Hơi ấm Tết xưa

 Gói bánh chưng ngày giáp Tết. Ảnh: Vũ Đức Phương

Ngày ấy, nghe theo tiếng gọi của Đảng, bố mẹ tôi xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở một tỉnh miền núi. Bốn chị em tôi lần lượt được sinh ra trên mảnh đất ấy. Dù cuộc sống thời bao cấp vô cùng khó khăn, vất vả song bố mẹ tôi vẫn đau đáu hướng về quê nhà, nhất là dịp năm hết Tết đến. Bố nói, chịu khó vất vả một chút nhưng về quê ăn Tết cho tình cảm... Vậy là năm nào không về được cả nhà thì bố tôi cũng chia quân số, nửa về, nửa ở. Tôi lớn hơn nên hay được ưu tiên về cùng bố hoặc mẹ… Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngoài việc gói ghém quần áo, cân đường, gói mứt Tết, từ tối hôm trước bố tôi đã xuống bến xe thị xã xếp hàng mua vé xe, còn mẹ thì nấu một nồi cơm nóng, dùng khăn nắm lại thật nhuyễn, thật chắc rồi kỳ cạch giã ít muối vừng để ăn kèm. Mẹ nói, ăn như thế vừa chắc dạ, đỡ tốn kém…

Khoảng 3 giờ đêm, mẹ đánh thức chị em tôi dậy, mặc quần áo ấm xong rồi cả nhà đi vào màn đêm đặc quánh sương mù. Mẹ bế em, chị lớn và tôi thì xách làn, xách túi, lếch tha lếch thếch. Đi bộ khoảng 2 km thì đến bến xe. Nhìn những hàng người xếp hàng mua vé về quê ăn Tết (chủ yếu về các tỉnh miền xuôi) dài dằng dặc tôi thấy lo, không biết bố có mua được vé? Thế rồi, cả nhà cũng lên được xe. Tôi lúc nào cũng thích ngồi gần cửa để được ngắm cảnh và trải nghiệm cảm giác gió lạnh thổi vào mặt, rất thú vị. Vì đường đi rất xấu, xe lại chở nhiều người, nhiều hàng nên chạy chậm, chỉ khoảng 160km mà đi gần hết ngày mới về tới Hà Nội. Tới nơi, cả nhà lại lên xích lô di chuyển từ bến xe Long Biên về bến Nứa (gần rạp xiếc Trung ương bây giờ) để tiếp tục mua vé về quê. Xuống xe, bố tôi đi một vòng quanh khu vực bến xe cố tìm một góc khuất gió để tập kết đồ đạc, trải tạm tấm áo mưa cho mấy mẹ con ngồi nghỉ rồi lại vội vã quay trở vào xếp hàng. Khi đã ổn định, gửi được chỗ, bố quay ra cùng cả nhà ăn cơm nắm rồi tranh thủ dẫn mấy chị em tôi băng qua đường sang công viên Thống Nhất chơi (bến xe gần công viên). Dù chỉ ngắm công viên khi trời đã tối, với mấy con khỉ, con chim công trong lồng sắt nhưng cũng đủ làm chị em thích thú, sau đó đem chuyện kể cho các bạn cùng lớp nghe khiến chúng vô cùng ngưỡng mộ.

Ngủ một đêm ở bến xe, sáng hôm sau cả nhà lại lên xe đi nốt chặng cuối. Mấy chị em cứ thi nhau hỏi còn bao nhiêu cây số nữa thì về tới quê nhà. Phải nói lúc ấy ai cũng vui, háo hức, quên cả mệt nhọc, đói khát. Tầm trưa, xe về tới đầu làng, xuống xe phải đi bộ khoảng 1km nữa mới tới nhà ông bà. Từ giây phút ấy cảm nhận Tết quê bắt đầu rõ nét. Dọc đường đi gặp người làng, người xóm ai cũng ríu rít hỏi thăm. Đến đầu ngõ tôi nhận ra mái nhà tre lợp rạ thân quen cùng mùi khói rơm thơm ngái tỏa ra từ bếp nhà bà. Mấy chị em tôi nhanh nhảu chạy vào trước, ít phút sau cả nhà đã đông vui như đi hội. Ông nói, nhà đang gạn ao, mai sẽ đánh cá, tối nay sẽ đun bánh chưng… Nghe thế, chị em tôi thích thú vô cùng, vì những thứ đó chỉ ở quê mới có. Cơm trưa xong, cả nhà cùng sắp sửa gói bánh. Bà nói, đỗ xanh và lúa nếp do nhà tự trồng, được bà phơi cẩn thận, cất kỹ để dành Tết gói bánh. Lá dong cũng được trồng sau nhà, khi nào gói mới cắt nên lá rất tươi và đẹp. Chừng 10 giờ đêm nồi bánh chưng được bắc lên bếp. Ông ra đầu nhà khuân vào khoảng chục gốc tre khô, xếp tròn, đổ trấu xung quanh và nhóm lửa. Ông nói, đây toàn là gốc tre gai, đun rất chắc, đượm than. Ngày trong năm, sau khi chặt tre bán ông phải đánh bớt gốc để dọn vườn. Các gốc tre được ngâm dưới ao, khi nắng to thì vớt lên phơi, cất đi để mùa đông lấy cái đun, cái sưởi… Vậy là, đêm hôm đó, cả gia đình tôi cùng quây quần bên nồi bánh chưng, kể chuyện xưa, chuyện nay râm ran không ngớt. Mấy chị em tôi thì tranh nhau nằm trên giường của bà, được lót rơm vừa êm vừa ấm, hóng chuyện các cụ.

Sáng 30 Tết, ông tôi tiến hành sửa sang, lau chùi bàn thờ, xếp mâm ngũ quả. Tôi nhớ, mâm ngũ quả chỉ có vài nải chuối xanh và mấy quả trứng gà (còn gọi là quả đào tiên)-thứ quả được trồng rất nhiều ở quê ngày đó, có màu vàng rất đẹp, khi chín ăn ngọt, bở rất đặc trưng. Trên góc bàn thờ bao giờ cũng có thêm lọ hoa hồng quế, mẫu đơn cắt trong vườn. Chiều 30 Tết bố và ông ra nghĩa trang thắp hương mời các cụ trong gia tiên về nhà ăn Tết, bà thì không quên đun nồi nước lá mùi già cho chúng tôi tắm gội, lấy may trong năm mới. Bữa cơm chiều hôm đó được xem là bữa đoàn viên, sum họp, chứa đựng nhiều ý nghĩa, bao lo toan vất vả ngày thường tạm được gác lại để chuẩn bị đón năm mới ấm no, hạnh phúc hơn.

Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng mâm cơm ngày Tết ở quê hồi ấy bao giờ cũng có đủ thịt gà, bánh chưng, giò xào, thịt đông, cá kho tiêu, dưa cải muối lẫn hành củ… hầu hết đều do nhà tự làm ra. Tôi hiểu, để có được 3 ngày Tết ấm cúng, đủ đầy như vậy không hề đơn giản, ở đó có sự tần tảo, chắt chiu sớm hôm của ông bà, chú bác; là tình cảm nhớ thương, nỗi mong ngóng của những người thân nơi quê nhà đối với những người con, đứa cháu ở xa.

Sau mấy chục năm công tác trên tỉnh miền núi, khi được nghỉ hưu bố mẹ tôi chuyển về sinh sống ngay trên mảnh đất cha ông để lại. Ông bà tôi giờ không còn. Ngôi nhà tranh đã được bố mẹ tôi thay bằng nhà xây kiên cố, khá tiện nghi. Chị em tôi cũng chuyển công tác về gần nhà để tiện đường chăm sóc các cụ nên việc về quê ăn Tết đã thuận lợi hơn nhiều. Cũng như bố mẹ tôi ngày xưa, giờ chị em tôi lại đảm nhiệm chức năng kết nối các thế hệ trong gia đình để ngày Tết luôn là dịp trở về của con cháu bên ông bà, tổ tiên; để quê hương luôn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Tôi tin những gì mình trân quý vun đắp hôm nay sẽ là ký ức đẹp của các thành viên trong gia đình vào ngày mai.

Hà Trang (theo baoninhbinh.org.vn)