm nghèo rồi lại leo dốc khổ nhọc. Mặc dù ngăn núi, cách sông, đường đi muôn vàn trở ngại, nhà sư cũng vẫn quyết một lòng đi cho đến đích.

Dấu chân nhà sư ngày nay còn in lại trên mặt đá các ngọn núi đã đi qua. Một hôm nhà sư đi đến trước bờ biển, không trông thấy thuyền bè, không một bóng người, và trước mặt là biển cả mênh mông. Nhà sư vẫn không nản chí lòng tưởng đến Phật, chân cứ bước tới, nghĩ rằng niềm tin sẽ giúp mình vượt khỏi trùng dương. Thế rồi nhà sư đi xuống nước, sóng khỏa đến nửa thân người, bỗng thấy một con cá kình bơi vào đưa lưng mời nhà sư ngồi lên. Nhà sư điềm nhiên ngồi lên lưng con cá lớn nổi tiếng ăn thịt người, để cho cá phóng chở ra khơi. Ban ngày, cá kình theo hướng mặt trời, ban đêm theo hướng sao, cứ thế mà bơi theo con đường thẳng về phương tây. Gặp hôm nắng cháy thiêu người, có từng đàn hải điểu bay đến tụ họp trên đầu nhà sư để làm bóng che như một đá mây. Buổi chiều có từng đàn ong bay đến đem mật đặt lên môi nhà sư.

Cá kình chở nhà sư đi đã không biết bao nhiêu ngày đêm, một hôm bỗng dừng lại, nói rằng:

"Mô Phật, nhà sư đi tìm Chân Kinh để đắc đạo có thể nghe lời thỉnh nguyện của tôi được không"?

Nhà sư trả lời: "Được", quên rằng mình đã phạm vào lời nguyền giữ yên lặng cho đến khi tìm thấy Chân Kinh.

Cá kình kể lể: "Từ mấy ngàn năm nay tôi đã trường trai để chuộc tội lỗi trước kia. Tôi bị bắt buộc phải ăn thịt, trong khi tôi đã kinh sợ mùi thịt và đà quên vị của cá tôm. Xin nhà sư hãy cầu nguyện cùng Đức Phật cho tôi thoát được vòng khổ ải này".

Nhà sư đáp: " Được", phạm vào lời nguyền lần thứ hai.

Kình ngư lại tiếp tục bơi về phương tây, cho đến một hôm thì thấy bờ. Nhà sư Nguyễn Được trở lên đất liền, thấy một ngôi chùa bỏ hoang, trong có để một đống sách kinh, như có ý để dành cho kẻ tu hành tìm đến. Trong chồng sách Phật có Chân Kinh, song nhà sư Nguyễn Được đã hai lần phạm lời phát nguyện, nên chỉ đọc ra được có một câu đầu: "Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật".

Nhà sư không nản chí, gấp kinh lại, bỏ vào đãy rồi trở lại bờ biển, lên lưng cá kình trở về. Trong khi vượt biển, nhà sư mải mê theo lời kinh đã đọc được, không để ý đến vẻ buồn rầu của kình ngư. Lúc thấy đất liền, cá kình ngừng lại hỏi rằng:

"Nhà sư có nhớ đạt lời thỉnh nguyện của tôi lên Đức Phật chăng? Tôi còn phải ở trong vòng khổ ải trầm luân này bao lâu nữa"?

Nguyễn Được đang thiền định, nghe nói giật mình, để rơi cả đãy đựng kinh xuống biển. Cá kình ngỡ là vật cứu rỗi của nhà sư ban cho, liền đớp lấy nuốt vào bụng cả pho Chân Kinh.

Nhà sư lảo đảo bước lên bờ, thẫn thờ đi, miệng vẫn thì thầm câu kinh đã học được, không ngờ là cá đã đưa mình dạt lên đảo Phú Quốc. Trong mấy năm còn sống, nhà sư đêm ngày vẫn thắc mắc nghĩ đến cuốn Chân Kinh. Đến khi gần chết, Nguyễn Được khắc lên trên đá núi Bãi Sập và Thạch Động câu kinh của mình đã học được.

Về sau để ghi nhớ việc tìm Chân Kinh đã xảy đến cho thầy và mong cho thầy sớm được Phật độ, các môn đệ bèn lấy gỗ chạm hình con cá kình để làm mõ tụng kinh. Rồi từ đó, các nhà tu hành mỗi khi tụng kinh đều gõ vào đầu mỏ cá kình, nhắc lại câu: "Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật"!