Phát lộ Di tích Hoàng thành Thăng Long trong lòng đất Ba Đình – Hà Nội

Vài nét về lịch sử định đô và kiến tạo Hoàng Thành Thăng Long


Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức (1490)

Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý (1009 - 1225) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) ngày 2-11 Kỷ Dậu (21 – 11 - 1009). Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Ngay trong mùa thu năm đó, nhà Lý đã khẩn trương xây dựng một số cung điện làm nơi ở và làm việc của vua, triều đình và hoàng gia. Trung tâm là điện Càn Nguyên, nơi thiết triều của nhà vua, hai bên có điện Tập Hiền và Giảng Võ, phía sau là điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Đến cuối năm 1010, 8 điện 3 cung đã hoàn thành. Những năm sau, một số cung điện và chùa tháp được xây dựng thêm. Một vòng thành bao quanh các cung điện cũng được xây đắp trong năm đầu, gọi là Long Thành hay Phượng Thành. Đó chính là Hoàng Thành theo cách gọi phổ biến về sau này. Thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, mở 4 cửa: Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam, Diệu Đức ở phía bắc. Tuy còn những ý kiến khác nhau, nhưng căn cứ vào sử liệu và di tích còn lại, có thể xác định cửa Tường Phù mở ra phía Chợ Đông và khu phố buôn bán tấp nập của phường Giang Khẩu và đền Bạch Mã. Cửa Quảng Phúc mở ra phía chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) và chợ Tây Nhai (chợ Ngọc Hà). Cửa Đại Hưng ở khoảng gần Cửa Nam hiện nay. Cửa Diệu Đức nhìn ra trước sông Tô Lịch, khoảng đường Phan Đình Phùng hiện nay. Trong Long Thành có một khu vực được đặc biệt bảo vệ gọi là Cấm Thành là nơi ở và nghỉ ngơi của vua và hoàng gia. Trong đời Lý, các kiến trúc trong Hoàng Thành còn qua nhiều lần tu sửa và xây dựng thêm. 

Long Thành và Cấm Thành là trung tâm chính trị của Kinh Thành. Phía ngoài, cùng với một số cung điện và chùa tháp là khu vực cư trú, buôn bán, làm ăn của dân chúng gồm các bến chợ, phố phường và thôn trại nông nghiệp. Một vòng thành bao bọc toàn bộ khu vực này bắt đầu được xây đắp từ năm 1014, gọi là thành Đại La hay La Thành. Vòng thành này vừa làm chức năng thành luỹ bảo vệ, vừa là đê ngăn lũ lụt. Thành được đắp mới và có tận dụng, tu bổ một phần thành Đại La cũ đời Đường. Thành Đại La phía đông chạy dọc theo hữu ngạn sông Nhị như một đoạn đê của sông này từ Bến Nứa đến Ô Đống Mác, phía bắc dựa theo hữu ngạn sông Tô Lịch phía nam Hồ Tây từ Bưởi đến Hàng Buồm ngày nay, phía tây theo tả ngạn sông Tô Lịch từ Bưởi đến Ô Cầu Giấy, phía nam theo sông Kim Ngưu qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, đến Ô Đống Mác. Thành Đại La đời Lý mở các cửa: Triều Đông (dốc Hòe Nhai), Tây Dương (Cầu Giấy), Trường Quảng (Ô Chợ Dừa), Cửa Nam (Ô Cầu Dền), Vạn Xuân (Ô Đống Mác). Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi ba con sông: sông Nhị, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và được tận dụng như những con hào tự nhiên. Một đặc điểm nổi bật của cảnh quan thiên nhiên của thành Thăng Long là nhiều sông hồ. Có thể nói Thăng Long - Hà Nội là một thành phố sông-hồ và ngay từ khi kiến lập, nhà Lý đã biết tận dụng địa thế tự nhiên này trong qui hoạch xây dựng nhằm biến những sông, hồ đó thành những con hào tự nhiên, những giao thông đường thuỷ tiện lợi và một hệ thống thoát nước, điều tiết môi trường, bảo vệ sinh thái. Vì vậy mặt bằng các vòng thành Thăng Long không coi trọng tính kỷ hà, đối xứng, vuông vắn mà uốn mình theo địa hình, thích nghi và tận dụng điều kiện thiên nhiên.


Bản đồ Thành cổ Hà Nội 1873

Trong những biến loạn cuối đời Lý, Hoàng Thành bị tàn phá nặng nề. Sau khi thành lập, nhà Trần phải đắp lại thành, xây lại các cung điện, nhưng vị trí, qui mô của Hoàng Thành, thường gọi là Long Phượng Thành, không thay đổi.

Thời Lê sơ, Hoàng Thành nhiều lần được tu bổ và mở rộng thêm mà trung tâm điểm là điện Kính Thiên dựng năm 1428, xây lại năm 1465 với lan can bằng đá chạm rồng năm 1467 nay vẫn còn trong thành Hà Nội. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước gồm 13 thừa tuyên và phủ Trung Đô tức thành Đông Kinh thời Lê sơ. Tập Bản đồ Hồng Đức còn lại đến nay đã qua nhiều lần sao chép lại về sau, nhưng vẫn là tập bản đồ xưa nhất của nước Đại Việt, trong đó có bản đồ thành Đông Kinh. Qua bản đồ này, có thể hình dung được qui mô và cấu trúc của Hoàng Thành và Cấm Thành của thành Thăng Long thế kỷ XV cùng một số cung điện đương thời.


Bản đồ Hà Nội do phòng bản đồ quân đội Pháp vẽ tháng 10-1898. Lúc này thành Hà Nội đã bị phá,
những con đường mới đã vạch (Trung tâm lưu trữ
Hải ngoại Pháp, Aix-en-Provence)

Sang thời Nguyễn, thành Hà Nội do vua Gia Long xây năm 1805 theo kiểu Vauban không những hạ thấp độ cao mà còn thu nhỏ về qui mô so với Hoàng Thành của Thăng Long xưa. Tuy nhiên trục trung tâm Đoan Môn  Kính Thiên của Hoàng Thành Thăng Long thời Lê vẫn không thay đổi và trên trục này thêm Cột Cờ, Cửa Bắc thời Nguyễn.

Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long

Theo Luật di sản văn hoá, trước khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, trên khu vực nằm giữa các đường phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, Chính phủ cho phép Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện rộng. Từ tháng 12/2002 đến nay, đã khai quật trên diện tích hơn 19.000 m2. Đây là quy mô khai quật khảo cổ học lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á. Từ đó đã phát lộ một phức hệ di tích – di vật rất phong phú, đa dạng từ thành Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thành Thăng Long (thế kỷ Xl -XVIII) và thành Hà Nội (thế kỷ XIX).


Bản đồ tỉnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX
(Trong Đồng Khánh địa dư chí)

Trên cơ sở phát hiện khảo cổ học này, các nhà khảo cổ học còn phải dành nhiều thời gian để chỉnh lý hiện vật và hoàn chỉnh hồ sơ khoa học về các di tích, di vật. Về phương diện khoa học, các nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành liên quan như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, văn hoá, địa lý, địa chất, môi trường,,, cũng cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận hàng loạt vấn đề như cảnh quan tự nhiên, cấu tạo của các sông, hồ, quan hệ giữa các lớp đất; tên gọi, chức năng, niên đại của các di tích kiến trúc; cấu trúc của khu di tích và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử; phân loại và xác định nguồn gốc, niên đại các di vật. Vì vậy không có gì ngạc nhiên, trong một vài hội thảo khoa học hay trên báo chí, xuất hiện một số ý kiến khác nhau về những vấn đề khoa học cụ thể này. Tuy nhiên, trên tổng thể đã có đủ cơ sở khoa học để đưa ra những đánh giá khái quát về giá trị lịch sử văn hoá của khu di tích đã phát hiện.

Khu vực khai quật hiện nay nằm về phía tây của điện Kính Thiên trong Hoàng Thành thời Lê sơ. Rõ ràng đây là di tích của một phần phía tây Hoàng Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng thế kỷ XI - XVIII, ngược lên thành Đại La thế kỷ VII - IX và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ XIX. Khu di tích bộc lộ một bề dày lịch sử từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX gồm thời tiền Thăng Long, thời Thăng Long và Hà Nội. Các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử một cách khá liên tục. Thật hiếm có một khu di tích lịch sử-văn hoá trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử như vậy giữa vùng đất trung tâm của thủ đô và cũng thật hiếm có thủ đô một nước có lịch sử lâu đời lại phát hiện một quần thể di tích chảy dài suốt bề dày lịch sử như vậy.

Các di tích kiến trúc và một khối lượng rất lớn di vật cho thấy một phần qui mô và diện mạo của Hoàng Thành cùng đời sống cung đình của vua quan, quý tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tầng tầng lớp lớp di tích - di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước.

Về phương diện lịch sử, phát hiện khảo cổ học này cung cấp nhiều cứ liệu khoa học để xác định vị trí trung tâm của thành Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh, để hiểu thêm mối quan hệ giữa thành Đại La với thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Thành Đại La qua nhiều lần xây dựng, từ Tử Thành do Khâu Hoà xây năm 618 chỉ 900 bộ (khoảng 1,65 km), La Thành do Trương Bá Nghi xây năm 767 rồi Triệu Xương đắp thêm năm 791, thành Đại La do Trương Chu xây năm 808 mà La Thành bên ngoài dài 2000 bộ (khoảng 3,70 km) rồi Lý Nguyên Gia dời thành và Cao Biền mở rộng thêm thành 1982 trượng (khoảng 6,5 km), ngoài có đê dài 2125 trượng (khoảng 7 km). Đó là toà thành có qui mô lớn nhất trong thời Bắc thuộc. Tại khu vực khai quật, đã tìm thấy dấu tích thành Đại La trên cả bốn khu A, B, C, D, chứng tỏ vùng này nằm trong thành Đại La. Bên trên dấu tích Đại La là di tích kiến trúc và các di vật thời Lý. Điều đó chứng tỏ vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La đúng như Chiếu dời đô, đổi tên là thành Thăng Long và buổi đầu đã sử dụng toà thành này cùng một số kiến trúc có sẵn rồi sửa sang, xây dựng thêm những cung điện mới. Phạm vi của Hoàng Thành từ thời Lý, Trần sang Lê sơ thay đổi như thế nào còn phải nghiên cứu thêm, nhưng qua phát hiện khảo cổ học ở Ba Đình thì rõ ràng khu vực này là một bộ phận phía tây của Hoàng Thành xưa và không thay đổi. Hơn nữa, theo bản đồ thành Đông Kinh thời Hồng Đức thì khu vực khai quật này nằm trong phạm vi cấm thành của Hoàng Thành. Kết quả khai quật khảo cổ học kết hợp với tư liệu thư tịch và bản đồ cổ cho phép hình dung khu trung tâm của Hoàng Thành rõ nét hơn.

Phát hiện này còn cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Hoàng thành Thăng Long xưa còn bảo tồn nhiều di tích di vật quý. Từ đây có thể đưa ra khả năng mở rộng diện điều tra và khai quật, xây dựng quy hoạch bảo tồn một khu vực di tích lịch sử  văn hoá của kinh thành Thăng Long, thành Hà Nội cổ và mở rộng đến các di tích cách mạng và kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, Lăng và Nhà sàn Bác Hồ, Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, Hội trường Ba Đình, kéo dài từ thế kỷ thứ VII (hi vọng có thể phát hiện những di tích, di vật sớm hơn) đến thế kỷ XX. Đây là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc nằm giữa thủ đô Hà Nội và nếu nghiên cứu, bảo tồn tốt, có thể được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Một di sản văn hoá như vậy sẽ tăng thêm vị thế của thủ đô Hà Nội, phát huy tác dụng sâu sắc trong giáo dục truyền thống dân tộc cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hoá và du lịch. Chỉ một bộ phận di sản đã được phát hiện ở Ba Đình hiện nay đã làm xúc động biết bao những người có dịp đến tham quan, chiêm ngưỡng và cả những người chỉ mới được nghe tin và xem ảnh qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiệm vụ bảo tồn một di sản văn hoá vô giá của dân tộc

Trên cơ sở nhận thức giá trị của khu di tích lịch sử văn hoá do khảo cổ học phát hiện, ngày 24/9/2003 Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã trân trọng đề nghị các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cho phép giới khảo cổ học tiếp tục mở rộng diện khai quật để có cơ sở khoa học đầy đủ hơn trong đánh giá cũng như trong các giải pháp bảo tồn. Hai cuộc hội thảo khoa học do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia và do Bộ Văn hoá thông tin tổ chức, tuy có một số ý kiến khác nhau trong thảo luận những vấn đề cụ thể, nhưng không ai có thể phủ nhận được giá trị lớn lao của di sản văn hoá này và nguyện vọng của hầu hết các nhà khoa học là mong muốn được bảo tồn lâu dài.

Bộ Chính trị đã có một phiên họp sáng ngày 1/11/2003 để bàn về sự phát hiện di sản văn hoá được giới khoa học và cả xã hội đặc biệt quan tâm này. Theo thông báo số 126-TB/TW ngày 5/11/2003, Bộ Chính trị đã quyết định cho phép tiếp tục khai quật khảo cổ học trên diện tích được Chính phủ phê duyệt để có cơ sở khoa học định giá và kết luận đầy đủ hơn về quần thể di tích này, trên cơ sở đó xây dựng phương án bảo tồn và phát huy ý nghĩa lịch sử của di tích. Thông báo cũng cho biết Hội trường Ba Đình mới sẽ chuyển đến một địa điểm khác với tên mới là Trung tâm Hội nghị quốc gia. Còn Hội trường Ba Đình hiện nay sẽ được lưu giữ như một di tích lịch sử và Nhà quốc hội sẽ được xem xét, quyết định sau khi có báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học.

Hiện nay Viện Khảo cổ học đang tiếp tục công việc khai quật khảo cổ học và với diện tích khai quật được mở rộng, chắc chắn nhiều di tích và di vật mới sẽ được phát lộ và nhận thức về giá trị khu di tích sẽ được nâng cao hơn. Tuy nhiên công việc khai quật cũng như bảo quản trước mắt và bảo tồn lâu dài đang đặt ra không ít nhiệm vụ nặng nề mà dư luận hết sức quan tâm. Công việc bảo quản những di vật thu thập cần được thực hiện với những kho hiện vật có đủ tiện nghi bảo vệ theo từng loại chất liệu và sắp xếp khoa học. UBND Hà Nội đã chọn địa điểm để xây dựng một kho bảo quản hiện vật như vậy.

Đặc biệt khó khăn là công việc bảo tồn tạm thời những di tích ngoài trời trong điều kiện đất đai, khí hậu vùng này, nhất là khi mùa mưa đến, để tiến tới một kế hoạch bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích. Tôi đề nghị ngay từ bây giờ, Chính phủ nên giao cho các cơ quan chức năng và chuyên môn tập hợp lực lượng chuyên gia trong nước và tranh thủ sự hợp tác quốc tế để nghiên cứu và đề xuất những giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp, hữu hiệu nhằm bảo tồn di sản văn hoá này. Rõ ràng ngành bảo tồn của chúng ta chưa đủ kinh nghiệm và chuyên gia để bảo tồn một quần thể di sản văn hoá ngoài trời phong phú, đa dạng và phức tạp như thế này. Nhưng không vì thế mà chúng ta không gánh vác trách nhiệm gìn giữ một di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất đã gìn giữ cho đến hôm nay, và thế hệ chúng ta phải tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau.

Phan Huy Lê

(Xem tiếp kỳ sau)