Kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào tại Cộng hòa Séc

Tọa đàm kết nối doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào tại Cộng hòa Séc 

Tham dự Tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Séc ông Thái Xuân Dũng, Thương vụ Việt Nam tại Séc, lãnh đạo Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Séc và đông đảo doanh nghiệp, trí thức kiều bào Séc.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Séc ông Nguyễn Thành Long cho biết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc có khởi đầu khó khăn, đến nay đã phát triển thành một cộng đồng khoảng 10.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh ổn định, có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội tại Séc cũng như tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Phát chia sẻ thông tin tập đoàn Đại Phát hiện đang kinh doanh trong 22 lĩnh vực, 1200 nhân viên, sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp tại Séc để phát triển thương mại hai chiều.

Các doanh nghiệp trẻ tại Séc như tập đoàn Daily Fresh, Công ty Bateka bày tỏ mong muốn đưa nhiều hàng hóa Việt Nam sang châu Âu hơn nữa và mong nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thế hệ doanh nhân thành đạt đi trước.

Cho rằng nguồn lực trí tuệ kiều bào tại Séc và châu Âu vô cùng lớn, với 80-90% những người làm nghiên cứu, giảng dạy tại các viện/trường đầu ngành ở châu Âu có xuất phát điểm từ các viện, trường Đại học trong nước, nắm rõ các quy trình liên quan đến các dự án nghiên cứu, Tiến sĩ Dương Văn Minh, Giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên tại Áo và Séc tin tưởng sẽ có sự đột phá về hợp tác khoa học công nghệ nếu đội ngũ trí thức ở châu Âu được kết nối hiệu quả với trong nước thời gian tới.

Đại diện thế hệ trí thức trẻ, chị Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Châu Âu trình bày tham luận về việc phát huy tối đa nguồn lực cộng đồng thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Ấu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút thế hệ trẻ kiều bào thứ 2 vào các hoạt động cộng đồng. Đồng thời đề xuất Ủy ban và các hội, đoàn tích cực tổ chức các hoạt động như Trại hè cho thanh niên sinh viên, tăng cường kết nối kiều bào các thế hệ.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Hướng Nam mong muốn các doanh nghiệp chú ý quan tâm việc đưa thêm nhiều hàng hóa Việt Nam vào thị trường Séc hơn nữa khi thực tế hiện nay chỉ khoảng 20% hàng hóa tại Trung tâm thương mại Sapa- Trung tâm thương mại lớn nhất châu Âu của người Việt có xuất xứ từ Việt Nam.

  Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Trung tâm thương mại Sapa của kiều bào

Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Trung tâm thương mại Sapa thuộc sở hữu của kiều bào với khoảng 1000 cửa hàng của người Việt; làm việc với tập đoàn Tamda có hệ thống siêu thị cung cấp trên 1000 sản phẩm xuất xứ Việt Nam. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã đề nghị các doanh nghiệp tại đây quan tâm hơn nữa đến mô hình thương mại điện tử, cùng tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn để đưa thêm nhiều hàng hóa Việt Nam vào hệ thống chợ, siêu thị của người Việt tại địa bàn, đặc biệt là một số sản phẩm nông sản Việt Nam có thể mạnh./.

Thanh Tâm