“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực”



 Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh báo cáo tại Quốc hội. Ảnh: Thảo Nguyên

Khiếu nại sai khoảng 60%

Để làm rõ thêm thông tin, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2014, đã phát sinh hơn 81.000 đơn thư KN, TC. Số lượng đơn giảm hơn 7%, nhưng KN đông người, gay gắt cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tập trung rất nhiều giải pháp nên công tác giải quyết KN, TC có chuyển biến tích cực.

Riêng KN, TC liên quan đến đất đai chiếm hơn 68,2% tổng số vụ KN, TC; so với 2013 có tăng; KN đông người cũng tăng 12%...

Theo Tổng Thanh tra, nguyên nhân thể hiện ở các quy định hướng dẫn và thực hiện đất đai, từng buớc thực hiện chính sách nhưng chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém, trình độ ý thức của một số cán bộ chưa tốt, công tác tiếp công dân, đối thoại, làm rõ vấn đề chưa được kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật của người dân chưa tốt, nhiều trường hợp KN sai, khoảng 60%.

Đối với các vụ KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Thanh tra Chính phủ chủ trì, các bộ, ngành, các cấp phối hợp tập trung giải quyết và đã giải quyết được 500/528 vụ. Hiện, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ kéo dài ngoài 528 vụ trên để kịp thời giải quyết các vụ kéo dài cũng như các vụ mới phát sinh.

“Chúng tôi nhận thức rằng, KN, TC của người dân nói chung, KN, TC kéo dài nói riêng không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như quyền lợi của người dân, cho nên chúng tôi tập trung giải quyết, tiếp công dân, đối thoại, làm rõ vấn đề và thực hiện công khai. Những vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài, trong quá tình giải quyết, chúng tôi đã mời các đại diện các tổ chức ở địa phương để tạo tiếng nói chung”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác PCTN, Tổng Thanh tra cho biết, Đảng, Nhà nước thể hiện quyết tâm rất cao. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã bàn hành công tác trọng tâm, tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác PCTN; có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc PCTN ở các ngành, địa phương; chỉ đạo xử lý những vụ tham nhũng lớn. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp rất đồng bộ…

“Để tăng cường công tác PCTN trong thời gian tới, Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp từ chỉ đạo đến phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Nhưng để thực hiện hiệu quả các giải pháp, chúng tôi thấy rằng rất cần sự giám sát của các ĐBQH, sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội”.

Riêng vụ việc liên quan đến nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra cho biết, “tại Kỳ họp 7, tôi đã báo cáo trước Quốc hội, vụ việc này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra và báo cáo Ban Bí thư. Đến nay chưa có kết luận để báo cáo Quốc hội. Sau này, nếu có kết luận và chỉ đạo của Ban Bí thư thì Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội”.

Hầu hết lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trực tiếp đối thoại với dân

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác giải quyết KN, TC đã có chuyển biến tích cực. “Hầu hết lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp đối thoại, giải quyết KN của công dân. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về các địa phương nơi xảy ra vụ việc nhằm giảm tập trung khiếu kiện về Hà Nội và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân”.

Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 270.942 lượt công dân, 3.378 đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 101.337 đơn thư; giải quyết 23.511 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền. Các vụ KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giải quyết 500/528 vụ, đạt tỷ lệ 94,7%. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác; các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác giải quyết KN, TC, ĐBQH Phan Đức Châu (tỉnh Quảng Trị) cũng chỉ ra vướng mắc lớn nhất trong giải quyết KN, TC chủ yếu liên quan đến đất đai. “Thực tiễn diễn ra rất phức tạp, người dân chủ yếu bị thiệt thòi do hồ sơ đất đai không đầy đủ, hoặc không có. Cần phải xây dựng cơ chế chính sách như thế nào để giải quyết căn cơ, chứ không chỉ giải quyết từng vụ việc, đừng để địa phương vận dụng các chính sách khác nhau. Có như vậy mới giải quyết được những KN, TC, bức xúc của người dân”, ĐBQH Phan Đức Châu đề nghị.

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) bày tỏ, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã thực hiện công tác này có hiệu quả. Nhưng tôi rất mong Thanh tra Chính phủ có lộ trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội hiệu quả hơn nữa, nhất là việc bảo vệ người TC chống tham nhũng.

Xử lý 48 người đứng đầu để xảy tham nhũng

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; triển khai thực hiện quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước, Chương trình Sáng kiến PCTN trong ngành Thanh tra và công khai kết luận thanh tra. Nhất là, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Báo cáo cho thấy, 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; trong đó 3 người bị xử lý hình sự; 5 người bị cách chức và 40 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách. Chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 27,4 nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Tổng kết kết quả kê khai tài sản, thu nhập năm 2013 với tỷ lệ kê khai đạt 99,2% (944.425/952.178 người phải kê khai), tăng 0,7% so với năm 2012; công khai 914.250 bản kê khai, bằng 96,8% số bản đã kê khai, tăng 37,4% so với năm 2012.

Các cấp, ngành đã tổ chức 62,7 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN cho gần 3,9 triệu người; phát hành gần 114 nghìn cuốn sách, tài liệu về PCTN; duy trì thường xuyên việc tuyên truyền các quy định về PCTN lãng phí trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo từ năm học 2013 - 2014.

Ngành Thanh tra đã tập trung chỉ đạo công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra, nhất là những lĩnh vực liên quan đến ngân sách Nhà nước, tài sản công. Đến nay, đã triển khai trên 5.500 cuộc thanh tra hành chính, trên 132 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 28 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 13 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 873 tập thể và trên 1.500 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 34 vụ việc.

Thảo Nguyên