Kết quả bước đầu khai quật khảo cổ học (Phần 3)

(Tiếp theo kỳ trước)

Đánh giá sơ bộ giá trị của di tích


 Chim phượng trang trí trên
ngói úp nóc, thời Lý,
dài: 34; rộng: 23cm

1. Đây là lần đầu tiên, một phức hệ di tích - di vật của một bộ phận trung tâm Hoàng thành Thăng Long và thành Hà Nội xưa đã được phát lộ với một diễn biến văn hóa vật chất liên tục từ thành Đại La thời thuộc Đường và thời Đinh - Tiền Lê đến Hoàng thành Thăng Long - Đông Đô – Đông Kinh thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng rồi thành Hà Nội.


Sở dĩ có thể xác định được đây là một bộ phận của trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý - Trần – Lê, vì các lý do sau:

+ Tại các vị trí nhiều hố khai quật đều tìm thấy các dấu tích kiến trúc và di vật thuộc thời Lý - Trần - Lê nằm chồng lên các di tích kiến trúc và di vật thời Đại La - Tống Bình (thế kỷ VII-IX). Điều đó minh chứng rất rõ lời của vua Lý Thái Tổ trong chiếu dời đô đã nói tới việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long.

+ Hệ thống hàng chục dấu tích nền móng kiến trúc ở đây đều được xây dựng rất kiên cố, trong đó có kiến trúc khá lớn với diện tích hàng nghìn mét vuông được suy đoán là các kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Suy đoán này căn cứ vào vị trí của các kiến trúc phân bố khá gần điện Kính Thiên về phía tây.

Quầng sáng gốm men xanh, thời Lê sơ  

Ngói yếm trang trí rồng, thời Lê Sơ, dài: 29,5; rộng: 30,3 cm

Do sử cũ ghi lại ở khu vực phía tây điện Kính Thiên (tức là điện Thiên An thời Lý - Trần) xây dựng dày đặc các cung điện, lầu gác, chùa tháp như vậy, nên những dấu vết kiến trúc tìm được ở đây có thể là dấu tích của các cung điện và lầu gác của Hoàng thành Thăng Long xưa.

+ Sự suy đoán này còn được dựa vào hệ thống di vật tiêu biểu ở đây. Đó là các loại vật liệu xây dựng như chân tảng hoa sen, các loại ngói, gạch, các loại tượng tròn và phù điêu trang trí hình rồng, phượng... đều mang tính biểu trưng cho việc trang trí các kiến trúc cung đình; các loại đồ dùng bằng gốm sứ cao cấp với hoa văn tinh mỹ, trong đó có những đồ sứ thời Lê Sơ có ghi ký hiệu chữ ''Quan'', chữ ''Kính'' và trang trí hình rồng có chân 5 móng, hình chim phượng, chỉ rõ là đồ dùng dành riêng cho nhà vua và hoàng hậu.

Gạch ốp nhỏ trang trí nổi hình rồng, thời Lê Sơ, dài: 26,7; rộng: 12,1cm

Mũi tên kim loại, thời Trần

Việc tìm thấy những đồ ngự dụng đã góp thêm một bằng chứng quan trọng để từ đó có thể đưa ra giả thuyết rằng dấu vết kiến trúc lớn ở khu vực khai quật có thể là những cung điện của Hoàng cung. Dĩ nhiên, để làm rõ tên và chức năng của từng dấu tích theo ghi chép của sử cũ cần phải có nhiều thời gian, đặc biệt là cần phải được khai quật nghiên cứu khảo cổ học trên một diện rộng lớn hơn. Nhưng với tất cả các cứ liệu hiện có, đã có thể khẳng định các dấu tích kiến trúc đã tìm thấy là một bộ phận của quần thể kiến trúc trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê nằm ở phía tây của di tích điện Kính Thiên.

2. Những di tích - di vật nêu trên có bề dày lịch sử hơn 1 .300 năm, từ thế kỷ VI-VII đến XIX, đã cho phép hình dung được phần nào vị trí, quy mô và diện mạo Hoàng Thành Thăng Long dưới thời Lý - Trần - Lê, thành Hà Nội thời Nguyễn.   

Gạch thông gió men xanh trang trí rồng, thời Lê Sơ. Rộng: 16,5, cao: 14,5cm; rộng:15, cao:13cm  

Mảnh kim loại màu vàng trang trí rồng, thời Lý

Quy mô đó ước khoảng 140ha dưới thời Lê. Trước đó thời Lý - Trần có thể xê dịch hơn hoặc kém diện tích đó một chút. Đến thời Nguyễn thì thu nhỏ lại khoảng 100 ha.

Trong Hoàng thành, có nhiều loại hình kiến trúc. Đợt khai quật vừa qua cho thấy ở khu tây, các kiến trúc đó bố trí thành nhiều tầng, nhiều lớp chạy song song theo hướng Bắc – Nam. Xen giữa các lớp kiến trúc hoặc từng kiến trúc đó có sông, có hồ để thoát nước và tôn tạo cảnh đẹp.

Mỗi kiến trúc đều trang trí nhiều đề tài rất đẹp. Thế kỷ VII -IX, có trang trí hoa sen, hoa cúc, đầu linh thú có dáng vẻ gân guốc, dữ dội. Thời Đinh - Lê, trang trí các hình hoa sen, uyên ương. Thời Lý, trang trí đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ. Thời Trần, trang trí khỏe mạnh và ngày càng đơn giản. Thời Hậu Lê trang trí đơn giản hơn trong đó trang trí đẹp nhất là thời Lê Sơ, các thời tiếp theo trang trí trên gạch ngói đơn giản nhưng có thêm đề tài mới.

3. Những di tích và di vật kiến trúc, vật dụng cung đình, đồ gốm sứ, vũ khí... tìm được ở khu vực khai quật chứng tỏ nghệ thuật thời Lý - Trần - Lê đã đạt trình độ cao. Bắt nguồn từ thời Đinh - Lê, nghệ thuật, thời lý đạt tới đỉnh điểm của sự tinh mỹ và quy phạm,nghệ thuật thời trần thiên về khoẻ mạnh, khoáng đạt, nghệ thuật thời Lê nhịp độ thay đổi nhanh và càng ngày càng đơn

Những xâu tiền đồng, thời Lê Sơ  

Khoá đồng thời Trần, thời Lê

Các di tích, di vật vừa tìm thấy ở Thăng Long cũng phản ánh rõ bản sắc văn hoá dân tộc. Ví dụ hình rồng thời Lý, thời Trần thường có bộ phận mào và lôi văn hình chữ S mà rồng Trung Quốc không có. Hoặc bộ mái kiến trúc thời Lý - Trần thường có gắn các loại lá đề có hình rồng phượng mà các bộ mái kiến trúc ở các nước láng giềng cũng không có. Hầu hết các hình tượng trang trí, các đồ án hoa văn đều hiển bộ sắc tháu Việt Nam rõ ràng như vậy.

Nhiều loại di vật khác lại phản ánh mối quan hệ giao lưu giữa Thăng Long với các vùng trong nước và giữa Thăng Long với thế giới bên ngoài. Thời Trần, tại đây đã tìm thấy gốm Thiên Trường ở Nam Định. Thời Lê, bên cạnh gốm sản xuất tại Thăng Long còn có nhiều loại gốm được sản xuất tại Hải Dương. Qua thương mại, nhiều đồ gốm Trung Quốc thế kỷ VII - IX đến thế kỷ XIX được du nhập vào nước ta và Thăng Long. Gốm Hizen (Nhật Bản) nửa cuối thế kỷ XVII cũng có mặt. Cũng phát hiện các mảnh gốm ở các khu vực xa hơn như gốm Islam từ khu vực Trung Đông. Gốm Chăm, gạch Việt có chữ Chăm cổ đã phản ánh sống động mối quan hệ Việt – Chăm lâu dài trong lịch sử.

Trên đây chỉ là vài nhận xét ban đầu. Cuộc khai quật vẫn còn đang tiếp tục. Một dự án chỉnh lý sẽ được tiến hành trong vài năm tới nhằm xứ lý kỹ lưỡng hơn khối tư liệu đã được khai quật để đưa các nhận định khoa học về giá trị và ý nghĩa của khu di tích.

Tống Trung Tín
(Xem tiếp kỳ sau)