“Hồn Việt” trên đất nước triệu voi

Người Việt ở Lào

Chúng tôi đến nhà ông Trần Thanh Tịnh - Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Sêkông, Ủy viên Ban chấp hành Hội Việt kiều Lào. Vợ ông đang tất bật với công việc kinh doanh, sai con đi gọi ông về gấp. “Nghe tụi nó nói có khách lạ, tôi đoán là các anh ở quê sang, bởi lúc sáng trên đường đến nhà người bạn, tôi nhìn thấy một đoàn xe mang biển bên nhà” - ông Trần Thanh Tịnh tâm sự cùng chúng tôi với giọng nói đậm chất xứ “nẫu” (quê ông ở Tam Quan Bắc - Hoài Nhơn - Bình Định). Ông giục đứa con gái út đi pha trà, còn mình thì rót rượu mời khách.

Ông giới thiệu: “Đây là rượu Bầu Đá của quê mình đấy, tôi gửi mấy người buôn bán qua lại Việt - Lào mua hộ. Tôi có thói quen uống một vài cốc rượu vào buổi tối, nhưng phải là rượu Bầu Đá…”. Gia đình ông qua Lào sinh sống đã gần 30 năm, bươn chải nhiều nghề, và cuối cùng dừng lại ở việc kinh doanh nhà hàng ăn uống. Với lợi thế nhà nằm ở trung tâm thị xã Sêkông, trên trục đường lớn, diện tích rộng hơn 500m2, ông mở một nhà hàng bán các món ăn Lào và Việt. Thu nhập từ nhà hàng này đã đưa gia đình ông từ chỗ khó khăn vươn lên thành người khá giả ở đây.

 



 Ông Trần Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh Sêkông,
bên những vật kỷ niệm với quê nhà


Nhiều người Việt làm ăn sinh sống trên đất Lào tuy không giàu có, nhưng cuộc sống cũng khá sung túc. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại đặt chữ tín lên hàng đầu, nên người Việt được bà con người Lào tin tưởng, quý mến. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ Lào, nên ngày càng phát huy được tố chất thông minh, cần cù vốn có. Ở thị xã Attapư, chúng tôi đến ăn cơm tại nhà hàng Đức Lộc, tọa lạc trên khu đất rộng gần 1.000 m2, có đủ các món ăn Việt, Thái, Lào, Trung Quốc… Đức Lộc có 2 cửa hàng ăn, 1 khách sạn, có đội xe khách chạy tuyến Attapư - Gia Lai và ngược lại… Chủ nhà hàng là người Việt quê ở thành phố Vũng Tàu

Ông Trần Thanh Tịnh cho biết: Cộng đồng người Việt tại Lào ước tính có khoảng 25.000 đến 30.000 người, đến nay đã tới đời thứ 4, thứ 5, là một trong những cộng đồng ngoại kiều đông nhất tại Lào. Hiện ở thủ đô Viên Chăn có khoảng 7.000 người và có trên 8.000 người đang sinh sống và định cư ở các tỉnh Nam Lào, đông nhất là ở Champasak, với hơn 5.000 người, số còn lại ở Attapư và Sêkông... Trong cuộc sống hằng ngày, Hội Việt kiều là chỗ dựa tinh thần, là nơi để bà con gửi gắm tình cảm với nhau. Cứ 3 tháng chúng tôi tổ chức sinh hoạt một lần. Những vấn đề mà chúng tôi quan tâm là sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Chúng tôi đã vận động thành lập quỹ tương trợ những gia đình neo đơn, đau ốm, gặp khó khăn và ủng hộ đồng bào trong nước gặp thiên tai… Trong thời gian qua, Hội Việt kiều tỉnh Sêkông đã quyên góp và xây dựng Trường Hữu nghị Việt - Lào tại tỉnh Sêkông. Ngôi trường này đã đưa vào hoạt động được 3 năm nay, dạy song ngữ Việt - Lào. Trong chuyến công tác tại các tỉnh Nam Lào vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Bình Định đã đến thăm hỏi, động viên các giáo viên, học sinh và hỗ trợ nhà trường 30 ngàn USD để xây dựng văn phòng Ban giám hiệu. 
 
“Hồn Việt” trên đất Lào

Trong những ngày ở Lào, chúng tôi đã dành thời gian đi thăm thú nhiều nơi và một số gia đình người Việt đang sinh sống ở đây. Gặp đồng hương, ai nấy đều vui mừng, hồ hởi hỏi chuyện quê nhà. Qua câu chuyện với những người đồng hương nơi đất khách, chúng tôi đã cảm nhận một “hồn Việt” sâu đậm ở nơi đây.

Ở chợ Sáng - trung tâm thương mại của thành phố Pakse, gần một nửa quầy hàng là của những chủ nhân gốc Việt. Người Việt sinh sống ở các tỉnh Nam Lào khá đông, và hàng Việt Nam cũng chiếm số lượng khá lớn, chỉ đứng sau hàng Thái Lan. Những quầy hàng ở chợ Sáng và các cửa hàng trên đường phố đều bày hàng hóa thành nhiều khu vực: hàng Việt, hàng Thái và hàng các nước khác. Hầu như ở bất cứ tỉnh nào trên đất nước Lào, bà con cũng hình thành nên những quán cơm Việt, phở Việt, phục vụ các món ăn truyền thống của người Việt Nam. Tại Viên Chăn, chúng tôi tìm đến phố Lan Xang, nơi có nhiều quán ăn của người Việt để tìm món ăn quen thuộc. Chúng tôi vào quán phở Ngon của bà Trần Thị Thủy. Quán của bà trưng bảng hiệu bằng hai thứ tiếng Việt - Lào. Bà Thủy trạc ngũ tuần, là người Huế sinh sống trên đất Lào đã mấy chục năm nay… Bà cho biết có khá nhiều người miền Trung sinh sống ở đây thường tìm đến ăn mỗi khi nhớ hương vị quê nhà. Anh Tuấn, một người Bình Định làm ăn trên đất Lào ở ngay phố Lan Xang, nói: “Phở ở đây có vị khác với phở ở nhà, nhưng ăn cũng đỡ nhớ lắm. Sợi phở nhỏ hơn và có pha thêm chút hương vị Lào, nhiều mì chính và dĩ nhiên không mặn mòi như tô phở ở Quy Nhơn. Nhưng như thế cũng đủ để người miền Trung xa quê hương đỡ nhớ nhà”.

 



 Cô Phệt Xá Mơn, giáo viên Trường Dân tộc nội trú tỉnh Attapư


Không biết tiếng Lào, nhưng những ngày trên đất nước Triệu Voi, đi bất cứ nơi đâu chúng tôi cũng không sợ bị lạc đường, bởi ở đâu cũng có thể gặp đồng hương hoặc người Lào nói được tiếng Việt. Anh Nguyễn Bay, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, bảo rằng: “Đi công tác ở nước ngoài, sướng nhất là đi Lào. Người dân Lào luôn đối với người Việt Nam bằng một tình cảm đặc biệt, có nhiều người nói tiếng Việt rất trôi chảy nên được giao tiếp thoải mái bằng tiếng mẹ đẻ”.

Trong buổi làm việc với tỉnh Attapư, tình cờ tôi gặp gỡ được rất nhiều người Lào nói tiếng Việt. Sau khi tìm hiểu tôi biết được trong số những cán bộ lãnh đạo tỉnh này có rất nhiều người đã từng được đào tạo tại Việt Nam. Tiến sĩ Khăn Phăn Phôm Mạ Thặt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Attapư, được đào tạo tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Ông nói tiếng Việt khá chuẩn: “Những năm tháng ‘khổ luyện’, những chỉ bảo tận tình nhưng nghiêm khắc của thầy cô Việt Nam và những tấm lòng Việt Nam đôn hậu, rộng mở, không chỉ đem đến cho tôi kiến thức mà còn góp phần hình thành nhân cách, lối sống của tôi”.

Và cũng tại Attapư, chúng tôi còn gặp cô Phệt Xá Mơn, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Attapư. Cô tâm sự: “Để có công việc ổn định như hôm nay, tôi rất cảm ơn tỉnh Bình Định đã cấp học bổng cho tôi theo học Khoa Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn. Ký ức tốt đẹp trong những ngày học tập tại Quy Nhơn không thể phai mờ trong tôi. Tôi nguyện làm chiếc cầu nối về văn hóa và hợp tác kinh tế bền chặt giữa hai tỉnh Attapư - Bình Định.

Ngọc Thái (Báo Giáo dục và Thời đại)