Cổng thông tin “một cửa quốc gia” chính thức hoạt động



Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bấm nút chính thức kết nối cổng thông tin
một cửa quốc gia. Ảnh: MT

Việc kết nối chính thức ba thủ tục đầu tiên của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) nằm trong khuôn khổ thực hiện thí điểm Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế theo Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, đây là bước triển khai tiếp theo quan trọng sau khi đã kết nối kỹ thuật Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa ba Bộ Tài chính, GTVT, Công thương vào tháng 2-2014. Việc chính thức đưa và hoạt động Cổng thông tin một cửa quốc gia rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước thực hiện công tác xuất, nhập khẩu, quá cảnh, góp phần đóng góp thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước. Đồng thời cũng là thể hiện việc thực hiện nghiêm túc các cam kết của Việt Nam với cộng đồng ASEAN và với quốc tế.

Bộ GTVT cho biết, sẽ có chín công ty tham gia NSW giai đoạn 1 bao gồm: SITC Việt Nam, Dịch vụ hàng hải Nhật Thăng, Chi nhánh Công ty CP vận tải và thuê tàu tại Hải Phòng (Vietfracht), Hanjin Shipping Việt Nam, Vitamas (hãng NYK Line Vietnam), Đại lý Liên hiệp vận chuyển Gemadept, Vận tải dầu khí Sài Gòn (SP Shipping), Hoyer Transport Việt Nam và Dịch vụ giao nhận vận tải Sao Đại Dương.

Theo đại diện của Tổng cục Hải quan thì hiện các DN vận tải biển phải gửi 12 chứng từ cho bốn cơ quan xử lý thủ tục gồm Cảng vụ (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam), Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch động, thực vật. Nhưng thời gian tới DN chỉ cần gửi thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Cơ chế một cửa quốc gia và nhận kết quả xử lý từ đầu mối duy nhất này.

Được biết, sau Bộ GTVT sẽ kết nối và thực hiện năm thủ tục chuyên ngành của Bộ Công thương và 10 thủ tục của Bộ Tài chính trên NSW. Năm 2015, sẽ tổ chức kết nối chính thức khoảng 20 thủ tục của các Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành còn lại sẽ kết nối vào năm 2016.

Như vậy, Cơ chế một cửa quốc gia đã được khai trương sớm hơn kế hoạch dự kiến trước đó của Bộ Tài chính. Việc chính thức vận hành Cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, đồng thời là giải pháp để từng bước hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

(Theo Báo Nhân dân)