Giải đáp thắc mắc về việc kết hôn với người VN ở nước ngoài

Xin hỏi:

  1. Tôi cần phải làm những thủ tục gì ở Việt Nam và chồng tôi cần thủ tục gì để gia đình tôi sớm được đoàn tụ? Khoảng bao lâu tôi sẽ đoàn tụ được với chồng?
  2. Nếu như đứa con trong bụng đã chào đời mà các thủ tục vẫn chưa xong thì sau này con tôi cần thủ tục gì để được đoàn tụ với ba của cháu? 

Trả lời:

1. Theo quy định pháp luật, do bạn và chồng tương lai chưa đăng ký kết hôn nên hai bạn chưa được coi là vợ chồng hợp pháp.

Vì vậy, hai bạn cần làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định về hôn nhân gia đình của Việt Nam hoặc của nước mà chồng tương lai của bạn mang quốc tịch (Anh Quốc).

Theo quy định pháp luật về quốc tịch ở Việt Nam, chồng tương lai của bạn là Việt kiều (hay còn gọi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài) và mang quốc tịch Anh, vì vậy có thể được xác định là công dân Anh hoặc công dân Việt Nam (nếu chồng tương lai của bạn còn giữ quốc tịch Việt Nam).

Nếu chồng bạn vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, hai bạn có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan địa phương theo quy định về kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau.

Nếu chồng bạn không còn quốc tịch Việt Nam, mà chỉ còn quốc tịch Anh quốc, khi đó việc kết hôn của bạn sẽ mang yếu tố nước ngoài và hai bạn phải làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Sở tư pháp (nếu kết hôn tại Việt Nam), hoặc cơ quan Ngoại giao, lãnh sự Việt Nam (nếu kết hôn tại nước ngoài) theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, và Nghị định 69/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 68/2002/NĐ-CP.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, hai bạn đã có thể đoàn tụ.

Đối với con của bạn với chồng trước, sau khi có ý kiến đồng ý của bố cháu bé, hai bạn có thể tiến hành thủ tục để chồng bạn nhận đứa con của bạn với chồng trước làm con nuôi để con bạn có thể trở thành thành viên chính thức trong gia đình mới của bạn. Khi đó, chồng mới của bạn cũng sẽ có trách nhiệm cùng bạn chăm sóc nuôi dưỡng con.

Ngoài ra, hai bạn cần thực hiện các thủ tục khác liên quan đến việc định cư tại Việt Nam cho chồng bạn (nếu gia đình bạn muốn định cư tại Việt Nam), hoặc các thủ tục liên quan tới việc xuất nhập cảnh và định cư của bạn và các con của bạn (nếu gia đình bạn muốn định cư tại nước khác) để có thể ổn định cuộc sống về lâu dài.

Thời gian thực hiện các thủ tục trên tùy thuộc vào quy định pháp luật của từng nước mà bạn chọn để áp dụng (theo pháp luật Việt Nam hoặc Anh Quốc).

2. Trường hợp nếu đứa con trong bụng bạn đã chào đời mà thủ tục đăng ký kết hôn giữa bạn và chồng tương lai của bạn vẫn chưa được thực hiện xong thì bạn vẫn làm thủ tục khai sinh cho cháu bé tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nơi cư trú của bạn theo quy định tại mục I, chương II của nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Trường hợp của bạn và con bạn sẽ thuộc trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú do con sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân của hai bạn.

Khi làm thủ tục cần kèm theo giấy nhận con của chồng bạn (có thể kèm kết quả giám định ADN của chồng bạn và cháu bé) để tên chồng bạn được ghi vào phần người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của cháu bé. Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, hai bạn có thể nộp cho cơ quan nhà nước đã cấp giấy khai sinh cho cháu bé xin xác nhận lại và căn cứ vào Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ, gạch bỏ phần ghi chú "con ngoài giá thú" trong Sổ đăng ký khai sinh. (Theo Điều 9 Nghị định 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn).

Nếu khi làm giấy khai sinh cho cháu không ghi tên cha trong sổ đăng ký khai sinh thì sau đó chồng bạn phải làm thủ tục nhận con theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

Cụ thể, chồng bạn phải nộp hồ sơ tại sở tư pháp tỉnh/thành phố nơi con bạn đăng ký cư trú.

Hồ sơ gồm: 

- Đơn xin nhận con theo mẫu.

- Bản sao giấy CMND hoặc hộ chiếu của người nhận và người được nhận.

- Bản sao giấy khai sinh của người được nhận.

- Bản sao hộ khẩu của người được nhận.

Sau khi xem xét, thẩm tra hồ sơ, sở tư pháp tiến hành xác minh, báo cáo và trình UBND tỉnh/thành phố ký quyết định. Trong vòng 7 ngày kể từ ngày UBND tỉnh/thành phố ký quyết định công nhận, sở tư pháp tiến hành trao quyết định cho các bên đương sự. 

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội