Eo Gió - bài hát của đá và gió

Eo Gió là một eo biển đẹp hình vòng cung thuộc thôn Hưng Lương, xã bán đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sở dĩ gọi là Eo Gió hay Eo Cửa Gió vì đây là một cửa eo nhỏ mà đứng từ trên cao dễ dàng nhìn thấy hai dải núi đá cong hình vòng cung ôm lấy một góc biển khơi trông tựa như một cái phễu.



 Đường lên Eo Gió


Hoang sơ - kỳ vĩ

Những năm trước, để đến với Eo Gió không phải là điều đơn giản, phải đi ghe máy từ bến Hàm Tử vượt biển, nếu không phải băng qua đầm Thị Nại mênh mông rồi lội qua những đồi cát trập trùng, không một bóng nhà mới tới được Eo Gió. Nhưng bây giờ, từ khi cầu vượt biển Thị Nại hoàn thành (năm 2006) thì từ thành phố Quy Nhơn chỉ cần chạy xe 20km băng qua cầu Thị Nại là đến trung tâm xã Nhơn Lý, nơi có thắng cảnh Eo Gió.

Đường đến Eo Gió cũng thật đẹp và hoang sơ. Bạn hào hứng khi mình đang chạy trên cầu vượt biển Thị Nại, cây cầu dài nhất Đông Nam Á (2.500m). Đứng ở đầu cầu, gần như không thể nhìn thấy bên kia cầu bởi sự bao la của đầm Thị Nại, niềm tự hào của miền đất võ đầy nắng và gió. Đứng ở trên cầu, nhìn ngược lại, thành phố Quy Nhơn trông thật yên bình bên biển xanh. Tiếp tục chạy xe, một cảm giác bồng bềnh khó tả khi gió từ biển thổi mát rượi, ven đường là những đồi cát trắng xóa tràn ra cả mặt đường. Đường dài hun hút, không một mái nhà, chỉ màu trắng của cát hòa lẫn với màu xanh ngắt của mây trời và xanh đậm của những rặng phi lao ven đường. Khung cảnh hoang sơ đến huyền bí.

Tưởng như đã thưởng thức no nê vẻ đẹp đặc trưng vùng biển thì khi leo lên hết con đường mòn mấp mô, chênh vênh để tận mắt mục sở thị Eo Gió, bạn chỉ biết ngỡ ngàng trước cảnh sơn thủy hữu tình; cảm giác mệt mỏi tan biến, thay vào đó ta dần thấy mát lạnh khi những cơn gió biển lọt vào eo xâm chiếm cả khu này. Eo Gió đẹp bởi những rặng núi đá cao chót vót với đủ hình thù kỳ quái chạy lan ra trùng dương. Núi ôm biển, biển vờn quanh núi, sóng xô vào bờ như đang hát lời ru dạt dào, xa xa thấp thoáng dáng con thuyền, chập chờn đàn chim tung cánh. Từ trên cao quần thể Eo Gió trông đầy gợi cảm mà cũng thật hoang sơ, kỳ vĩ.

Là một trong những thắng cảnh nổi bật nhất Bình Định nhưng Eo Gió hầu như vẫn chưa có bàn tay tác động của con người. Những dịch vụ du lịch không phát triển nên chỉ mất tiền gửi xe ở những hộ dân quanh đó rồi ta tha hồ tự do thưởng ngoạn vẻ đẹp của biển trời bao la và những đường cong tuyệt đẹp của núi đá vẫn còn trinh nguyên, hoang sơ.

Bài hát của đá và gió

Lên đến đỉnh, điều đầu tiên bạn cảm nhận được là những dải núi đá uốn cong như một cái phễu hút gió từ biển rồi chạm vào những vách đá thổi ngược lại lồng lộng cho cảm giác mát lạnh. Ta nghe rõ âm thanh của gió rít bên tai hòa với tiếng sóng vỗ dịu êm, thi vị hơn bạn ngửi thấy cả mùi chát mặn của biển cả.



 Eo Gió nhìn từ trên cao


Eo Gió tựa như một bài hát do đá và gió tạo nên. Những âm thanh du dương của gió rít vào những vách đá, tiếng sóng biển nhè nhẹ dạt dào ngày đêm mãi xô vào bờ, thi thoảng đâu đấy là tiếng xôn xao của đàn chim từ những hang động bay ra. Tất cả tạo thành một bài hát đầy chất thơ, nghe rất êm tai.

Chính đá mới là nhân tố làm nên vẻ đẹp quyến rũ, man dại của Eo Gió. Đá nơi đây lởm chởm từ đỉnh cao vút chạy đến bờ thoai thoải; đi dọc theo chân núi là đến bãi Đá đẻ với rất nhiều đá lớn nhỏ được sóng mài phẳng lì. Sở dĩ gọi là Đá đẻ vì cứ nhặt đi lại thấy đá như “mọc” ra nhiều hơn. Từ Đá đẻ nhìn ra biển là những cụm đá lớn nổi trên mặt nước, đủ hình thù kỳ quái cho bạn thỏa sức tưởng tượng. Những cụm đá hình thành nên những hòn đảo nhỏ như hòn Mòng, hòn Cỏ, hòn Cân... Mỗi hòn mang một dáng dấp khác, chẳng hạn như hòn Mòng người dân nơi đây coi như con cá sấu vươn mình ra biển cả hay con trâu đang ngụp lặn tắm mát.

Dọc theo những vách núi, ta còn bắt gặp những hang động nhỏ mà thiên nhiên vô tình kiến tạo ra; nào là hình hàm ếch, hình vòm... với những nhũ đá đa dạng màu sắc, gợi cảm. Đứng nơi đây vãn cảnh và chụp vài bức hình quả là tuyệt vời. Thú vị hơn, ở đây còn có giếng tiên, là một con suối nhỏ như dải lụa vắt bên vách núi; nước suối mát ngọt và trong vắt. Còn gì tuyệt hơn hơn sau khi chơi với đá, tắm biển rồi ngâm mình trong giếng tiên thả hồn theo mây gió, hệt như chốn tiên cảnh.

Biển bao la mang theo gió, sóng vỗ vào đá, gió cuốn lấy đá tạo nên nét đẹp Eo Gió, tạo nên một bài hát du dương, êm dịu...

(Theo Tuổi Trẻ)