Doanh nghiệp: Cần chính sách về đất đai ổn định, có tầm nhìn



Đối thoại doanh nghiệp năm 2014 về thủ tục hành chính
trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Hà Nội, 25/6/2014

Lĩnh vực tài nguyên môi trường, nhất là đất đai đều rất “nóng”, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Mặc dù Bộ Tài nguyên Môi trường đã nỗ lực thực hiện cải cách TTHC như kiến nghị sửa đổi, bổ sung 204 TTHC (92,23%), cắt giảm được trên 50% chi phí tuân thủ TTHC, nhưng vẫn có đến 30,8% doanh nghiệp phải “trả thêm chí phí không chính thức để đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ về đất đai”.

55% doanh nghiệp “than” TTHC đất đai

Tài nguyên môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ 4 (sau thuế, quản lý thị trường và an toàn phòng chống cháy nổ). Giai đoạn 2010-2013 với tỷ lệ trung bình cứ 14 doanh nghiệp có 1 doanh nghiệp bị thanh kiểm tra trong lĩnh vực này.

Nhưng thực tế lĩnh vực tài nguyên môi trường lại thường gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là TTHC về đất đai. Nếu như năm 2010, tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 36% thì đến năm 2013 con số này đã lên tới 55% và tỷ lệ này vẫn chưa có... “điểm dừng”.

Đánh giá của doanh nghiệp trong khảo sát 209 các hiệp hội doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, 8.200 doanh nghiệp tư nhân về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI) 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa thực hiện cũng cho thấy, chỉ số MEI của Bộ Tài nguyên Môi trường còn thấp (50,14 điểm).

Trách nhiệm về TTHC và giải quyết vướng mắc ở địa phương trong lĩnh vực tài nguyên môi trường dưới mức trung bình. Có đến 10,84% doanh nghiệp đánh giá là “rất chậm”, trong khi chỉ có 7,23% doanh nghiệp đánh giá là “rất kịp thời” về mức độ xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2014 về TTHC trong lĩnh vực tài nguyên môi trường vừa diễn ra ngày 25/6, ông Hoàng Văn Dũng (Phó Chủ tịch thường trực VCCI) cho biết, những vướng mắc về TTHC đang là rào cản rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp thời gian qua. Mặc dù, TTHC đã được giảm thiểu đáng kể khi loại bỏ trên 400 loại giấy tờ không cần thiết nhưng “hàng ngày hàng giờ các TTHC vẫn tiếp tục phát sinh với nhiều qui định bất cập ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh”.

“Gần như doanh nghiệp nào cũng từng không biết gỡ từ bước nào khi thực hiện các TTHC để triển khai một dự án đầu tư có liên quan đến đất đai”, ông Nguyễn Quốc Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam) “than” với Bộ Tài nguyên Môi trường và cho biết, mỗi thủ tục để thực hiện dự án đầu tư liên quan đến đất đai đều mất nhiều thời gian do qui trình phải hỏi ý kiến “đầy đủ ban bệ” một cách trùng lặp cho tất cả các bước đang làm chậm quá trình đầu tư.

Chủ tịch nhà thầu Việt Nam ví von, “như thế này thì ông nước ngoài sao mà vào được, nhìn thì như cô gái đẹp nhưng không thể chạm vào được”.

Minh bạch TTHC để giảm chi phí không chính thức

Thực tế hiện nay, giá đất theo qui định của nhà nước đang có xu hướng tăng quá nhanh trong khi qui hoạch đất đai của địa phương thường không đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, trong khi TTHC thuê đất lại quá phức tạp. Chưa kể, “cả doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước đều “ngán ngẩm” khi “động” đến giải phóng mặt bằng. Có chủ tịch tỉnh “than” là phải dành đến 50% thời gian làm việc cho việc giải phóng mặt bằng trong khi giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho DN khi mở rộng mặt bằng sản xuất, kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban pháp chế - VCCI) cho biết.

Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, chính sách về đất đai cần ổn định, có tầm nhìn, có biện pháp kiểm soát hoặc điều chỉnh giá thuê đất, tránh tăng quá nhanh, đột ngột; tạo đột phá trong giải phóng mặt bằng. Nhất là phải minh bạch thông tin để giảm những chi phí không chính thức mà người dân và doanh nghiệp phải “lót tay”như nhận định của đại diện Ngân hàng Nhà nước “để ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai quan trọng vẫn là phải minh bạch hóa TTHC và để người dân tiếp cận tốt hơn các thông tin”.

Ông Đậu Anh Tuấn lưu ý, “khi công khai sẽ giúp doanh nghiệp biết quyền của mình và cũng giảm sự lộng quyền của cán bộ có trách nhiệm giải quyết các TTHC về đất đai”. Đồng quan điểm, tuy nhiên ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định bản thân Bộ Tài nguyên Môi trường không thể một mình tháo gỡ “ma trận” thủ tục mà cần phải có sự thay đổi của cả hệ thống, mạnh tay dỡ bỏ những rào cản một cách thiết thực. “Trước mắt cần làm ngay là Bộ Tài nguyên Môi trường phải có đề xuất điều chỉnh, cho phép tính chi phí giải phòng măt bằng vào chi phí đầu tư để tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, khuyến khích các nhà đầu tư”, Chủ tịch nhà thầu Việt Nam đề xuất.

Luật sư La Hưng Quan cho rằng, cần tăng cường thực hiện “một cửa” để rút ngắn thời gian nhà đầu tư, doanh nghiệp phải “chờ ý kiến các cơ quan chức năng” khi thực hiện TTHC về đất đai, nhằm tạo thuận lợi cho DN và nhà đầu tư trong việc tiếp cận, sử dụng đất đai và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia đơn giản hóa không đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý nhà nước mà đơn giản trong thủ tục, các khâu, bước tiến hành nhưng vẫn siết chặt các hoạt động quản lý. Đại diện VCCI hy vọng với việc thực hiện Nghị đinh mới về đất đai từ tháng 7 tới đây sẽ tạo được những quỹ đất sạch, thuận lợi hơn để doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng sản xuất.

Thảo Nguyên