Tất niên xóm - Một nét đẹp văn hóa

 



Xóm làng bình yên

 
Còn gần một tháng nữa mới đến Tết, nhưng xóm Trong (để phân biệt với xóm Ngoài) đường 26/3 - Khu phố 4A thị trấn Đạ Tẻh đã rộn ràng ăn tất niên. Hơn chục gia đình, mỗi người một quê, cùng quây quần. Già trẻ, lớn bé, đủ mọi lứa tuổi, không ai vắng mặt. Mỗi nhà góp 100 ngàn đồng, 5 người cũng 100, 3 người cũng 100. Từ sáng sớm, những người vợ, người bà đã lên thực đơn và cùng nhau đi chợ để mua được thực phẩm tươi ngon nhất.
 
Chiều đến, không khí náo nức bắt đầu, khi những đứa trẻ chạy ra chạy vào vui chơi với nhau, các ông chồng tập trung làm thịt gà, vịt; các chị vợ nấu nướng, nhặt, rửa; các cụ ngồi nhìn con cháu vui vầy. Vui nhất là khi mọi thứ đã thịnh soạn dọn ra. Có hơi “cay” vào, chuyện bày tỏ nghĩa tình nồng ấm xóm giềng cũng dễ được thốt lên… Một buổi chiều ấm cúng. Trẻ em ăn no tiếp tục đùa chơi với nhau. Các chị vợ lại vừa cùng nhau dọn dẹp cọ rửa, vừa chuyện trò. Các anh thì cứ “nâng lên, hạ xuống” đến khuya.
 
Anh Phong (37 tuổi) kể: “Lúc đó là uống nghĩa, uống tình, nên không ai say cả, nhưng đến tận hôm sau đi làm chủ nhà vẫn kêu: Mới sáng sớm mà sặc mùi rượu”. Để dự buổi tất niên xóm trọn vẹn, anh Phong sẵn sàng bỏ dự đám giỗ em rể mời, anh giải thích “Chẳng sao – vì đã là anh em, mỗi năm có nhiều cơ hội ngồi với nhau, còn tất niên xóm thì mỗi năm một lần, không thể vắng mặt”.
 
Quanh năm, ngồi lại với nhau một bữa, tình cảm ngày càng thắt chặt hơn, mọi điều đều chín bỏ làm mười để nhìn thấy nhau lại vui vẻ. Cũng chính vì những cuộc tất niên xóm mà dù mỗi người một quê, xóm của anh Phong ngày càng gắn bó với nhau. Ai cũng quan tâm đến nhau, đoàn kết như anh em.
 
Chuyện hơn chục gia đình trong xóm cùng nhau góp mỗi tháng mỗi hộ một triệu, ai cần thì lấy, lần lượt hết hộ này đến hộ kia là một câu chuyện cảm động về sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong tình nghĩa xóm giềng. Làm nghề thầu xây dựng, cứ có việc nhận thầu một công trình dù lớn dù nhỏ, anh Phong cũng gọi anh em trong xóm đi cùng làm, họ bảo ban nhau làm ăn để ai cũng có thể lo cuộc sống cho vợ con mình. Những đứa trẻ ở nhà thì chơi với nhau, đến giờ học thì cứ theo nhau mà đến trường.
 
Năm nay, con đường 26/3 được nâng cấp, từ một con đường đá rộng 4 mét, được mở rộng thành đường nhựa rộng 8 mét với 2 vỉa hè, hệ thống thoát nước kiên cố là niềm vui lớn cho bà con trong xóm. Xóm nghèo chuẩn bị lên phố. Sự đổi đời đó là một lý do để tất niên năm nay đến sớm và tưng bừng. Anh Phong tâm sự. Mấy năm trước đây, thường mỗi gia đình tự làm tất niên, ngoài mời những người ruột thịt thân cận, còn mời anh em xóm giềng “ra thấy mặt, vào thấy mặt” thế là sinh ra cảnh ròng rã trong một tháng, ngày nào cũng í ới gọi nhau “sang làm ly rượu”. Mình mời họ, họ mời lại mình, thế là luân phiên hết nhà này đến nhà khác, mất cả tháng vì ăn tất niên. Trong khi công việc xây dựng vào tháng cuối năm rất bận rộn.
 
Từ 3 năm nay, việc ăn tất niên xóm giúp cho cả xóm gặp mặt một bữa là xong. Vui vẻ, vẫn đầy đủ ý nghĩa, lại dành được thời gian cho công việc làm ăn…
 
Không riêng gì xóm của anh Phong, những ngày giáp Tết này, đi qua nhiều xóm thôn, ngõ ngách mới thấy không khí tất niên rộn ràng. Nhiều xóm còn bày cả đồ ăn thức uống ra đường giữa xóm để cúng đất trời, cầu mong cho “nhà nhà trong xóm năm mới được bình an, phát tài phát lộc, cả xóm no đủ”.
 
Chứng kiến những cảnh đó mới thấy con người thật gần gũi với nhau biết bao, tình nghĩa xóm làng mới đáng quý biết bao. Tưởng chừng trong thời kinh tế thị trường, quanh năm làm ăn bon chen, cái lối sống thờ ơ, lạnh lùng với nhau của người thành thị đã lan về đến xóm thôn. Nhưng không, ăn tất niên xóm là một nét đẹp văn hóa đã hình thành và đang lan rất rộng ra nhiều thôn xóm. Cái đạo nghĩa tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa, mua láng giềng gần của ông bà xưa để lại không bao giờ cũ, mà đang được hiện diện, phát huy trong mỗi xóm thôn ở Lâm Đồng - nơi mà cư dân ở mọi miền đất nước về đây sinh sống.

 Quỳnh Uyển (Lâm Đồng Online)