Rau dại

Tranh của họa sĩ Nguyễn Tấn Vĩ 

Rau dại là cách mà tôi gọi chung cho các loại rau mọc hoang ngoài bờ rào, bãi bồi, ruộng đồng như mồng tơi, rau đắng, rau sam, rau má, rau dền,… Chúng dễ sống, tự sinh sôi bằng khí trời, dinh dưỡng của đất mẹ mà tốt tươi. Rau dại biết cách sống chung với lũ cỏ để nhú ra những đọt rau xanh non, mơn mởn. Người dân quê quý rau dại bởi chúng thân tình, gần gũi, lặng thầm góp mặt vào những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp yêu thương.

Những đám rau dại mướt xanh làm tôi nhớ đến những ngày còn nhỏ, mỗi khi tan học về nhà, tôi thường theo mẹ ra sau vườn hái rau. Mùa mưa về mang theo những trận lụt ồ ạt phủ trắng vùng quê nghèo ven đầm. Cây cối sau trận mưa gió ngã rạp, xác xơ, nhưng những đám rau dại vẫn cố bám lấy đất để đâm chồi, vươn nhánh. Tôi hái rau cùng mẹ, người dặn tôi hãy gắng sống như những cây rau dại, dù sinh ra trong nghèo khó nhưng phải biết vươn lên mạnh mẽ trước sóng gió cuộc đời.

Mùa dịch Covid, tôi trở về bên căn nhà nhỏ nơi có bàn tay ấm áp của mẹ dắt tôi qua bao mùa mưa nắng. Ở bên mẹ, tôi thích được cùng mẹ hái rau dại sau vườn, ngoài gò, bên rào, ven bờ ruộng… rồi cùng mẹ nấu nướng những món ăn ngon từ đồng quê. Bữa cơm nhà tuy đạm bạc chỉ là canh rau má nấu với tép đồng, dĩa rau đắng luộc, cùng mớ cá rô ngoài mé sông đem nướng trên than hồng. Vậy mà ngon đến lạ. Rau dại trở thành một món ăn gần gũi, góp mặt trong những bữa cơm của gia đình tôi, lặng thầm sưởi ấm trái tim của mỗi người bằng cái mộc mạc đơn sơ, cái tình thảo thơm keo sơn, gắn kết.

Chẳng phải cao lương mỹ vị, rau dại mộc mạc, giản dị như cái tên vốn có của nó nhưng làm bao người xa quê phải đau đáu khi nghĩ về. Các em tôi sống xa quê, đặc biệt giữa mùa dịch Covid này, trong mỗi cuộc gọi về các em hay nhắc đến những đám rau dại mọc sau bờ ruộng, ven rào. Tôi rưng rưng khi nghe các em bảo nhớ quê, nhớ nhà, thèm lắm một bữa cơm có bát canh rau tập tàng với đông đủ các thành viên gia đình. Tôi mong dịch sớm tan, để tôi gửi cho các em chút hương vị của làng quê yêu dấu, qua những chiếc thùng được gói ghém cẩn thận, cây nhà lá vườn chan chứa tình quê.

Nhiều khi nghĩ về rau dại tôi lại nhớ về bài thơ Khi chị đi lấy chồng của Yến Lan. Chỉ có 4 câu thôi mà gói được biết bao nỗi niềm: Khế chua chị nấu lá mồng tơi/ Em cùng ăn đến trọn đời/ Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục/ Chị đi, bát đũa cũng mồ côi. Bài thơ mộc mạc, giản dị và hồn hậu nhưng ấn tượng đầu tiên để tôi đến với nó lại là rau mà tôi cứ ang áng chừng là rau dại. Khế mọc ở bờ ao và mồng tơi ở bờ rào, chỉ là thế thôi nhưng trường liên tưởng dắt tôi đến cái tứ lằng lặng cuộn vào lòng thương cảm - mẹ mất rồi, chị đi lấy chồng thì em mồ côi. Thương rau dại mà rồi thương cả hai chị em.

Ngoài làm thức ăn nhiều loài rau dại còn là vị thuốc quý trong kho tàng kinh nghiệm của người xưa để lại. Rau má giúp thanh nhiệt, giải độc, rau càng cua chứa nhiều kali, canxi giúp xương chắc khỏe. Rau sam gần gũi với tôi không chỉ ở món canh nấu với tép đồng mà tôi còn dùng chúng để giã nhuyễn, vắt lấy nước, pha nước tắm cho con khi bị rôm sảy. Kinh nghiệm ấy tôi học được từ bà ngoại và mẹ. Những đám rau dại xanh mướt mang trong mình hồn cốt của quê hương, gần gũi với người quê từ bữa ăn đến đời sống hằng ngày.

Tôi thích được đắm mình trong khu vườn xanh mát, cùng mẹ hái rau và rủ rỉ chuyện trò. Giữa mùa dịch, người quê san sẻ với nhau cọng rau, con cá. Rau dại tuy nhỏ bé, đời thường, nhưng nhờ chúng mà dù phải giữ khoảng cách nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn thêm bền chặt. Nhìn rổ rau má mẹ đặt ở góc bếp, tôi lại nhớ đến câu ca dao: “Giàu như người ta ăn cơm với cá. Khó như em ăn rau má cua đồng. Dù cho chờ đợi mấy đông. Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng cam”. Người quê như cây rau dại, tuy chất phác, chân phương mà mạnh mẽ, nghĩa tình, bao đời “gừng cay muối mặn” gắn bó sắt son…

Trần Thị Thắm (theo baobinhdinh.vn)