Mặn mà vị mắm của mẹ

Ảnh minh họa 

Theo từ điển Tiếng Việt của GS. Trần Quốc Vượng thì “Mắm có nền tảng từ thủy sản, để nguyên con hay giã nhỏ, muối mặn và để một quá trình lên men bằng gạo thính, có khi cho thêm ít rượu để “thơm” và thúc đẩy quá trình lên men”. Mắm là món ăn vô cùng quen thuộc và dân dã đối với nhiều gia đình. Từ thuở ông bà-bố mẹ tôi, mắm được coi là cách tốt nhất để họ bảo quản các loại thủy sản. Mắm gồm có hai loại chính: Mắm nước và mắm con. Nếu như mắm nước được chế biến khá đơn giản thì mắm con kỳ công hơn với nhiều thao tác, công đoạn như: Làm cá, trộn muối, làm thính, dang nắng…

Mắm đơn giản và thuần túy vậy đó nhưng không phải ai cũng làm được nếu không có chút khéo tay và sự cẩn trọng. Trong gia đình tôi, chẳng ai có thể làm được mắm, ngoại trừ mẹ. Từ ngày còn bé đến giờ, bao nhiêu mùa đông trôi qua là bấy nhiêu thời gian tôi được thưởng thức vị mắm do chính tay mẹ làm. Mẹ tôi làm mắm ngon lắm. Tôi thầm nghĩ “sẽ chẳng có ai làm mắm ngon bằng mẹ”.

Những ngày mưa gió dầm dề mà được hít hà vị mắm chua ngọt, cay cay của mẹ thôi cũng đủ ấm nồng suốt cả mùa đông. Tôi nhớ hồi còn học tiểu học, chừng khoảng lớp hai lớp ba gì đó, tôi thường lẻn mẹ lấy mắm hấp lên cơm. Ngày đó mẹ tôi thường làm mắm cá con. Những con cá được mẹ chọn làm mắm thường phải còn tươi. Mẹ bảo “cá càng tươi thì làm mắm càng ngon”. Thế là những lần ba thả cá trong hồ về nhiều mẹ tôi đều tranh thủ làm mắm chưng cất để dành mùa đông ăn. Những thẩu mắm cá được mẹ đậy đằn và bưng che cẩn thận bằng lớp vỉ bằng tre và những tấm vải màn trắng tinh.

Theo kinh nghiệm của mẹ thì công đoạn bảo quản cá vô cùng quan trọng. Nếu che đậy không kĩ thì mắm rất dễ bị đắng. Có lẽ vì thế mà mẹ bưng bịt rất cẩn thận. Mỗi khi tháo lớp vải màn để lấy mắm ra chế biến mẹ đều che chắn lại ngay, tránh hơi gió lộng vào làm ảnh hưởng chất lượng và mùi vị của mắm. Công đoạn khổ nhất của quá trình làm mắm là thính. Thính mắm được mẹ tôi làm rất công phu và tốn khá nhiều thời gian. Tôi thường thấy mẹ làm thính bằng gạo đã rang thành cốm, bột ngô và một ít lương khô. Các thứ này được mẹ xay nhuyễn và trộn lại thành thứ hỗn hợp đặc biệt. Chỉ cần ngửi thấy mùi vị của thính thôi là đủ đánh thức vị giác và muốn lấy mắm ra dùng ngay.

Mùa đông này cũng như những mùa đông trước mẹ tôi vẫn làm mắm. Nhưng không phải từ những con cá mà ba tôi cất công thức khuya dậy sớm đi thả lưới trong hồ đem về. Giữa tháng chín vừa rồi, được mùa nước lớn nên cá tràu, cá mương nhiều và rẻ nên mẹ tôi mua về gần cả chục cân. Vẫn là đôi bàn tay ấy!

Bàn tay của mẹ âm thầm và tỉ mỉ làm từng con cá cho vào từng hũ mắm. Đến lúc mắm đã thấm thính và chín tới, một mùi thơm rạo rực xông lên tận mũi đánh thức mọi kỷ niệm trong tôi. Đó là kỷ niệm về ngày còn thơ bé lục tìm mắm của mẹ để hấp trên cơm, là những ngày mưa gió cả mấy mẹ con hóng ba đi thả lưới về, là những lần say sưa nhìn mẹ làm mắm… Những kỷ niệm êm dịu đó đã và sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời này.

Mấy hôm nay mẹ tôi thường lấy mắm ra ăn. Những khúc mắm cá tràu đỏ ửng được mẹ kho cùng thịt ba chỉ, thêm chút gia vị và nén lá vào nữa làm lòng tôi “rối rít” cả lên. Nhìn nồi mắm được đun liu riu trên lửa, tôi đã thấy đầu lưỡi của mình tê dại. Lúc đó dạ dày tôi réo rắt như tiếng đàn bị ngắt quãng giữa chừng. Đầu giờ ăn cơm tôi không quên dùng đũa xé nửa khúc mắm cho vào bát. Đúng là hương vị mắm của mẹ làm: Thơm lựng và thấm thía thấu ruột gan. Chẳng thể lẫn với bất kỳ thứ mùi vị nào.

Tôi từng gửi vài lạng mắm cho một vài người bạn thân ăn thử. Đứa nào cũng tấm tắc khen ngon, và đại khái bảo rằng “Mắm mẹ bà làm ngon lắm! Tui ăn tốn cơm bà ạ!”. Những lúc vậy tôi thường kể lại với mẹ. Thấy mắt mẹ ánh lên niềm vui và sự mãn nguyện. Tôi thấy lòng vui lây. Và tôi hiểu rằng, sở dĩ mắm của mẹ ngon vậy bởi những con mắm ấy không chỉ được làm từ những con cá tươi ngon, mà còn được “chưng cất” từ tình yêu thương, sự chu toàn của mẹ dành cho gia đình.

Lê Hương (theo baoquangbinh.vn)