Phiên họp toàn thể lần thứ 13 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

 Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.  Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ngày 30/3, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13, cho ý kiến vào điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (Chương trình).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 5 trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 5 dự án, gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 5 dự án, đây là các dự án đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 như trên.

Bên cạnh đó, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; trình Quốc hội cho ý kiến đối với với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đối với Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình 18 dự án luật.

Cụ thể, sáu dự án luật (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6) gối sang năm 2024 (thông qua tại kỳ họp thứ 7), trong đó có hai dự án luật đã được Quốc hội quyết định trong Chương trình năm 2023 và bốn dự án luật mới được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023.

Ngoài ra, 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2024 (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8). Trong đó, Chính phủ đề nghị 7 dự án luật, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị một dự án luật (là Luật Tư pháp người chưa thành niên), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị một dự án luật (Luật Công đoàn sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị một dự án luật (Luật Bản dạng giới).

Cùng với đó là hai dự án luật được Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Qua nghiên cứu các Tờ trình của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật nhận thấy có 20/25 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết gắn với 20 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã rất khẩn trương triển khai công tác rà soát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch triển khai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá cao cố gắng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong thực hiện quyền trình đề nghị xây dựng dự án Luật.

Liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết dự thảo Luật quy định rõ hơn, cụ thể hơn tính công khai, minh bạch về tài chính công đoàn; đảm bảo phù hợp với định hướng cho hoạt động tổ chức công đoàn.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quyền gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức, người lao động; bổ sung về những hành vi bị cấm, các vấn đề liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cấp công đoàn và điều kiện đảm bảo điều kiện hoạt động của công đoàn.

Các đại biểu cho rằng việc đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào Chương trình là cần thiết vì nội dung này được chuẩn bị từ năm 2018, nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được.

Đến nay đã có nghị quyết của Trung ương về vấn đề Công đoàn nên đề nghị đưa vào Chương trình.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đảm bảo theo đúng tiến độ là trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Theo chương trình, tại phiên họp thứ 13, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xem xét Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Pháp luật năm 2022./.

Phan Phương / TTXVN/Vietnam+