Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng đất nước hướng tới tương lai



 Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức Tết Việt kiều-mừng Xuân Giáp Ngọ 2014

Xin ông cho biết một số đặc điểm của cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ ?

Cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ không ngừng lớn mạnh. Từ một cộng đồng non trẻ, hình thành chủ yếu sau năm 1975 với khoảng 200.000 người (tính đến đầu những năm 80), đến nay cộng đồng người Việt đã trở thành một trong 10 cộng đồng lớn hàng đầu ở Hoa Kỳ. Đa số bà con đã có cuộc sống ổn định, hòa nhập và có vị thế nhất định trong xã hội Mỹ nói chung và trong cộng đồng sắc dân châu Á nói riêng. Bà con người Việt đang đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của xã hội sở tại.

Hiện có khoảng 1,8 – 2 triệu người Việt Nam ở Hoa Kỳ, chiếm gần một nửa trong tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong 10 năm gần đây, cộng đồng phát triển nhanh, với số lượng tăng khoảng 30%, trong đó số sinh ra trên đất Mỹ chiếm khoảng 70%. Theo thống kê của hãng Pew, thì người Mỹ gốc Việt có đặc tính vui vẻ và lạc quan, 83% cho rằng cá nhân có thể tiến bộ nếu làm việc chăm chỉ, 48% nói rằng con cái của họ có chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều so với họ. Hiện nay, khoảng 80% cộng đồng đã vào quốc tịch Mỹ, số còn đa phần cũng đã có thẻ xanh, được phép cư trú lâu dài.

Trong cộng đồng đã xuất hiện nhiều cá nhân thành công, nhất là những người thuộc thế hệ thứ hai. Tôi đã gặp rất nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân thành đạt, làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học tự nhiên (toán học, vật lý, hóa học), khoa học xã hội (luật học, triết học, tôn giáo, quan hệ quốc tế), khoa học kỹ thuật (truyền thông, máy tính, khoa học quân sự, hàng không vũ trụ, sinh học, y học, kỹ thuật hạt nhân), kinh tế tài chính (các tổ chức quốc tế WB, IMF, IFC, trung tâm tài chính)... Đây được coi là tiềm năng rất quan trọng của cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Về kinh tế, trong cộng đồng cũng đã xuất hiện những triệu phú, tỷ phú nổi danh tại Mỹ về các lĩnh vực khác nhau, như y tế, khoa học công nghệ, tài chính ngân hàng, khách sạn, bất động sản và các ngành dịch vụ… Nhiều người trong số họ đã được báo chí trong nước viết bài. Điểm đặc biệt là hầu hết các triệu phú, tỷ phú gốc Việt đó là họ đều đi lên từ hai bàn tay trắng, do cần cù siêng năng và sáng tạo mà thành công. Họ cũng góp phần không nhỏ nâng cao uy tín và địa vị của người Việt Nam trong xã hội sở tại.

Trong những năm gần đây, cộng đồng đã quan tâm và tham gia ngày càng tích cực vào các sinh hoạt chính trị ở Mỹ, như ứng cử vào các vị trí quốc hội từ cấp liên bang, tiểu bang đến cấp quận, hạt, học khu, đặc khu và thành phố, nhằm nâng cao tiếng nói, vị thế của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Đã có người giữ chức nghị sĩ liên bang, thị trưởng thành phố.

Điều đáng quý là trong quá trình hội nhập vào xã hội sở tại, bà con vẫn gìn giữ và duy trì được nét bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng, nhất là trong thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ cũng rất được cộng đồng quan tâm. Hiện có đến hàng trăm cơ sở dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng trên toàn nước Mỹ. Riêng khu vực thủ đô Washington D.C mở rộng đã có ít nhất là 10 cơ sở dạy tiếng Việt cho các cháu từ lớp 1 đến lớp 8. Nhiều nét đẹp trong văn hoá người Việt được bà con quan tâm duy trì thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội, biểu diễn văn nghệ, thi vẻ đẹp áo dài, thi hoa hậu, liên hoan ẩm thực, đón mừng Tết cổ truyền dân tộc, liên hoan phim Việt Nam…

Đồng thời, cũng phải nói đến thực tế là do hoàn cảnh ra đi khác nhau, điều kiện và khả năng hội nhập với xã hội sở tại cũng khác nhau, việc ngay trong nội bộ cộng đồng có các chính kiến khác nhau là chuyện dễ hiểu. Vấn đề đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.  

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của người Việt đối với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ?

Trong tuyên bố chung Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ được Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang long trọng tuyên bố tháng 7 năm 2013, lãnh đạo hai nước đã ghi nhận thành công của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ và sự đóng góp quan trọng của họ đối với quan hệ song phương.

Thực vậy, có hàng trăm chuyên gia, trí thức trên các lĩnh vực đã về Việt Nam làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học… thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn kinh tế, tài chính, luật, thương mại. Lượng kiều hối từ Mỹ chuyển về nước chiếm 36% tổng số kiều hối của NVNONN, khoảng 4 tỷ trên tổng số 11 tỷ đôla năm 2013.



 Trở về sau chuyến thăm Trường Sa do UBNNVNVNONN tổ chức, tháng 5/2012, Ban Biên tập báo Việt Weekly, thành phố Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ, đã tổ chức Triển lãm ảnh “Trường Sa trong mắt chúng tôi”

Bên cạnh đó, đông đảo kiều bào quan tâm sâu sắc đến những vấn đề của đất nước. Nhiều người đã bày tỏ tinh thần Trở về sau chuyến thăm Trường Sa do UBNNVNVNONN tổ chức, tháng 5/2012, Ban Biên tập báo Việt Weekly, thành phố Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ, đã tổ chức Triển lãm ảnh “Trường Sa trong mắt chúng tôi”đoàn kết với trong nước về vấn đề biên giới lãnh thổ, phản ứng mạnh mẽ trước những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đại sứ quán cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của bà con vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, liên quan đến cơ sở pháp lý, cung cấp tư liệu, bản đồ nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa…

Nhiều bà con đã tích cực tham gia các sinh hoạt chính trị lớn của đất nước như việc đóng góp, xây dựng Hiến pháp sửa đổi, góp ý kiến cho tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam... và kiến nghị, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết các vấn đề nhân đạo liên quan đến chiến tranh, thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc như việc tìm kiếm, cải táng hài cốt những người chết trong thời gian cải tạo, vấn đề sửa chữa Nghĩa trang nhân dân Bình An... Nhiều ý kiến đóng góp của bà con đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp thu và giải quyết.   

Đáng chú ý, mặc dù còn khó khăn trong cuộc sống và hội nhập nhưng với tình cảm gắn bó với cội nguồn, nhiều tổ chức từ thiện, nhân đạo của cộng đồng đã ra đời, ví dụ như các tổ chức One Vietnam, Vietnam Medical Assistance Program, Quỹ Từ thiện Teresa, Quỹ Việt-Mỹ, Hội Trái tim bác ái, Hội SAP-VN (Social Assistance Program for Vietnam)…vẫn thường xuyên có nhiều hoạt động hướng về quê hương dưới nhiều hình thức, như tình nguyện khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình miễn phí, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo ở các địa phương; quyên góp dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc men tặng cho các trạm y tế xã vùng sâu, hoặc cấp phát gạo cho người nghèo…

Có thể nói, cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ là cầu nối rất quan trọng trong mỗi bước tiến triển của mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo ông, cần phải làm gì hơn nữa trong công tác vận động kiều bào ?

Một là, Hiến pháp nước ta (năm 2013), văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất của Việt Nam khẳng định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Điều này nói lên rằng về chủ trương, chính sách thì Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và công tác vận động cộng đồng. Ở trong nước cũng như trong các chuyến thăm nước ngoài, Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội ta đều luôn quan tâm thăm hỏi, gặp gỡ nói chuyện và trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như các ý kiến đóng góp tâm huyết của bà con. Lãnh đạo các bộ/ngành và các địa phương của ta cũng ngày càng quan tâm đến công tác cộng đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn nhiều việc cần làm tốt hơn nữa để thực sự biến những chủ trương, chính sách nêu trên thành nhận thức chung của toàn xã hội, kiên quyết khắc phục và xóa bỏ những định kiến còn tồn tại ở nơi này, nơi kia đối với cộng đồng. 

Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo chuyển biến thực sự trong thực hiện chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con hướng về quê hương. Thời gian qua, cùng với vị thế đi lên của đất nước, nhiều chính sách có liên quan đến NVNONN ra đời (quốc tịch, nhà đất, miễn thị thực, hồi hương, đầu tư kinh doanh…) đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hướng về quê hương và đóng góp tích cực vào công cuộc dựng xây nước nhà. Tuy nhiên, trong quá triển triển khai các chính sách trên đã xuất hiện một số bất cập. Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là cơ hội để chúng ta tiếp tục hoàn thiện hơn các chính sách và cơ chế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con trong gắn kết với quê hương, đất nước. Xin đơn cử như việc làm thế nào để huy động đóng góp chất xám nhiều hơn nữa của đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài, ta cũng đã có nhiều hội thảo, thảo luận ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhưng xem ra vẫn còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tiếp tục “tháo gỡ” trong thời gian tới.
Ba là, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tốt hơn nữa giữa trong và ngoài nước, giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan trong nước, trong triển khai công tác vận động cộng đồng. Công tác tiếp thu và trả lời các ý kiến đóng góp xây dựng của bà con cũng cần được cải tiến tốt hơn.

Nhân dịp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập, Đại sứ quán Việt Nam tại  Hoa Kỳ xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của Ủy ban Nhà nước về NVNONN trong nhiều năm qua. Chúc Ủy ban thu được nhiều thành quả to lớn hơn nữa trong việc xây dựng và cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta coi cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại sứ./.