Tản mạn về tình yêu


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Như duyên như phận, như lời hẹn ước để rồi chàng trai xứ Nẫu ngày ấy trở thành công dân phố núi nắm tay tôi cùng đi qua những chặng đường, đi qua biết bao mùa Valentine…; nay nhìn các cặp đôi hẹn hò dạo phố, các đoạn đường tràn ngập hoa hồng và socola, lại thấy cuộc đời càng trở nên thi vị và đáng yêu, đáng sống biết nhường nào!

 Mà đâu cứ phải đến ngày lễ tình nhân trai gái mới hẹn hò, chỉ là đến ngày này dường như tình yêu mới bay bổng, mới lãng mạn hơn, là cái cớ để đôi lứa tặng quà cho nhau, là cái cớ để trao cho nhau những gì muốn nói… Có ai đó cho rằng, tình yêu thời 4.0 khác xa với thời xưa. Tất nhiên rồi, mỗi thời mỗi khác mà. Song, cho dù ở thời đại nào, cách thể hiện tình yêu tuy khác nhau nhưng đã là tình yêu thì luôn đẹp, bởi vốn dĩ tình yêu là cái Đẹp.

Nếu ai đó nói tình yêu không phải là cái đẹp thì chắc chắn đó không phải là tình yêu mà chẳng qua là lợi dụng hai chữ tình yêu, giả danh hai chữ tình yêu để làm những điều xấu xa, dối trá mà thôi. Điển hình say mê cái đẹp như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời triết lý bất tử về tình yêu: “Sống trên đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Làm sao nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.

Vâng, tình yêu luôn đẹp, dẫu tròn hay khuyết, hạnh phúc hay đắng cay, bồng bột hay sâu sắc, dại khờ hay chín chắn… Chả thế nên trong tôi chưa bao giờ hết đam mê những áng văn đẹp về tình yêu. Là hình ảnh mỏi mòn của nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá. Là chén ngọc vỡ tan thành nước bởi giọt lệ của nàng Mỵ Nương nhớ thương Trương Chi. Là nàng Mỵ Châu ngây thơ, si mê, oan uất ngờ đâu mình là quân cờ chính trị của kẻ thù. Nếu như nhà thơ Tố Hữu có ý trách cứ Mỵ Châu: “Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”, thì nhà thơ Vương Trọng lại cảm thông và thấu hiểu cho tình yêu của công chúa: “Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa/ Yêu chân thành có tội gì đâu”.

Đó là truyền thuyết nói về tình yêu như vậy. Còn đời thực đôi khi cũng chẳng kém gì truyền thuyết. Ai đã đi qua thời chiến tranh sẽ thấy tình yêu thời chiến đẹp tựa cổ tích bởi những người mẹ, người vợ, những cô gái hy sinh cả tuổi xuân để chờ đợi người đàn ông của mình: “Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/ Chị ngồi bên mâm cơm bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi thanh xuân trong má lúm đồng tiền” (Hữu Thỉnh). Đúng là, lịch sử đã chở nặng tình yêu đong đầy nỗi đau, nước mắt của bao người phụ nữ nơi xứ sở hình chữ S.

Nhiều người nói rằng, giới trẻ bây giờ yêu đương thực dụng, táo bạo, đã không còn nặng nề những quan điểm“nam nữ thọ thọ bất tương thân” hay thẹn thùng ngập ngừng kiểu: “Con gái yêu rồi thì cứ lặng im/ Con trai yêu rồi không giấu được cái nhìn bối rối”, và cũng chẳng thể nào khi chia tay cứ mãi tiếc nuối dông dài đỗ lỗi: “Tại vầng trăng tại anh hay tại em?/ Tại sang Đông không còn hoa sữa/ Tại siêu hình tại gì không biết nữa/ Tại con bướm vàng có cánh nó bay” Mỗi giai đoạn mỗi khác, các chàng trai bây giờ đã bản lĩnh, táo bạo hơn, những cô gái cũng không còn ép mình theo khuôn khổ giáo lý khắt khe, họ sẵn sàng bày tỏ: “Anh có đồng ý hẹn hò với em không?” chứ không nhất nhất ngồi chờ “trâu đi tìm cọc”.

Tản mạn về tình yêu chẳng bao giờ hết được, thôi thì dành cho bạn đọc có cảm hứng viết tiếp dòng chảy bất tận về đề tài này!

Hạnh Phước