Sự mẫn cảm của Gia Từ Hoàng hậu


Đến năm Đinh Tị (1377), Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, thua trận, chết trong đám loạn quân. Được tin này, bà Gia Từ Hoàng hậu liền cắt tóc đi tu, còn Thượng hoàng Trần Nghệ Tông thì quyết định lập con trưởng của Duệ Tông là Thái tử Hiện lên ngôi Hoàng đế. Đó là vua Trần Phế Đế (1377 - 1388). Thái tử Hiện lúc này mới được 16 tuổi, tài chưa đủ để cứu vãn cơ nghiệp đế vương họ Trần đang trên đà sụp đổ. Biết rõ điều đó, bà Gia Từ liền hết lời can ngăn, than khóc van xin Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đừng đưa con bà lên ngôi, nhưng Thượng hoàng không nghe. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 13 a) chép rằng:

"Hậu từ chối không được, bèn khóc lóc nói với những người thân thích rằng, con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn, nó đến phải tai họa vì việc đó thôi. Tiên hoàng xa lìa cõi thế, kẻ chưa chết này chỉ muốn chết theo, không muốn trông thấy việc đời nữa, huống chi lại phải nhìn thấy con mình sắp bị nguy hiểm nữa".

Lời tiên đoán của bà quả không sai. Hai năm sau khi bà mất, chính Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì nghe lời xúi giục của Hồ Quý Ly mà bắt giam Trần Phế Đế, giáng làm Linh Đức Công, sau lại còn ép phải thắt cổ tự tử chết một cách thê thảm.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : "Linh Đức được lập nên là do Nghệ hoàng, bị phế bỏ cũng do Nghệ hoàng. Trước, (Nghệ hoàng) bất chấp lời can của Hoàng hậu Lê thị (tức bà Gia Từ) là vì nghĩa, sau nghe lời gièm của Quý Ly là vì tư tình. Thế thì trước lập nên sao mà sáng suốt, sau phế bỏ sao mà ngu tối thế. Lại còn ép thắt cổ Linh Đức thì quá lắm".

Lời bàn:

Có bao nhiêu người bước vào hoạn lộ thì cũng gần như có bấy nhiêu người khát khao được thăng quan tiến chức. Có bao nhiêu người được thăng quan tiến chức thì cũng gần như có bấy nhiêu người hả dạ mừng vui. Thái tử Hiện được lên ngôi chí tôn mà mẹ đẻ là bà Gia Từ buồn rầu khóc lóc, chuyện ấy quả rất lạ. Bậc thông tuệ không bao giờ dám nhận những chức mà xét không đủ sức làm. Biết có thể mang họa vào thân mà vẫn nhận, kẻ háo danh xin hãy lấy sự mẫn cảm của Gia Từ Hoàng hậu để tự cảnh tỉnh mình.

Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần