Bộ Ngoại giao tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW

 Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu và đại diện các đơn vị tham dự Hội nghị.  Ảnh: Quang Hoà

Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW trong 10 năm qua (từ 2012-2022) của Bộ Ngoại giao và đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, nhất là công tác quản lý và bảo hộ người lao động và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, 110 đại biểu đến từ các đơn vị trong Bộ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được triển khai thuận lợi theo đúng nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 16-CT/TW.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế trong quá trình triển khai như còn xảy ra các vụ việc xâm phạm đến quyền và lợi ích của người lao động và tình trạng người lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật tại một số địa bàn, chưa khai thác được những thị trường lao động tiềm năng.
Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp cần thiết để tham mưu cho Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 16-CT/TW nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng với yêu cầu mới đặt ra cho công tác này trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi.

Tại Hội nghị, Cục Lãnh sự đã trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Bộ Ngoại giao và 7 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có tham luận về tình hình người lao động và chuyên gia tại địa bàn; tập trung vào việc nhận diện khó khăn, thách thức trong công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; đề xuất giải pháp tăng cường quản lý bảo hộ người lao động và chuyên gia.

Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia đề nghị cần nâng cao năng lực và kĩ năng đối ngoại cho cán bộ phụ trách quản lý lao động tại địa bàn, các cơ quan trong nước nghiên cứu sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý người lao động và chuyên gia.

Đại sứ quán Việt Nam tại Romania cho rằng cần tăng cường hành lang pháp lý để bảo vệ người lao động, ngăn chặn di cư trái phép và giảm thiểu tình trạng người lao động bỏ trốn sang các nước Tây Âu. Các Cơ quan đại diện cũng kiến nghị một số giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quản lý Đảng viên là người lao động và chuyên gia cũng như cải thiện hình thức sinh hoạt đảng ở nước ngoài.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh trong thời gian tới cần chú trọng triển khai một số giải pháp để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao trong công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp như: tăng cường theo dõi, nắm tình hình người lao động và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời hỗ trợ người lao động và chuyên gia khi có vấn đề phát sinh; tổ chức và đa dạng hóa các hoạt động kết nối với người lao động và chuyên gia trong thời gian làm việc ở nước ngoài; thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, cập nhật chính sách, quy định của nước sở tại về các vấn đề có liên quan đến người lao động;

Đồng thời, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo thị trường lao động, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác mới; rà soát các hiệp định, thỏa thuận hợp tác lao động đã ký kết và việc triển khai tại địa bàn; đẩy mạnh thông tin về chủ trương, chính sách của ta về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam với quốc tế; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác theo dõi, quản lý Đảng viên là người lao động và chuyên gia.

Quang Hòa/ baoquocte.vn