Đổi mới tư duy: Bài học trong công tác xây dựng chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài



 Phó Chủ nhiệm Ủy ban về NVNONN Đặng Thế Hùng trao Quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho ông Lý Xương Căn và gia đình, tháng 7/2010

Công tác xây dựng chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ đặc thù của đối tượng chính sách, là những người sinh sống, làm việc ở nước ngoài, và chịu sự chi phối của luật pháp nước sở tại, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn tạo thuận lợi để kiều bào ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trải qua 55 năm kể từ khi Ủy ban Nhà nước về NVNONN được thành lập, công tác xây dựng chính sách đối với NVNONN đã đạt được những thành quả quan trọng với những bước phát triển và đột phá mới, qua đó đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của kiều bào và tạo điều kiện để bà con gắn bó với quê hương.

Để tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chính sách trong công tác đối với NVNONN – công tác dân vận đặc biệt, Ban Việt kiều Trung ương, tiền thân của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã được thành lập ngày 23/11/1959, với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ những chính sách và biện pháp đón tiếp Việt kiều và giúp Chính phủ chỉ đạo công tác hồi hương của Việt kiều. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống cảng Hải Phòng trực tiếp đón kiều bào từ Thái Lan hồi hương ngày 10/01/1960 là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào.

Đây là nền móng cho việc hình thành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Công tác xây dựng chính sách đối với NVNONN đã tạo được những bước chuyển mạnh mẽ kể từ sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TWngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị - Nghị quyết công khai đầu tiên của Đảng về công tác đối với NVNONN được ban hành. Trên cơ sở tổng kết và kế thừa Nghị quyết số 08-NQ/TWngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36 tiếp tục khẳng định“người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Điều này thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước về vai trò của cộng đồng NVNONN trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đồng thời là “kim chỉ nam” cho công tác đối với NVNONN, đặc biệt là việc xây dựng các chính sách cụ thể để thể chế hóa Nghị quyết 36.



 Kiều bào tại Canberra, Australia phấn khởi nhận giấy miễn thị thực

Quan điểm NVNONN là một “bộ phận không tách rời” và là “nguồn lực” được thể hiện xuyên suốt qua những chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào ổn định cuộc sống ở nước sở tại và hướng về quê hương, đất nước. Đây được coi là một cách nhìn, quan điểm mới, thể hiện ở vai trò, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ bà con hội nhập vào xã hội sở tại. Đồng thời, thể hiện sự thông cảm đối với hoàn cảnh, khó khăn của bà con ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện để bà con “an cư, lạc nghiệp”, sau đó tạo thuận lợi cho bà con tùy theo khả năng của mỗi người góp phần xây dựng quê hương.

Trên cơ sở quan điểm đó, các cơ quan chức năng của ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự và hỗ trợ tư pháp với nhiều nước nhằm hỗ trợ cộng đồng có quy chế pháp lý rõ ràng về cư trú, qua đó tạo thuận lợi hơn cho bà con ổn định cuộc sống. Một trong những thí dụ điển hình là việc hỗ trợ quy chế pháp lý cho kiều bào ta tại Thái Lan. Với sự nỗ lực của ta, đến nay, gần như toàn bộ người Việt Nam đã được công nhận như người Thái, qua đó đáp ứng nhu cầu bức thiết của cộng đồng trong việc xây dựng cuộc sống cá nhân cũng như tích cực cống hiến, đóng góp cho nước sở tại.

Đảng và Nhà nước ta cũng chú trọng việc xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho kiều bào tăng cường sự gắn bó đối với quê hương, đất nước. Kể từ khi Nghị quyết 36 được ban hành, một hệ thống khung luật pháp và chính sách tương đối bài bản đã được hình thành theo hướng tạo thuận lợi cho kiều bào trong nhiều lĩnh vực thiết thân như quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư và sở hữu nhà đất tại Việt Nam.

Xác định quốc tịch là vấn đề có tác động lớn đối với kiều bào cả khi sinh sống ở nước ngoài lẫn khi về trong nước. Luật Quốc tịch 2008 được ban hành với cơ chế linh hoạt hơn đã phần nào tháo gỡ được một trong những vấn đề mà bà con ta quan tâm. Theo quy định của Luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Việc này có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự cởi mở, cảm thông của Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện để kiều bào trong khi có hộ chiếu nước ngoài được thuận lợi khi sinh sống, làm ăn ở nước sở tại, đồng thời vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam để gắn bó, lưu truyền cho thế hệ sau tình cảm với quê hương, đất nước; hoặc khi hồi hương bà con được đối xử bình đẳng như công dân ở trong nước.

Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, số lượng bà con đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 01/7/2014 để được giữ quốc tịch Việt Nam còn khiêm tốn. Do đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi về quốc tịch của NVNONN, đồng thời quán triệt tinh thần Nghị quyết 36, với sự tham mưu của Bộ Ngoại giao, trong đó có Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các đơn vị liên quan, năm 2014 Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch 2008, trong đó không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và bổ sung quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam… thì đăng ký với cơ quan đại diện để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”. Điều này đã thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với NVNONN, luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào gắn bó với gia đình và quê hương.

Bên cạnh việc giải quyết vấn đề liên quan đến quyền lợi về quốc tịch của kiều bào, chính sách về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của kiều bào cũng được quan tâm và có bước cải thiện đáng kể. Đáp ứng nhu cầu của kiều bào, Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai đã được ban hành năm 2009, sau đó là Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn việc thi hành, trong đó tạo điều kiện và mở rộng đối tượng NVNONN sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Việc ban hành các chính sách này được coi là một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vướng mắc của bà con kiều bào trong những năm qua, đảm bảo sự hợp lý về quyền sở hữu nhà ở giữa công dân Việt Nam ở trong nước với công dân Việt Nam ở nước ngoài, qua đó khuyến khích kiều bào trở về quê hương và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số vấn đề phát sinh liên quan đến giấy tờ xác nhận đối tượng được sở hữu nhà ở, có quyền sử dụng đất, hay thời gian được phép cư trú dẫn đến việc chưa có nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoàn tất các thủ tục để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trên cơ sở thực tế triển khai chính sách và các ý kiến đóng góp của kiều bào, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các cơ quan liên quan đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủsửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy nhằm sớm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở và nhận quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.



 Đoàn kiều bào bên cột mốc chủ quyền trên đảo Sơn Ca, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, tháng 4/2014

Nhà nước ta cũng chú trọng việc xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Việc ban hành quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/8/2007 đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 36 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, thân nhân, thờ cúng tổ tiên. Những kết quả quan trọng đạt được trong công tác xây dựng chính sách thời gian qua đã tác động tích cực tới tâm tư, tình cảm của kiều bào. Đại đa số kiều bào rất vui mừng và hoan nghênh các quan điểm cơ bản của Đảng ta trong Nghị quyết, cũng như những chính sách thông thoáng của ta và coi đây như bước đột phá nhằm xóa bỏ mọi định kiến đối với kiều bào.

Điểm cốt lõi mang đến những chuyển biến tích cực như trên xuất phát từ sự đổi mới tư duy và chuyển biến nhận thức về công tác đối với NVNONN. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động không ngừng, cũng như những nhân tố thuận và không thuận trong cộng đồng luôn đan xen lẫn nhau, thời gian tới công tác xây dựng chính sách đối với NVNONN, một mặt cần tiếp tục quán triệt tính đúng đắn của Nghị quyết 36, đồng thời cần bổ sung, sửa đổi, hoặc ban hành những chính sách và hướng dẫn cụ thể hơn để phù hợp với tình hình mới và đáp ứng được những nguyện vọng mới của bà con.



 Vinpearl Phú Quốc - một trong những khu nghỉ dưỡng 5 sao của Tập đoàn Vingroup ( Tiền thân là Tập đoàn Technocom, được thành lập tại Ucraina năm 1993 bởi những người VN trẻ tuổi. Từ năm 2000, Technocom trở về VN đầu tư với ước mong được góp phần xây dựng đất nước


Theo đó, công tác xây dựng chính sách cần tiếp tục tập trung giải quyết các vấn đề thiết thân của kiều bào như quốc tịch, sở hữu nhà đất, đầu tư… nhằm “xóa bỏ mọi rào cản, sự phân biệt giữa đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài trong xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho bà con về nước đầu tư kinh doanh và định cư”.  Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách hướng tới đối tượng trí thức kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa trên tinh thần huy động sự đóng góp của kiều bào ngay ở nước sở tại bên cạnh việc khuyến khích bà con về nước trực tiếp đóng góp.

Làm tốt những mặt công tác này, chúng ta sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố tình yêu và niềm tin của kiều bào, để huy động sự chung vai gánh vác của bà con vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó cũng thể hiện “nhân tâm thiên lý”, “tình nghĩa một nhà” mà Tổ quốc luôn dành cho kiều bào, những người con ở xa nhưng luôn hướng về quê hương./.

Tạ Nguyên Ngọc
Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp