Các nhà thờ Hà Nội cho ngày lễ Giáng Sinh


Nhà thờ Lớn Hà Nội

Nhà thờ nằm gần với trung tâm thành phố nhất này được xây dựng trên khu đất vốn là nền của tòa tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long thời Lý (thế kỷ 11 - 12).

Nơi đây còn có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph), do Giáo hoàng Innocentinus XI đã từng tôn phong Thánh Joseph. Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là “Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse”, khánh thành vào lễ Giáng sinh năm 1887, sau hai năm xây dựng theo thiết kế mô phỏng kiểu kiến trúc Nhà thờ Ðức Bà ở Paris của Pháp. Ðây là nơi tiến hành các lễ trọng của Công giáo và thường tổ chức lễ rước Thánh Giuse của giáo phận Hà Nội vào ngày 19/3 hàng năm.

Giới trẻ Hà thành thường đến đây vào buổi sáng, thong thả ngắm nhìn thành phố vào ngày mới.

Nhà thờ Hàm Long

Đây là một nhà thờ của Giáo hội Công giáo La Mã, thuộc tổng giáo phận Hà Nội, Việt Nam. Là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của giáo dân Hà Nội và là nhà thờ chính của giáo xứ Hàm Long.

Công trình do kiến trúc sư người Việt quê ở Hạ Hồi, Thường Tín thiết kế. Nhà thờ hoàn thành tháng 12/1934, cao 17 m. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các hoạ tiết dây thừng như kiểu dây áo dòng Francis. Nhà thờ lấy thánh Anthony of Padua làm quan thầy.

Nhà thờ Hàm Long với hai mặt tiền trông ra các phố Hàm Long, Ngô Thì Nhậm, được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất Hà Nội.

Nhà thờ Cửa Bắc

Nhà thờ Cửa Bắc, một trong những nhà thờ đẹp nhất tại Hà Nội, ở 56 phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, xây dựng ở Cửa Bắc thành Thăng Long (nằm đối diện với thành Thăng Long) vào năm 1931-1932 (có nhiều tài liệu viết nhà nhờ được xây dựng năm 1927 dưới thời Pháp thuộc), do một linh mục kiêm kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo kiểu hình chữ nhật kết hợp phong cách Á - Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm.

Nhà thờ Cửa Bắc không chỉ là một địa chỉ tôn giáo mà còn là một công trình kiến trúc có nhiều nét độc đáo, tạo thêm điểm chấm phá trong không gian đô thị Hà Nội. Và những hàng cây sấu già chạy dọc theo hè phố có những chùm hoa trắng bé xíu giấu mình trong tán lá xanh mà tỏa ra những mùi hương đăng đắng mà nồng nàn... từng đi vào thơ, nhạc.

Nhà thờ Thịnh Liệt

Hay còn gọi là nhà thờ Làng Tám. Gia tộc họ Bùi làng Thịnh Liệt, hay Họ Bùi Làng Sét, là một dòng họ nổi tiếng đã đóng góp nhiều nhân vật quan trọng cho các triều đại trong thời gian từ đầu thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 20, cũng như nhiều văn hào, tác gia… của nền văn hóa Việt Nam trong 5 thế kỷ đó.

Nhà thờ của họ Bùi trong làng được vua Lê Hiển Tông phong một bức hoành phi có bốn chữ "Sơn Nam Vọng Tộc" để chỉ một dòng họ nhiều danh vọng của trấn Sơn Nam. Trấn Sơn Nam lúc đó bao gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam và Hà Đông.

Nhà thờ Phùng Khoang

Nhà thờ ở làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội, gần đường Hà Nội - Hà Đông, cách bờ hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 km.

Không gian ở đây rất điển hình cho nông thôn thanh bình Việt Nam. Nhà thờ xây dựng năm 1910, cùng theo thiết kế của kiến trúc tân cổ điển Pháp. Nhà thờ có tương quan hài hoà giữa nhà xứ, nhà phòng với cảnh quan chung của ngôi đình, chùa Phùng Khoang và vườn cây quả.

(Theo vnexpress.net)