Cá bống thần


Người em lớn lên không có được một chiếc nồi con, một con dao nhỏ. Ngày anh cầm que tre vào rừng đào củ mài, củ nâu, xuống khe bắt cá, cua ăn, sống qua ngày. Đêm anh lần mò về dưới sàn nhà người anh ngủ bên trâu, lợn.

Người em bị ngược đãi như vậy, đành bấm bụng chịu, không hề kêu ca gì. Một hôm, người anh rủ em ra chắn khe bắt cá. Người em vui lòng đi theo.

Người anh đứng trên bờ sai em:

- Mày lấy đá chắn khe rồi tao sẽ chặt lá lấp.

Khi người em lấy đá chắn khe xong, người anh lại bảo:

- Mày chặt lá lấp, tao sẽ đắp đất thêm vào.

Người em lại lấp thêm lá. Anh lại bảo:

- Mày đắp đất thêm vào, tao sẽ tát nước.

Người em đắp đất xong, định nghỉ tay, người anh nói:

- Mày tát nước, tao tát cá.

Người em lại gập lưng tát nước. Nước cạn đến đâu người anh bắt cá đến đó và bỏ cá vào giỏ mình. Người em định ngừng tay tát để bắt vài con thì bị người anh mắng.

Người em lại tát. Khi người em tát cạn nước thì người anh đã bắt hết cá. Còn lại một con cá bống nhỏ nằm ở hốc đá, người anh không thấy nên không bắt. Người em vội chạy lại định bắt, người anh đã phá đập, làm nước tràn vào đầy hồ tát và con cá đi mất.

Người anh xách đầy giỏ cá ra về, không hề ngoái đầu nhìn lại đứa em khốn khổ của mình. Người em ngồi trên bờ khe khóc lóc thảm thiết. Chợt con cá bống lúc nãy nổi lên, nói với anh:

- Anh bắt tôi đem về mà nuôi.

Người em mừng rỡ, vớt con cá bống lên, nâng niu đưa về nhà, bỏ vào bát nuôi. Con cá rất chóng lớn, qua một ngày nó to chật cả bát. Người em ra lấy đá làm một chậu nhỏ, bỏ cá vào nuôi. Ngày sau cá đã chật chậu. Người em đắp thành một cái vũng to bằng nửa sân nhà cho cá bơi lội, vùng vẫy. Người em đắp luôn một đoạn khe ở chỗ khuất và thả cá xuống. Năm ngày sau, con cả to gần chật khe, sống lưng của nó nổi lên quá mặt nước, to hơn sống lưng con trâu đực.

Con cá bống nói với người em:

- Nay tôi lớn rồi, anh với tôi kết nghĩa cà-lơ (bạn)[1] với nhau đi. Chúng ta đi xuôi dòng khe này chơi một chuyến cho vui.

Người em nghe nói bằng lòng ngay. Nhà nuôi được ba con gà, làm rẫy được hai giỏ lúa, người em làm thịt hết gà và giã gạo thật trắng, mang giỏ lên đường. Người em và con cá ra đi. Cứ đến bữa ăn, người em xé hết thịt và cơm ngon cho cá ăn, còn mình chỉ ăn xương gà với cơm không.

Một hôm trời trở gió, mây kéo ùn ùn, người em sợ quá hỏi cá:

- Cá ơi! Trời sắp mưa, ta trốn đi đâu?

Cá nói:

- Không phải mưa đâu. Anh leo lên cây cao ở bờ khe mà nhìn. Hễ thấy mây kéo ùn phía dưới, anh quay mặt về phía đó giả buồn rầu. Nếu mây ùn về phía trên nước, anh cười ngay thật to là được.

Người em nghe theo, leo mãi lên đọt cây cao, đứng chờ. Khi mây ùn phía dưới ngọn nước, anh ủ rũ khóc lóc. Một lúc sau, anh thấy mây ùn phía trên anh cười vang. Tiếng cười dội vào vách núi, rền vang như tiếng sấm. Bỗng anh nghe có tiếng gầm rú dưới khe. Quay lại, anh nhìn thấy con cá bống đã giết chết một con thuồng luồng to như gốc cây, dài hơn cây tre xa-răng (loại tre to). Cá gọi anh:

- Cà-lơ ơi! Xuống mổ bụng con thuồng luồng mà lấy của cải.

Người em làm theo. Anh mổ bụng con thuồng luồng ra và lấy rất nhiều vàng, bạc nén, mâm đồng, nồi đồng. Cá nói:

- Cà-lơ cứ để cả lên lưng tôi, cà-lơ chỉ đi mình không thôi, chứ phải leo ba cái dốc, bốn ngọn đèo nặng vai lắm!

Người em không nghe, cứ mang một gùi nặng, còn bao nhiêu mới để lên lưng cá. Anh đi dọc bờ khe theo bên cá trở về. Đến nhà, người em đem chuyện này kể cho người anh nghe và chia đôi cho anh một phần của cải lấy được. Người anh nghe chuyện mừng quá, lòng tham lại nổi lên, không thèm nhận nửa phần em chia cho và đòi đi một chuyến với cá. Người em dặn:

- Anh đi nên phòng xa, đừng làm cá của em chết đi.

Người anh tham lam ra bộ hiểu biết, gạt ngay ý kiến của em:

- Không cần mày dặn. Tao nhìn mặt trời trước mày, tao đạp đất trước mày, mày còn dạy khôn tao à!

Thế là anh tham lam ra đi. Anh ta cũng được cá bống mang đi du lịch dọc khe như người em. Nhưng anh tham lam tham ăn quá. Anh ta ăn gà thì ăn hết thịt, còn cho cá ăn xương, ăn lòng.

Đến một khúc khe, trời lại nổi cơn giông. Anh tham lam mừng quá, cuống quýt hỏi cá nên làm gì. Cá cũng dặn làm như dặn người em. Nhưng vì hắn quá tham lam, nghe vội vàng tiếng được tiếng mất, và chạy lên cây cao. Hắn vừa thấy mây ùn phía dưới, đáng lý phải buồn khóc, thì hắn lại cười vang. Con thuồng luồng đã vùng lên, lúc cá bống chưa có sự chuẩn bị. Nó cắn chết mất con cá bống. Người anh tham lam nghe tiếng quẫy vùng dưới khe liền tụt xuống, đến xem, thấy con cá bống bị thuồng luồng giết chết, hắn tức giận đập vào đầu cá và về nhà.

Người em thấy anh về, mừng rỡ chạy ra hỏi:

- Anh lấy được nhiều của cải không?

Anh tham lam cau mặt lại, quát mắng em:

- Mày đừng láo! Cá mày chết ngoài khe, ra mà lấy vào.

Người em nghe tin cá chết, lòng nóng như lửa đốt, chạy một mạch ra ngoài khe. Đến nơi thấy xác cá bống đã cứng đờ. Anh khóc than:

- Cà-lơ ơi! Nay cà-lơ chết, ta sống làm sao được đây!

Bỗng hồn cá nói thoảng qua tai anh:

- Cà-lơ ơi! Đừng khóc nữa, cà-lơ  mang đầu tôi đem về chôn giữa sân, tôi có cách giúp cà-lơ thôi.

Người em liền đem đầu cá về chôn ở giữa sân. Mấy ngày sau, ở chỗ đó mọc lên cây tre cao, người em ra đứng ở gốc tre kêu lên:

- Cà-lơ ơi! Cà-lơ giúp ta gì thì nói lên!

Cây tre nói:

- Khi nào nghe gió trên về, cà-lơ cứ gọi: Áo sấn ta đâu? Sẽ có áo sấn đẹp. Khi thấy gió dưới lên thì kêu: Bạc nén, nồi đồng ta đâu? Lúc đó sẽ có nhiều bạc nén, nồi đồng.

Lúc trời trở gió, người em làm theo lời tre, nên được không biết bao nhiêu là áo sấn, bạc nén, nồi đồng, mọc trĩu cành tre. Người em lại về báo tin mừng cho người anh nghe. Người anh lại nổi máu tham, chạy thẳng ra bụi tre. Thấy gió trên thổi rền, hắn kêu:

- Áo sấn ta đâu?

Tức thì, bao nhiêu giẻ rách thối tha đều treo lủng lẳng trên ngọn tre và phất thẳng vào mặt hắn. Thấy gió dưới thổi lên, hắn thét:

- Bạc nén, nồi đồng ta đâu?

Hắn vừa hét, vừa chạy thẳng lại gốc tre để lấy của. Từ trên ngọn tre lại hiện ra những sọ người, xương trâu, xương bò. Ngọn tre đung đưa làm các thứ xương gõ vào đầu anh tham lam kêu côm cốp. Tức giận quá, hắn chặt luôn cây tre.

Hắn hầm hầm chạy về nhà mắng người em:

- Mày là thằng láo. Cây tre của mày là ma quỷ, tao chặt rồi.

Người em lại chạy ra bụi tre khóc lóc. Gốc tre nói với anh:

- Thôi, đừng buồn. Tôi đã giúp anh có nhiều áo sấn, có nhiều nồi đồng, bạc nén rồi. Nay anh lấy thân tôi đem đốt thành tro. Mỗi ngày anh lấy một ít tro ra rẫy, hễ thấy dấu chân con thú nào thì anh rải lên đó, rồi theo dấu chân nó mà đi tìm. Con thú đó sẽ chết, anh tha hồ có thịt ăn.

Nghe gốc tre nói, người em liền làm theo. Hôm sau anh mang về ba con lợn rừng to và một con nai rất lớn. Anh chia cho người anh tham lam một nửa. Người anh cũng không thèm lấy nửa phần thịt do em chia cho, mà đòi lấy hết số tro của em. Người em trao cả số tro cho anh ta.

Người anh tham lam đem hơn nửa số tro ra rải khắp vào nương rẫy. Thấy một dấu chân chuột hắn cũng rải, một dấu chân nai hắn cũng rải. Thậm chí khi thấy dấu chân người, hắn liền nghi có kẻ trộm vào rẫy, nên rải tro lên dấu chân đó.

Rải xong, hắn hí hửng ra về, toan quét dọn nhà cửa để đi nhặt heo, mang cọp, chuột về. Đến nơi hắn thấy vợ và đàn con đã chết lăn ra giữa nhà. Hắn hoảng hốt chạy ra rẫy. Té ra, những dấu chân người mà hắn nghi là kẻ trộm, đều là đấu chân vợ con hắn. Hắn như điên, như dại chạy về nhà, làm số tro mang sau lưng xốc tung lên, vãi vào dấu chân của chính hắn vừa in xuống mặt đường.

Thế là chưa về đến cửa, hắn cũng lăn quay ra chết.

Người em nghe tin gia đình anh chết, vẫn trọng nghĩa, làm đám tang cho anh. Từ đó người em sống yên ổn làm rẫy, phát nương với bà con, làng xóm.

(Truyện cổ dân tộc Vân Kiều)


______________________
[1] Theo phong tục người Vân Kiều, thì khi hai người đã “kết nghĩa cà-lơ” với nhau, thì tình nghĩa keo sơn sâu nặng hơn cả ruột thịt.