Nhà sàn đá độc đáo của người Tày nơi biên cương

 Nhà cộng đồng của dân làng Khuổi Ky là nhà sàn bằng đá, đã được đưa vào làm dịch vụ homestay của làng. Ảnh: Thanh Thuận

Phong tục linh thiêng nơi biên cương Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, nhiều núi non trùng điệp, nên từ xa xưa, người Tày ở đây đã coi đá là khởi nguồn của sự sống, là trung tâm của vũ trụ. Họ tin có thần trú ngụ trong đá. Người Tày quan niệm: Con người sống cùng với thế giới hiện hữu còn có một thế giới vô hình, ở đó, có các thần linh khắp mọi nơi dõi theo và phù trợ cho thế giới của người sống. Do đó, ngoài thờ các vị thần như thổ công, thần cây, thần sông..., người Tày còn thờ thần đá.

Trong những ngôi nhà của nhiều gia đình người Tày, thần đá được thờ cúng như một vị thần và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống sinh hoạt của họ. Khi người nhà bị ốm, trẻ con giật mình quấy khóc hoặc khóc về đêm..., bà con cho rằng, vía họ quá nhẹ nên nhờ thần đá giữ hộ. Đá vững vàng trong mưa gió không suy chuyển nên hồn vía dựa vào đá sẽ vững vàng.

Có thể thấy, đá hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người Tày. Đó là những hàng rào đá được xếp rất khéo léo, chắc chắn trên các con đường dẫn vào làng, ngõ xóm, phía trước nhiều ngôi nhà, ngoài ruộng nương. Người ta còn dùng đá làm các vật dụng như ang chứa nước, cối xay, cối giã gạo, bếp... và dùng để bao quanh các ngôi mộ. Trong tâm thức của người Tày, đá gắn bó với con người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi.

Theo bà Hoàng Thị Liễu, dân tộc Tày, ở xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, thần đá còn giúp con người che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên. Thờ thần đá hộ mệnh và giữ rừng thiêng thì được thần và rừng bảo vệ. Những khi trời mưa như trút, nước đổ ầm ào nhưng lúa, ngô trên nương rẫy không bị trôi vì bên trên có rừng ngăn nước, có hàng rào đá giữ đất... Bởi thế, những bức tường đá vẫn vững chắc tồn tại qua thời gian.

Việc thờ cúng thần đá của người Tày khá đơn giản, có thể chỉ là một mâm cúng gồm rượu, gà hoặc vịt, tiền âm phủ, thậm chí, chỉ cần một vài nhánh hương trầm cũng được. Vào các ngày rằm và mùng 1 hằng tháng hay ngày trọng đại của gia đình, “thần đá” được quan tâm đặc biệt. Đây là dịp người dân tỏ lòng thành kính và biết ơn với vị thần đá mà họ tôn sùng. Trải qua quá trình phát triển của đời sống xã hội, niềm tin vào vai trò giữ yên cửa nhà của thần đá, đá như một linh hồn sống, mãi mãi gắn bó với con người đã trở thành tín ngưỡng thờ cúng của người Tày, chứa đựng trong đó nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc.

Độc đáo nhà sàn đá miền sơn cước

Rong ruổi nhiều nơi ở Cao Bằng, có thể bắt gặp nhiều ngôi nhà được xây dựng bằng đá, dù đã nhuốm màu thời gian vẫn trường tồn vững chãi. Có ngôi nhà được xây bằng đá đã hơn 100 tuổi. Lịch sử còn ghi, vào những năm cuối thế kỷ XVI, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ biên cương, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được dựng lên dành riêng cho những bậc quyền quý. Cứ thế, những đời sau đều giữ việc dựng nhà sàn đá của cha ông.

Theo chân Thượng tá Mê Văn Đạt, cán bộ Biên phòng tăng cường giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tôi được biết đến một ngôi làng của người Tày, đẹp như tranh vẽ, cách thác Bản Giốc chỉ hơn 1km. Đó là ngôi làng Khuổi Ky ở xã Đàm Thủy. Điểm đặc biệt là tất cả những ngôi nhà sàn trong làng đều được làm bằng đá. Khi chúng tôi đến nơi đã là chiều muộn, khói bếp từ những ngôi nhà sàn đá bay ra, bảng lảng bên sườn núi, khiến bản làng trở nên cổ kính, nhuốm màu huyền thoại miền biên viễn.

Làng Khuổi Ky trải rộng trên diện tích khoảng 1ha, với 14 nóc nhà sàn đá, lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky quanh năm róc rách tiếng suối chảy. Có thể thấy, nhà sàn ở làng Khuổi Ky được tạo tác khá đẹp mắt với tường và cầu thang dẫn lên nhà sàn được làm bằng đá rất chắc chắn. Ngôi nhà thường cao từ 7 đến 8m. Nhà sàn có 2 mái, được lợp ngói âm dương, cột nhà được tạo nên từ các khối gỗ lim, bên dưới là các phiến đá được đẽo tròn kê chân cột. Bên trong nhà, được chia thành các ngăn tương ứng với không gian sinh hoạt của gia đình như gian bếp lửa, gian thờ cúng tổ tiên, phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Bên dưới sàn có độ cao khoảng 2m là nơi để nông cụ. Trước cửa hoặc bên hiên nhà có sàn phơi ngô, thóc...

Chúng tôi dừng chân tại nhà cụ Nông Văn Tâm (72 tuổi) khi cụ đang treo những bó lúa nếp tròn mẩy lên cái sào dài trước hiên nhà. Cụ Tâm cho biết: “Để hoàn thành một ngôi nhà sàn bằng đá phải mất từ 2-3 năm. Sau khi đã chọn được vị trí làm nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp từng viên đá. Trước đây, người thợ thường dùng vôi đã tôi hòa với nước và mật mía, cát để làm vật liệu dính các viên đá với nhau. Vì những viên đá có kích thước, trọng lượng khác nhau nên việc xếp những hòn đá thành tường khi xây nhà vô cùng khó khăn. Khó khăn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Để xếp được một bức tường bằng đá khi làm nhà, người thợ phải mất vài tháng”.

Anh Nông Văn Thơ, chủ homestay Quang Thuận chia sẻ: “Ngôi nhà sàn đá của tôi được xây dựng hơn 50 năm. Khi xã Đàm Thủy có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, làng Khuổi Ky được chọn làm điểm, gia đình tôi đã vay vốn, tu sửa ngôi nhà, mua sắm thêm các vật dụng để phục vụ lưu trú, ăn nghỉ cho du khách khi có dịp đến tham quan thác Bản Giốc. Rất nhiều du khách đến đây thăm phong cảnh, lưu trú đã rất thích thú khi được nghỉ trong ngôi nhà sàn bằng đá truyền thống này”.

Đến nay, dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử và thời gian, những ngôi nhà sàn đá vẫn trường tồn vững chãi, trở thành biểu tượng văn hóa của người Tày, ẩn chứa những phong tục tập quán truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ của đồng bào Tày gắn bó, dựng xây biên giới.


Theo bienphong.com.vn