Cuộc họp cán bộ cấp cao Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21

Các đại biểu chụp ảnh chung.  Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21), tại phiên làm việc sáng 3/8, đã diễn ra Cuộc họp cán bộ cấp cao (SOM) và Thảo luận không chính thức lần thứ tư về hiện đại hóa nền công vụ: Đa dạng và toàn diện.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Bộ Nội vụ Việt Nam - nước chủ nhà, Chủ tịch luân phiên ACCSM 21, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chào mừng các đại biểu đã đến tham dự trực tiếp Cuộc họp cán bộ cấp cao Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 tại Hà Nội, sau hơn hai năm phải làm việc trực tuyến do dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng, thời gian qua, các nước đã xây dựng chương trình làm việc, triển khai các hoạt động, dự án trong khuôn khổ Kế hoạch làm việc ACCSM giai đoạn 2021-2025; đồng thời cùng nhau phối hợp, thực hiện các hoạt động có hiệu quả; thống nhất, chia sẻ nhiều biện pháp đối phó với những thách thức, trong đó có dịch COVID-19, đi cùng với giữ vững quan hệ hợp tác, đưa ra những định hướng hợp tác mới về công vụ, với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển vững mạnh.

Với chủ đề “Hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng” của ACCSM 21 và với mong muốn gắn kết một ASEAN cùng nhau phát triển, tại Cuộc họp này, các nước cùng cập nhật, thảo luận tình hình thực hiện Kế hoạch làm việc của ACCSM 2021-2025; xem xét và thông qua các đề xuất dự án mới trong khuôn khổ Kế hoạch làm việc ACCSM 2021-2025; thảo luận các vấn đề liên quan đến ACCSM như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; các phương thức tiến tới mở rộng hợp tác của ACCSM với các cơ quan, ban, ngành khác của ASEAN, cũng như thảo luận và chia sẻ các vấn đề nhằm xây dựng nền công vụ minh bạch gắn với việc nâng cao đạo đức công vụ, hiện đại hóa nền công vụ, số hóa dịch vụ công, thúc đẩy chính phủ điện tử...

Tại Cuộc họp, Ban Thư ký ASEAN đã trình báo cáo các quyết định liên quan của các Cuộc họp ASEAN khác được tổ chức kể từ Cuộc họp các đầu mối ACCSM diễn ra vào tháng 11/2021, bao gồm Hội nghị Điều phối lần thứ 17 và 18 về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (SOC-COM), Cuộc họp lần thứ 5 của Nhóm công tác về Tuyên bố Văn hóa phòng ngừa (COP) vì một xã hội hòa bình, hòa nhập, phục hồi, lành mạnh và hài hòa (WG-COP) và các cuộc họp ASEAN liên quan khác.

Các vấn đề liên quan đến ACCSM như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; thực hiện Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF); Kế hoạch hành động ASEAN về Văn hóa phòng ngừa; khuôn khổ toàn diện của ASEAN về Kinh tế chăm sóc; Chiến lược hợp nhất về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư về ASEAN; Khung chính sách chiến lược của ASEAN về thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN thích ứng với hiểu biết rộng hơn, khoan dung hơn và ý thức về truyền thống khu vực giữa các dân tộc ASEAN... đã được các bên bàn thảo.

Trong chương trình nghị sự, các nước đã trao đổi quan điểm về khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược ACCSM.

Khuôn khổ này hỗ trợ vai trò của ACCSM như là cơ quan chuyên ngành về các vấn đề xuyên trụ cột về quản trị tốt, bao gồm cả vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Buổi họp ghi nhận thông tin cập nhật và trao đổi quan điểm về các vấn đề, bao gồm các phương thức tiến tới mở rộng hợp tác của ACCSM với các cơ quan, ban, ngành khác của ASEAN và các bên liên quan thông qua việc sử dụng Khuôn khổ hợp tác như một tài liệu hướng dẫn.

Brunei với tư cách là Chủ tịch luân phiên ACCSM 22 đã trình bày kế hoạch, chủ đề và lịch hoạt động cụ thể của Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 22.

ACCSM 22 có chủ đề “Củng cố khu vực công ASEAN phù hợp với tương lai.”

Đại diện cơ quan công vụ nước này lý giải các quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch COVID-19.

Qua những nỗ lực ứng phó với đại dịch cho thấy các nước cần chuẩn bị kỹ năng để có thể vượt qua những thách thức không lường trước trong tương lai, đây là lý do Brunei lựa chọn chủ đề trên.

Trong kế hoạch, ACCSM 22 sẽ có cuộc họp trù bị và cuộc họp quan chức cấp cao vào tháng 5/2023, cuộc họp những người đứng đầu nền công vụ vào tháng 4/2024.

Cũng trong phiên làm việc sáng 3/8 đã diễn ra phiên Thảo luận không chính thức lần thứ tư về hiện đại hóa nền công vụ: Đa dạng và toàn diện, do Ủy ban Công vụ Australia chủ trì.

Ông Chu Tuấn Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nội vụ) cho biết, theo những khuyến nghị về hiện đại hóa nền công vụ, hướng tới một nền công vụ chuẩn bị cho tương lai 2022, Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Ủy ban Công vụ Australia tổ chức phiên thảo luận thứ 4.

Thảo luận hướng đến mục tiêu giúp các nền công vụ đại diện người dân rộng hơn, đảm bảo cân bằng giới, có thêm công chức nhà nước là người khuyết tật và tăng cường năng lực của nền công vụ trong bối cảnh số.

Chia sẻ từ phía Ủy ban Công vụ Australia cho thấy hiện nay đang có sự cạnh tranh rất gay gắt giữa khu vực công với khu vực tư, đòi hỏi các công chức trong nền công vụ phải có kỹ năng, kiến thức để đóng góp vào những chiến lược khác nhau và vai trò lãnh đạo bao trùm đóng vai trò hết sức quan trọng.

Một thách thức hiện nay mà nền công vụ nước này phải đối mặt trong môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng như vậy là làm thế nào để đội ngũ công chức đảm bảo được tính đa dạng bao trùm.

Một trong ba chiến lược chính hiện nay Ủy ban Công vụ Australia đang triển khai để có một lực lượng lao động đem lại hiệu quả cao nhất, đó là Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2026, trong đó đảm bảo có sự đại diện công bằng của tất cả những nhóm người.

Với Chiến lược này, Ủy ban Công vụ Australia hy vọng sẽ tạo ra môi trường làm việc mang tính bao trùm và có sự đại diện tất cả các nhóm.

Trong các cơ quan công vụ của Australia, đại diện là phụ nữ rất nhiều. Tỷ lệ phụ nữ được thăng chức, thăng cấp cũng khá cao, vào năm 2021 là 56,6%.

Phụ nữ đang chiếm hơn 60% trong các cơ quan công vụ, song những người giữ chức vụ cao trong các cơ quan này là phụ nữ thì lại chiếm tỷ lệ thấp hơn.

Đại diện của phụ nữ trong những lĩnh vực như toán học, khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên chưa nhiều./.

Chu Thanh Vân / TTXVN/ Vietnam+