Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu làm việc với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ba Lan

 

Tham dự buổi làm việc còn có Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng, Tham tán thương mại Nguyễn Thành Hải, 30 doanh nghiệp kiều bào tại Ba Lan và một số doanh nghiệp trong nước.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu Hoàng Mạnh Huê, cùng đại diện các doanh nghiệp tại Ba Lan bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu nói chung và tại Ba Lan nói riêng. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ một số khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, cũng như tại Châu Âu đang đối mặt như dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga – Ucraina đã đẩy giá thành nhập khẩu hàng hóa lên cao, lợi nhuận giảm, làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến khâu logistic gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc kinh doanh của cộng đồng chủ yếu tự phát, nay với những thay đổi trong chính sách sở tại buộc bà con phải tìm cách chuyển hướng kinh doanh; thế hệ trẻ chưa hào hứng với việc tiếp nhận công việc kinh doanh của thế hệ trước.

Cộng đồng cũng chia sẻ về thực tế lượng hàng có xuất xứ từ Việt Nam chiếm thị phần khá khiêm tốn trong số hàng hóa cộng đồng đang buôn bán (chỉ khoảng 10 - 15%) do giá cả không cạnh tranh, kiều bào khó tìm kiếm đối tác tin cậy ở Việt Nam để nhập hàng.

Đại diện các doanh nghiệp đã nêu một số kiến nghị để tháo gỡ khó khăn như Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu sang Châu Âu, đặc biệt những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thủ công mỹ nghệ; khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài thông qua sự hỗ trợ của doanh nghiệp kiều bào; tăng cường kết nối các doanh nghiệp kiều bào với các doanh nghiệp trong nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp kiều bào, dữ liệu về các doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu tiềm năng; triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp kiều bào với trong nước thông qua các cuộc hội chợ, triển lãm; tranh thủ những cơ hội do EVFTA mang lại...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu và tại Ba Lan, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Thứ trưởng cho biết, để tận dụng những cơ hội do EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần phát triển từ tư duy Ba Lan sang tư duy Châu Âu, tìm những hướng đi mới mang tính lâu dài và bền vững hơn. Về những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp để từng bước triển khai. Thứ trưởng cũng đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan thường xuyên có các cuộc trao đổi với các doanh nghiệp để kịp thời nắm tình hình và phản hồi tới bà con. Thứ trưởng hy vọng các doanh nghiệp tại Ba Lan sẽ sớm tìm ra những hướng đi mới, cách làm hay, vượt qua khó khăn, hướng tới sự thịnh vượng cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan./.

Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan được thành lập năm 2007, là hội doanh nghiệp đầu tiên tại châu Âu.

Trung tâm thương mại Wólka Kosowska có diện tích trên 100 ha với khoảng 3000 gian hàng cùng hàng nghìn doanh nghiệp tại khu vực này. Doanh nghiệp người Việt tại Ba Lan tập trung trong 3 lĩnh vực chính: Thương mại (xuất nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ); Dịch vụ (chủ yếu là ẩm thực); Đầu tư (xây dựng, bất động sản).

Thanh Tâm