Đặc sắc tế cá trắm và thi cỗ ở di tích Đền Gin

 

Theo sử sách và truyền thuyết dân gian ghi lại thì năm Đinh Mão (967), Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm trao binh quyền ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình ngày nay), với tiềm lực quân sự ngày một lớn mạnh Đinh Bộ Lĩnh liên tục đánh bại Lã Đường ở Tế Giang, Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt, Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang… Khi đó thành Phong Châu (Phú Thọ), nơi Sứ quân Kiều Công Hãn đóng giữ bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh vây hãm. Trong tình thế nguy cấp, Kiều Công Hãn đã đem vài trăm thân binh mở đường máu, thoát vòng vây chạy về phía Nam. Sáng ngày 10 tháng Chạp năm Đinh Mão (967), Kiều Công Hãn chạy đến vùng đất Thượng Hiền. Tại đây Lê Khai và Nguyễn Tấn đã bố trí sẵn lực lượng đón đánh, ông bị thương vừa phải chống trả, vừa tháo chạy. Đến Vũng Lẫm (xã Đồng Sơn ngày nay) thì sức đã kiệt, ông quay ngựa trở lại tới thôn An Lũng (xã Nam Dương ngày nay). Ông được bà hàng nước tên là Phạm Thị Già cứu giúp, dâng rượu và gỏi cá trắm. Ăn xong ông chạy đến Lũng Kiều, xã Hiệp Luật (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương) thì kiệt sức và mất tại đây. Sáng hôm sau mối đùn thành mộ che kín khắp người. Nhân dân gọi là mộ thiên táng. Tương truyền sau khi ông mất, nhân dân bốn xã: Bái Dương, Tang Trữ, Cổ Lũng, Hiệp Luật lập đền thờ ngay trên phần mộ cũ (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương). Nhân dân còn lập một miếu nhỏ phía ngoài cổng đền để thờ bà Phạm Thị Già, người có công dâng rượu và gỏi cá trắm cho ngài ăn trước khi hóa.

Tưởng nhớ công lao của tướng công, nhân dân nhiều địa phương đã xây dựng đền thờ; hiện nay có 72 ngôi đền thờ tướng công, kéo dài từ Phong Châu, Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ về tới tỉnh Nam Định; trong đó trên địa bàn huyện Nam Trực có 2 nơi là Đền Gin, thôn Chiền, xã Nam Dương và Đền Tây Lạc, xã Đồng Sơn. Thời kỳ chống quân giặc Tống xâm lược, Vua Lê Đại Hành dẫn quân đi qua đây, nghỉ đêm, nhà vua mơ thấy Kiều Công Hãn báo mộng phò giá giúp vua đánh giặc Tống. Thắng trận Vua Lê Đại Hành đã trở lại cho cấp ruộng, sắc phong làm Thành Hoàng. Các triều đại phong kiến về sau đều cấp tế điền và tu sửa đền cho khắc bia đá ghi việc, ban hành Sắc phong “Long Kiều linh thánh”.

Đền Gin là công trình kiến trúc có quy mô lớn được bố cục đăng đối, hài hoà, toạ lạc trong một khuôn viên rộng 3.290m2. Đền Gin hiện còn bảo lưu được gần như trọn vẹn kiến trúc cũ theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17-18. Hiện vật được lưu giữ tại di tích khá phong phú và đa dạng, nhất là các cổ vật thời Hậu Lê, thời Nguyễn như: thần tích, sắc phong, nhang án, ngai và bài vị, tượng thờ, nghê đá...

Tại đây hàng năm dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Đây là một trong 10 lễ hội tiêu biểu của tỉnh, diễn ra vào các ngày mùng 8, 9, 10 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm với các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc như rước kiệu, rước nước, hát chèo, tổ tôm điếm, chọi gà... Đặc biệt, trong lễ hội có tục “tế cá trắm” nhắc nhớ đến sự tích nhân dân địa phương đã dâng gỏi cá trắm cho tướng công Kiều Công Hãn khi ngài bị vây đánh.

Trong lễ hội Đền Gin, phần rước lễ trong ngày chính kỵ tại Đền Gin là nghi lễ quan trọng nhất, có số kiệu nhiều nhất, số người tham gia đông nhất với đầy đủ các sản phẩm, lễ vật và có sự tham gia của các vị chức sắc trong 2 xã Nam Dương và Bình Minh. Đi đầu mỗi đoàn rước kiệu của các xã là đội múa rồng sau đó đến múa lân, tiếp theo là đội cờ, đội bát âm, kiệu bát cống được 4 chàng trai khoẻ mạnh khiêng, trên kiệu được đặt một mâm đồng lớn đặt 3 con cá trắm đen còn sống, con nhỏ nhất khoảng 5kg, con lớn nhất khoảng 10kg. Đi hai bên kiệu là các vị chức sắc trong làng. Tiếp theo kiệu cá trắm là kiệu các loại hải sản như: cua bể, nhệch đều còn tươi sống được đặt trong quả gỗ sơn thếp kiệu này do 4 thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Đi sau kiệu rước hải sản là kiệu rước chim két, rồi đến kiệu rước bánh chưng, bánh dầy; tiếp theo là các kiệu cỗ: “cỗ ngọc”, cỗ các, cỗ đồ đường, kiệu giò, cỗ tứ linh, cỗ ngũ sắc. Sau đó là đoàn tế nam quan, rồi đến kiệu hoa quả và kiệu rước bát nhang nhà quan. Theo cùng đoàn rước là toàn thể các hương lão và đông đảo nhân dân và du khách thập phương tới tham dự.

Bên cạnh các nghi thức tế lễ trang nghiêm, thì lễ vật dâng lên Đức Thánh trong lễ hội Đền Gin còn mang nhiều nét độc đáo không chỉ thể hiện sự thành kính của nhân dân mà còn được nâng lên thành nghệ thuật với những quy trình lựa chọn, sản xuất hết sức công phu, mang tính luật, lệ, nghiêm ngặt trong suốt quá trình thực hiện, các lễ vật như: cá trắm đen, bánh chưng, bánh dày, cỗ ngọc, cỗ các, cỗ tứ linh, cỗ ngũ sắc, cỗ đồ đường, giò... Cùng với phần lễ được tiến hành một cách trang nghiêm thì phần hội rất náo nhiệt, phong phú với nhiều trò chơi dân gian, những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong suốt ba ngày hội. Buổi tối có hát chèo cổ, hát ca trù. Ban ngày đông vui hơn cả là xới vật, đánh cờ người, chọi gà người người đứng vòng trong, vòng ngoài hò reo cổ vũ trong tiếng trống thúc liên hồi…

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, tín ngưỡng thờ phụng tướng công Kiều Công Hãn trên mảnh đất quê hương Nam Trực cùng những giá trị kiến trúc nghệ thuật lịch sử - văn hoá Đền Gin vẫn đang được các thế hệ người dân và chính quyền các cấp giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát triển./.

Minh Thuận/ Báo Nam Định