Người tranh đấu cho nỗi đau da cam

Xuất thân là một bác sĩ sản phụ khoa, nên ngay từ những năm 70 của thế kỉ trước, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã từng phải chứng kiến nhiều trường hợp trẻ sơ sinh Việt Nam bị dị dạng nhưng chưa rõ nguyên do. Mang trong lòng nỗi niềm thương xót trước những sinh linh bé bỏng, BS Phượng đã cất công tìm đọc rất nhiều tài liệu y khoa để mong tìm hiểu nguyên do về hiện tượng lạ này. Và trong một lần như vậy, bà đã tình cờ đọc được một bản báo cáo khoa học về chủ đề này do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ công bố vào năm 1974. Sau khi đọc xong, bà bắt đầu nghi ngờ rằng dường như những trường hợp quái thai ở Việt Nam có liên quan đến hóa chất độc hại do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Để lí giải cho sự nghi ngờ này, năm 1982 bà đã thực hiện một nghiên cứu trên 1000 hộ gia đình ở xã Thanh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Kết quả cho thấy, những người sống trong vùng bị rải chất độc da cam sinh ra con dị tật cao gấp 3 - 4 lần. Năm 1983, bác sĩ Phượng đã cho công bố báo cáo này trên một tạp chí khoa học của Anh. Và cũng từ đó bà bắt đầu quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với người Việt Nam.



 GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng


GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân
chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sản Phụ
khoa Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh
Tp. Hồ Chí Minh.
- Sinh năm 1944 tại Biên Hòa - Đồng Nai.
- Tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa. Năm 1994 được bầu 4 cấp ở Hội đồng các giáo sư y khoa Pháp, được Tổng thống Pháp ký công nhận Giáo sư Y khoa.
- Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII (1987-1992)
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa IX (1992-1997).
- Giám đốc Viện Tim Tp. Hồ Chí Minh (1989 - 1991).
- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ Tp. Hồ Chí Minh (1990 - 2005).
- Năm 2000 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
- Năm 2004 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
- Là thành viên của: Ban cố vấn về sức khỏe vùng châu Á (Advisory Board on Womens Health in Asia), Hội ASPIRE (Asia Pacific Initative on Reproductive Endocrinology), Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ...
Sau này, khi ở trên cương vị Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Tp. Hồ Chí Minh và Việt Nam, bà đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ra thế giới, cũng như nỗ lực đấu tranh đòi công lí và lẽ phải cho họ. Trước nỗ lực của GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 15/5/2008, Hạ viện Mỹ đã phải mở phiên điều trần với chủ đề: “Trách nhiệm bị lãng quên! Chúng ta phải làm gì cho các nạn nhân da cam”. Tại phiên điều trần này, GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chính là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được vào Hạ viện Mỹ để trình bày về vấn đề này.

Tại phiên điều trần lần thứ ba diễn ra vào ngày 15/7/2010, GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã kêu gọi Quốc hội Mỹ, các công ty hóa chất Mỹ cần phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Bác sĩ Phượng cho biết, con đường đấu tranh đòi công lí cho các nạn nhân da cam/dioxin của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã bắt đầu có những kết quả bước đầu. Chẳng hạn như tại phiên điều trần lần thứ ba, đại diện chính quyền Mỹ cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc cải tạo môi trường, khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra. Trước mắt, chương trình hành động giai đoạn 2010 - 2019 do Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ về da cam/dioxin sẽ hỗ trợ 300 triệu USD (30 triệu USD/năm) để Việt Nam cải tạo những vùng đất bị ô nhiễm và tái phục hồi môi sinh bị hủy hoại, mở rộng dịch vụ giúp đỡ nạn nhân…



 GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (giữa) thăm cặp song sinh Việt - Đức
bị dính liền nhau do di chứng da cam/dioxin tại Bệnh viện Hội Chữ Thập Đỏ
 Tokyo, Nhật Bản, năm 1986  (
 Ảnh: Tư liệu)




 GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng thăm các cháu bị di chứng da cam/dioxin.
(Ảnh: Tư liệu)


Nhắc tới GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, mọi người còn biết đến công lao gây dựng hệ thống 13 làng Hòa Bình, nơi chăm sóc và nuôi dạy trẻ bị nhiễm chất độc da cam và trẻ khuyết tật của Việt Nam.

Bên cạnh những cố gắng không biết mệt mỏi vì nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn được biết đến như một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực sản phụ khoa. Bà là người đầu tiên mang kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ Thái Lan về Việt Nam, xây dựng khoa chuyên sâu sơ sinh, thành lập ngân hàng tinh trùng, xây dựng mô hình lớp đào tạo “cô đỡ thôn bản” để tạo kĩ năng đỡ đẻ cho phụ nữ các vùng dân tộc thiểu số...

Nay tuy đã gần 70 tuổi, nhưng GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn thường xuyên thực hiện nhiều chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện cho đồng bào nghèo ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Để kết thúc cho bài viết này, chúng tôi xin trích lời phát biểu của GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tại phiên điều trần lần thứ ba về chất độc da cam/dioxin của Hạ viện Mỹ vào ngày 15/7/2010 để thấy được tấm lòng và những nỗi niềm day dứt không nguôi của bà: “Các nạn nhân mang bệnh ung thư và những bệnh khác do dioxin gây ra đang chết từng ngày. Và hàng ngày, những sinh linh bé bỏng, mong manh lại được sinh ra với những dị tật bẩm sinh. Họ phải được trả lại công lí, phải được bồi thường thỏa đáng cho nỗi đau mà họ và gia đình phải gánh chịu”./.


(Theo BAVN)