Giải đáp vấn đề liên quan việc sở hữu nhà ở Việt Nam

Xin hỏi:  

  1. Năm 2003, vì chưa được phép đứng tên nhà đất ở VN, nên tôi đã nhờ em gái ruột tôi ở VN mua đất và cất nhà ở Cai Lậy - Tiền Giang. Em tôi đã sinh sống trên căn nhà đó cho đến nay. Em tôi có 02 con đã truởng thành, và chồng đã li thân sống riêng từ nhiều năm nay. Xin tư vấn cho tôi phải làm sao để sau này mọi nguời sẽ không đòi quyền/tranh chấp đất và căn nhà của tôi.
  2. Nay em tôi bằng lòng để tôi đứng tên sở hữu căn nhà và đất kể trên. Vậy luật pháp VN có cho phép không?
  3. Tôi có thể mua 01 căn nhà đã xây cất sẵn tại TP Long Xuyên - An Giang không?

 Trả lời:

1.      Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

·         Theo Điều 1, Luật số 34/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội ban hành về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên, thì có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các đối tượng này gồm:  a. Người có quốc tịch Việt Nam;…

·         Để chứng minh đối tượng là Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 và Điều 67 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài cần có các tài liệu sau đây: “ a. Đối với người có quốc tịch Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị; Sổ tạm trú hoặc giấy tờ xác nhận về việc đăng ký tạm trú tại địa phương;..”.

·         Liên quan đến số lượng nhà ở mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu, khoản 2 Điều 66 Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng nêu trên thì có quyền sở hữu (không hạn chế số lượng nhà ở tại Việt Nam) thông qua hình thức mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở hoặc được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (đối với dự án tại các khu vực được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức bán nền theo quy định của pháp luật về đất đai) để người mua xây dựng nhà ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.

Áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam trên đây, nếu bạn đã có  quốc tịch Mỹ nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và có hộ chiếu Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cấp thì bạn có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không hạn chế số lượng nhà ở.

2.      Thủ tục đứng tên sở hữu nhà:

Dựa trên các thông tin mà bạn cung cấp, bạn có thể thực hiện thủ tục sang tên sở hữu nhà từ em gái theo cách thức sau:

Để hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra, nếu bạn thuộc đối tượng và đáp ứng các điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam như đã đề cập ở điểm 1, bạn nên thỏa thuận với em gái (nếu em gái bạn đứng tên sở hữu ngôi nhà) để tiến hành giao dịch tặng cho hoặc chuyển nhượng lại căn nhà cho bạn.

Trong trường hợp em gái bạn đứng tên sở hữu nhà trong thời kỳ hôn nhân thì việc tặng cho ngôi nhà cần phải có sự đồng ý của chồng cô ta (việc hai vợ chồng em gái anh đang sống ly thân không làm mất đi quan hệ pháp luật hôn nhân trong đó có quan hệ tài sản).

3.      Sở hữu nhà ở tại TP Long Xuyên – An Giang:

Theo quy định của pháp luật về nhà ở đã phân tích ở điểm 1 và 2, bạn có thể sở hữu nhà ở tại TP Long Xuyên – An Giang.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội