Cần làm thủ tục gì để được nhập quốc tịch Việt Nam?

1/ Tôi muốn mang xe máy (2 bánh) phân khối lớn 600 cc đã qua sử dụng từ Thái Lan sang Việt Nam có được không? Tôi có được miễn thuế không?

2/ Tôi muốn mang 1 bộ loa 2.1 (loa vi tính) giá 200 $ sang Việt Nam thì đóng thuế thế nào?

3/ Tôi cần làm thủ tục gì để được nhập quốc tịch Việt Nam?

Trả lời:

1. Mang mô tô phân khối lớn đã qua sử dụng vào Việt Nam:

Thông tư số 06/2007/TT-BTM hướng dẫn việc nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175 m3 trở lên, tại điểm 5 Mục I quy định: “Cấm nhập khẩu mô tô các loại đã qua sử dụng”. Do đó, bạn không được mang xe mô tô phân khối lớn 600 cc đã qua sử dụng vào Việt Nam.

2. Đóng thuế khi mang loa vi tính vào Việt Nam:

Căn cứ vào Định mức hành lý được miễn thuế của người nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 66/2002/NĐ-CP Quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế thì hành lý người nhập cảnh được miễn thuế gồm các vật phẩm không nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện, có tổng trị giá không quá 5 triệu đồng Việt Nam. Nếu bạn xác định bộ loa trong loại hành lý này thì được miễn thuế nhập khẩu và bạn chỉ phải đóng thuế VAT.

3. Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam:

Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có quy định về thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

“1. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội