Về việc bảo lãnh con riêng ra nước ngoài học tập

* Trả lời:

Để chị của bạn bảo lãnh con sang Hàn Quốc được, gia đình cần thực hiện hai thủ tục sau:

(i)       Thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam, và

(ii)     Thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc.

  1. Thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam

Theo quy định của pháp luật Việt Nam (Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ được sửa đổi bởi Nghị định số 65/2012/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (gọi tắt là “Nghị định 136/2007”):Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực”. Vì vậy, chị bạn cần làm thủ tục cấp giấy tờ xuất cảnh cho cháu bé để cháu bé có thể xuất cảnh khỏi Việt Nam. Theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Nghị định 136/2007, những loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh bao gồm: (1) Hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông); (2) Giấy tờ khác (Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương hoặc Giấy thông hành).

  1. Thủ tục nhập cảnh vào Hàn Quốc

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, để được nhập cảnh vào Hàn Quốc, cháu bé phải được cơ quan Hàn Quốc cấp thị thực (visa) nhập cảnh vào Hàn Quốc. Việc thực hiện thủ tục được thực hiện tại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam (Phòng Lãnh sự).

Hiện nay có 13 loại visa nhập cảnh vào Hàn Quốc dành cho các đối tượng là công dân Việt Nam: visa thương mại, visa du lịch, visa kết hôn, visa thăm con kết hôn với người Hàn Quốc, visa thăm người thân đang học thạc sĩ hoặc tiến sĩ hoặc có các loại visa E3 hoặc E7; visa du học, visa học thạc sĩ hoặc tiến sĩ; visa làm việc; visa lao động; visa đào tạo; visa dự hội nghị; visa quá cảnh; visa chữa bệnh.

Để biết chi tiết thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Hàn Quốc bạn có thể có thể liên hệ với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam hoặc vào trang thông tin điện tử của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam: http://hanquocngaynay.com/embassy_detail.php?key=5) để tham khảo.

  1. Về việc bảo lãnh cháu bé sang Hàn Quốc:

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc mà chúng tôi tham khảo, người nước ngoài là vợ/chồng của người Hàn Quốc có thể bảo lãnh con riêng của mình sang Hàn Quốc theo hai cách sau đây:

-          Tự mình bảo lãnh con sang Hàn Quốc nếu có quốc tịch Hàn Quốc hoặc

-          Người chồng/vợ có quốc tịch Hàn Quốc thực hiện bảo lãnh con nuôi là con riêng của vợ/chồng sang Hàn Quốc nếu người vợ/chồng là người nước ngoài đó chưa có quốc tịch Hàn Quốc.

Theo đó, vì chị của bạn vẫn chưa có quốc tịch Hàn Quốc nên chị của bạn không thể đứng ra bão lãnh cho con mình được mà cần có sự giúp đỡ của chồng chị để bảo lãnh cho con riêng của chị sang Hàn Quốc với tư cách là cha nuôi của đứa trẻ nếu chị và chồng chị có mong muốn đón cháu bé về để cùng nuôi dưỡng và chăm sóc.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam (khoản 2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi) thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây được nhận làm con nuôi:

-          Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

-          Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi

Do đó, chồng chị hoàn toàn có thể nhận cháu bé làm con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về hồ sơ: 

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm các giấy tờ sau:

a) Đơn xin nhận con nuôi;

b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ;

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp chị của bạn là mẹ đứa bé, chồng của chị ấy có quan hệ là dượng của cháu bé (như giấy khai sinh của cháu bé, giấy đăng ký kết hôn của chị bạn).

Các giấy tờ, tài liệu quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h nêu trên phải do cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc (nước nơi người nhận con nuôi thường trú) lập, cấp hoặc xác nhận.

Số bộ hồ sơ: 02 bộ hồ sơ, nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của Hàn Quốc (nước nơi người nhận con nuôi thường trú) hoặc trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp. (Điều 31 Luật nuôi con nuôi)

Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy khai sinh;

b) Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

d) Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

Số bộ hồ sơ: 03 bộ, nộp cho Sở Tư pháp nơi cháu bé thường trú (Việt Nam).

(Điều 32 Luật nuôi con nuôi)

Trình tự và thời hạn giải quyết:

-          Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ của cháu bé.

Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu thấy trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp.

-          Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra và xử lý hồ sơ của người nhận con nuôi.

Trên đây là hồ sơ và thủ tục nhận nuôi con nuôi nếu chị của bạn chưa có quốc tịch Hàn Quốc nên phải nhờ chồng chị ấy bảo lãnh cháu bé sang Hàn Quốc với tư cách là cha nuôi bảo lãnh con nuôi sang Hàn Quốc. Về thủ tục cụ thể để bảo lãnh, chị của bạn và chồng chị ấy cần liên hệ với cơ quan Đại sứ quán của Hàn Quốc tại Việt Nam và cơ quan thị thực ở Hàn Quốc để được hướng dẫn chi tiết.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
Thanh Xuân, Hà Nội