Trận Tam Điệp


Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 20-b và tờ 21a-b) mô tả trận này như sau:

"Bấy giờ, họ Mạc cử binh, sai Mạc Đôn Nhượng thống suất tướng sĩ và quân khắp bốn trấn, định ngày vào Yên Mô (Ninh Bình - ND) giao chiến với quan quân (chỉ Nam triều - ND). Tiết chế Trịnh Tùng bàn với các tướng rằng:

- Nay họ Mạc đem đại binh tới, cốt để đánh một trận sống mái với ta. Địch nhiều, ta ít mạnh yếu cách nhau xa lắm. Nhưng, ta đang giữ đất hiểm, địch không dễ làm được gì. Binh pháp nói: Một người giữ được chỗ hiểm, ngàn người không địch nổi. Ta đang ứng vào câu này đây. Vậy, ta nên giả vờ rút quân để dụ chúng vào chỗ hiểm, khiến địch khinh ta mà đem quân đuổi theo, khi đó, ta dùng trọng binh đánh úp, ắt là sẽ phá được.

Canh ba (vào khoảng từ 23 giờ đến 01 giờ) đêm ấy, Tiết chế Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem một vạn năm ngàn quân tinh nhuệ và hai trăm cỗ khinh kị, đi gấp trong đêm tối, tới vùng chân núi, tìm hang động, khe suối và những nơi có lau sậy để mai phục, hẹn rằng, hễ nghe ba tiếng súng lệnh thì cho quân mai phục nổi lên đánh. Hữu Liêu đem quân đi rồi, (Tiết chế Trịnh Tùng) lại sai Trịnh Đỗ, Trịnh Đồng, Trịnh Ninh đem quân chặn phía sau. Xong, (Tiết chế Trịnh Tùng) hạ lệnh cho các quân cứ theo đúng trận đồ mà rút lui, nếu thấy giặc đến thì cứ vừa đánh vừa chạy, chừng nào đến chỗ có quân mai phục, hễ nghe thấy ba tiếng súng lệnh, thì phải lập tức chuyển hậu quân thành tiền quân, đội ngũ, cờ xí tả hữu phải đúng như trận đồ đã vạch. Các tướng nhận lệnh xong, trở về doanh trại, chỉnh đốn quân sĩ để đợi giặc. (Tiết chế Trịnh Tùng) còn sai Ngô Cảnh Hựu đem quân chở lương thực, thu nhặt hết mọi thứ vào núi Tam Điệp, cốt tỏ cho giặc biết việc lui quân, sai Trung quân và Hậu quân lần lượt rút về Tam Điệp và đóng tại đó. Tiết chế tự mình đốc suất tướng sĩ lên đường. Hôm ấy, tướng nhà Mạc sai người lên đỉnh núi cao để quan sát, thấy quân (Nam triều) kéo về thì cười mà nói rằng:

- Nó thấy quân ta tới, tự biết là không kháng cự nổi vì quân nó ít, thế nào nó cũng để Hoàng Đình Ái đi chặn hậu. Hỡi các tướng sĩ, hễ người nào dấn thân cố sức đuổi kịp quân địch, bắt sống được tướng giặc hoặc bắt được voi là công hạng nhất, về triều sẽ tâu xin thăng chức và trọng thưởng.

Tướng Mạc cậy có quân đông, hăng hái tranh nhau tiến lên phía trước, không hề nghĩ gì đến kẻ đi sau, đua nhau đánh đuổi (quân Nam triều) đến tận chỗ hề nghĩ gì đến kẻ đi sau, đua nhau đánh đuổi (quân Nam triều) đến tận chỗ hiểm của núi Tam Điệp. Ba tiếng súng lệnh nổ vang, quân mai phục nhất loạt vùng dậy. Khi ấy, Tiết chế Trịnh Tùng cũng tung đại quân ra đánh, cả bốn mặt cùng tấn công, toàn quân theo đúng trận đồ, không hề sai lạc. Giặc tan vỡ phải chạy dài, bị chém hơn một ngàn thủ cấp, bị bắt sống hơn sáu trăm tên. Tướng nhà Mạc lo sợ, thu nhặt tàn quân chạy về Kinh Ấp, quan quân (Nam triều) toàn thắng, kéo về Thanh Hoa ".


Lời bàn:

Kẻ đang mạnh mà nông nổi, thường quên rằng, mình cũng từng có lúc là kẻ yếu và nếu không như vậy thì biết đâu, đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ là kẻ yếu. Kẻ đang yếu mà nông nổi lại kém ý chí thì thường quên rằng, cũng đã có lúc mình từng là kẻ mạnh, và nếu không như vậy, thì biết đâu, đến một lúc nào đó, mình cũng sẽ là kẻ mạnh. Thiên hạ cứ đổ hết cho con tạo xoay vần, biết đâu, con tạo của ta cũng chính là ta vậy. Trong trận này, nhà Mạc nói chung và tướng Mạc Đôn Nhượng nói riêng, đúng là kẻ mạnh mà nông nổi, thảm bại thì có gì là lạ đâu. Nam triều quyết đánh suốt mấy chục năm trời để giành quyền bá chủ, thế cũng đáng gọi là có ý chí. Trịnh Tùng dùng quân ít mà đại thắng Bắc triều quân đông, thế cũng đáng gọi là có tài. Chỉ tiếc là Bắc triều hay Nam triều thì cũng đều là dòng dõi con Hồng cháu Lạc, nào có vẻ vang gì chuyện nồi da nấu thịt này đâu.

Đoạn sử này nhoè nhoẹt, hình như khi viết đến đây, sử gia xưa đã phải rầu rĩ, bất đắc dĩ mà gật đầu khen tài, để mặc cho dòng nước mắt nặng lòng thương đời chảy mãi.


(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)