Odessa hẹn ngày trở lại

 Hoạt động của cộng đồng người Việt ở Odessa khi chưa xảy ra chiến sự. Nguồn: Người Việt Odessa

Odessa từng là một thành phố cảng sầm uất với khoảng 3.000 người Việt làm ăn sinh sống. Giờ đây, chiến sự đã khiến bà con kiều bào phải vội vã rời bỏ nhà cửa lánh nạn, không ít người đã để lại cả cơ nghiệp gây dựng trong nhiều năm của mình.

Thách thức từ Covid-19

Trước chiến sự, cuộc sống của người Việt ở Odessa đã gặp rất nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thiếu vắng cảnh buôn bán tấp nập từ tờ mờ sáng, tại các khu chợ ở Odessa, hai năm qua những tiểu thương người Việt luôn luôn phải đối diện với cảnh chợ đìu hiu “trăm người bán, một người mua”, có những quầy bán cả ngày không có người mở hàng.

Thế nhưng, trong bối cảnh bệnh dịch, bà con kiều bào vẫn luôn đùm bọc thương yêu lẫn nhau, nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng phù hợp với các quy định phòng chống dịch vẫn được cộng đồng duy trì. Đáng chú ý, có một phong trào văn nghệ mùa dịch được bà con kiều bào ở đây duy trì như “Vui là hát”, “Hát mãi tuổi thanh Xuân”, “Hát cho nhau nghe”... đã tạo không khí vui tươi và gắn kết cộng đồng trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong lúc số người Việt bị nhiễm bệnh tăng cao, các tổ công tác của Hội người Việt tại Odessa đã kịp thời hỗ trợ những người không may bị nhiễm bệnh về mọi mặt, từ phiên dịch đến đưa đón đi khám chữa bệnh, tiếp tế thức ăn, quyên góp tiền ủng hộ những gia đình bị dịch bệnh.

Có thể thấy, suốt những năm qua, cộng đồng người Việt ở Odessa luôn được Đại sứ quán Việt Nam và chính quyền địa phương đánh giá là cộng đồng đoàn kết, có tính tổ chức cao và có nhiều hoạt động văn hóa, nhân đạo không những trong cộng đồng mà còn với chính quyền sở tại. Đặc biệt, thành lập từ năm 1994, Hội người Việt Nam tại Odessa ngày càng phát triển, tập hợp sức mạnh tổng hợp từ các tổ chức như cựu chiến binh, doanh nhân, phụ nữ, đoàn thanh niên cùng đông đảo bà con đến từ các cụm dân cư hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.

Trải qua nhiều gian khó khi mưu sinh ở xứ người, cộng đồng đã hình thành và phát triển tới sáu khu vực ở nơi đây, gồm: Làng Sen, Stariskovo, Semsamurai, khu Kva, khu Lvop và đơn vị thứ 6 mới thành lập theo nhu cầu của bà con là khu 7 Nebo.

 Người Việt ở Làng Sen tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng

Nỗi buồn ly tán

Từng là một cộng đồng người Việt lớn nhất ở Ukraine nhưng từ khi chiến sự nổ ra, người Việt tại Odessa buộc phải rơi vào cảnh lưu lạc và chia lìa.

Chia sẻ với phóng viên TG&VN, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Odessa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Odessa, cho biết: “Khoảng 300 người Việt ở Odessa đã may mắn được về nước trên các chuyến bay vừa qua, còn phần lớn bà con trong cộng đồng chúng tôi đang tạm trú ở một số nước châu Âu”.

Theo thông tin từ ông Hải Anh, đa số người Việt ở Odessa đã đi sơ tán sang các nước Romania, Hungary, Czech, Đức... Không ít người quyết định đi vì sự an toàn cho bản thân và gia đình dù họ phải để lại tài sản, hàng hóa kinh doanh ở lại, chờ ngày bình yên để quay trở lại.

Đối với người có đầy đủ giấy tờ tùy thân, họ được một số nước châu Âu chấp nhận cho tị nạn và giúp đỡ rất tốt. Họ đều cảm ơn vì được nước bạn tạo điều kiện từ nơi ăn chốn ở và các nhu yếu phẩm khác, thậm chí từ cả chiếc sim điện thoại. Còn những người chưa có giấy tờ đầy đủ thì đang chờ các chuyến bay về nước từ Romania, Ba Lan... Tuy nhiên, bà con đều được cộng đồng và các hội đoàn Việt Nam ở các nước chung tay hỗ trợ và trợ giúp nhiệt tình.

Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Odessa chia sẻ: “Thật mừng vì Nhà nước đã tạo điều kiện hỗ trợ bà con ở Odessa có điều kiện để xuất cảnh về Việt Nam. Các đại sứ quán Việt Nam ở các nước cũng hỗ trợ cung cấp giấy thông hành cho bà con.

Theo tôi được biết thì những giúp đỡ này rất kịp thời, không thấy bà con kêu ca hay phàn nàn gì. Về tới Việt Nam, bà con được các cơ quan chức năng và đồng bào trong nước trợ giúp tối đa. Đối với những người không có giấy tờ, được cấp thị thực về Việt Nam theo tiêu chuẩn thăm thân, du lịch có giá trị ba tháng, sau đó được phép gia hạn”.

 Khu Làng Sen - trung tâm của cộng đồng người Việt ở Odessa. Nguồn: Người Việt Odessa

Vẫn kiên trì giữ làng

Giữa những ngày hoạn nạn và căng thẳng, vẫn có khoảng 100 người Việt ở Odessa quyết định ở lại để bảo vệ và trông giữ tài sản chung của bà con. Trong đó, khu Làng Sen còn khoảng hơn 20 chục hộ quyết ở lại giữ làng và bảo vệ cả khu chung cư của người Việt.

Ông Nguyễn Hải Anh kể: “May mắn là đến thời điểm hiện tại, cuộc sống ở Odessa vẫn bình yên, chưa bị ảnh hưởng của bom đạn, tên lửa dữ dội như các thành phố Kiev hay Kharkov... Bà con ở lại đang duy trì cuộc sống sinh hoạt bình thường theo thời chiến vì lệnh giới nghiêm vẫn thi hành từ 7h tối cho đến 7h sáng hôm sau. Chợ búa vẫn hoạt động dù rất vắng vẻ”.

Mới đây, nhận nhiệm vụ của Bộ ngoại giao Việt Nam và được sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch, Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa đã làm việc với chính quyền Ukraine để giúp đưa hai công dân Việt Nam là Hoàng Thị Hương và Cấn Đình Hoàn ra khỏi trại tạm giam nằm giữa tỉnh Nhikolaiev và Kherson của Ukraine.

Ngay sau khi nhận được sự cho phép của Cơ quan di trú Ukraine, Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa đã khẩn trương tổ chức xe tới đón hai công dân này về thành phố Odessa. Họ đã được bố trí chỗ ăn ở tại Làng Sen, sau đó dự kiến đến biên giới các nước lân cận để trở về Việt Nam.

Được khởi công xây dựng năm 2005, Làng Sen ở Odessa ra đời sau khi khảo sát, học tập kinh nghiệm và áp dụng mô hình Làng Thời đại ở Kharkov. Đến năm 2009, Làng Sen 1 với 128 căn hộ hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Sau đó, Làng Sen 2 gồm 148 căn hộ cũng hoàn thành từ 2011-2013. Từ đây, khu Làng Sen đã trở thành trung tâm của cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Odessa, cũng là biểu tượng của tình đoàn kết, đóng góp tích cực cho đất nước Ukraine và hướng về cội nguồn quê hương đất nước Việt Nam.

Thật khó diễn tả hết nỗi lòng của những người Việt phải dứt lòng rời xa Odessa hay khu Làng Sen thân yêu vì nơi này đã gắn bó, cưu mang họ, thậm chí có người đã sinh sống đến gần nửa cuộc đời.

Cũng bởi vậy, những người Việt dù đang sơ tán tại nhiều nơi hay trên khắp nẻo đường vẫn nhắn nhủ sẽ cùng nhau quay trở lại.

Họ mong mỏi những mái nhà, khu chợ - nơi mưu sinh của họ, sẽ trở lại nhịp sống bình thường như trước đây và cộng đồng người Việt lại sum họp và phát triển ngày càng lớn mạnh trên quê hương thứ hai.

Theo ông Nguyễn Hải Anh, “nhiều người đi sơ tán ở Moldova đã nhanh chóng quay trở lại Odessa sau thời gian tạm lánh nạn. Hiện tại, số người Việt đang ở lại Odessa là khoảng 200 người. Rất nhiều người khác đều nói với chúng tôi họ đang muốn sớm quay trở lại.

Cũng dễ hiểu thôi vì cuộc sống, nhà cửa và tài sản của bà con đều gắn với mảnh đất này rồi!”.

Vũ An/ baoquocte.vn