Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt

 Ảnh minh họa

Sinh ra ở làng quê, cả tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng, bờ bãi. Khi nhỏ thì đi mót lúa, bắt cua, bắt cá với chúng bạn; lớn hơn chút thì phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Có nhiều thứ tôi có thể quên về tuổi thơ nhưng chắc chắn có một thứ tôi sẽ không bao giờ quên đó là những mùa gặt - với mùi rơm tươi, thứ mùi ngọt ngào, có vị ngọt thơm của lúa, mùi tươi mát của cánh đồng và cả vị nồng của những giọt mồ hôi của bố mẹ. Có lẽ vì thế, tình yêu với đồng ruộng, với những mùa lúa chín cũng đến tự nhiên như hơi thở. Những ai lớn lên từ đất, thấm thía những cực nhọc, dãi nắng dầm sương của ông bà, bố mẹ, thậm chí cảm nhận vị mặn mòi những giọt mồ hôi của chính mình thì đồng quê sẽ luôn “đóng đinh” trong ký ức. Quê tôi là xã nội đồng, hình ảnh về làng quê không có những triền đê lộng gió, những rặng tre xào xạc mà đọng lại trong tôi cánh đồng lúa mênh mông, tít tắp, ôm ấp lấy xóm làng như cánh tay người mẹ ôm ấp, bao bọc đàn con. Vào mùa gặt, bố mẹ tôi thường dậy rất sớm để tranh thủ gặt lúc mặt trời chưa lên. Cảnh tượng bố chỉnh trang lại đôi sạp thồ, mẹ kiểm đếm liềm còn chị em tôi phụ trách ấm nước; lỉnh kỉnh đồ đoàn cả nhà đi ra đồng gặt trong mờ ảo của buổi sớm vẫn đọng lại như in trong tâm trí tôi.

Tiếng liềm xoẹt xoẹt cắt vào gốc lúa, theo tay bà, tay mẹ, lúa ngả thành từng bó thẳng hàng, ngay ngắn. Ai tinh tế chỉ nghe những tiếng cắt ngọt ấy biết được lúa có đẹp hay không bởi chỉ những gốc lúa đanh cây, không bị chuột hay sâu bệnh gây hại mới tạo ra những âm thanh giòn giã như vậy. Gió hanh hao làm khô mặt ruộng, thậm chí nứt nẻ, đi không lấm chân. Vì vậy, những bó lúa đặt trực tiếp xuống ruộng, không phải gối nhau như vụ xuân. Chị em chúng tôi được bố mẹ dạy xếp những bó lúa cùng một chiều, hai hàng lúa chụm bông vào nhau vừa thuận tiện cho việc xén lúa, lúc dựng rạ cũng nhanh hơn. Chúng tôi theo tiếng cắt lúa liên hồi ấy mà nhanh tay hơn để rồi khi mặt trời ló rạng, từng xe lúa cao ngất nối đuôi nhau về làng. Chắt chiu thành quả từ những ngày tháng một nắng hai sương, người nông dân không chỉ trân quý những bông thóc, hạt gạo mà còn bòn mót, dành dụm từng cọng rơm, bó rạ. Khi xe lúa cuối cùng được xếp gọn gàng, chặt chẽ cũng là lúc tất cả mọi người tập trung dựng rạ. Những ụ rạ được dựng hình chóp nón cho mau khô, trong trí tưởng tượng của lũ trẻ chúng tôi thú vị như những tòa lâu đài trong truyện cổ tích. Nhưng thứ hấp dẫn nhất khi đi gặt là được người lớn bắt cho những con muồm muỗm béo múp, sau khi nướng chín là một món ăn cực kỳ thơm ngon. Hay trong khi gặt, chúng tôi phát hiện ra những tổ chim với những chú chim nhỏ mới nhú cánh chưa thể bay, lúc nào cũng kêu chíp chíp đòi ăn. Chúng tôi hăm hở mang chúng về nuôi, cho chúng ăn cơm, ăn sâu và xem như “chiến tích” để khoe với bạn bè.

Hồi đó quê tôi chưa có nhiều phương tiện và máy móc nên nhiều nhà vẫn tuốt lúa thủ công bằng trục đá. Trục có hình trụ tròn được làm từ loại đá vôi màu xanh, nguyên khối. Lúa thu hoạch về được rải thành lớp ra sân gạch, người kéo phía trước, người dùng gậy đẩy phía sau, đi qua đi lại nhiều vòng trên lớp lúa đến khi rơm mềm, hạt lúa rơi hết ra khỏi bông là có thể giũ bỏ rơm để lấy thóc đem phơi. Rơm sau khi rải ra phơi khô sẽ được gom thành đống như cây nấm khổng lồ, dùng dần làm thức ăn cho trâu, bò hoặc để đun nấu.

Tôi đã đi trong mùi hương đồng nội ấy qua bao cánh đồng, bao mùa gặt. Tuổi thơ của tôi đã lẫn vào trong lúa, lẫn trong rơm rạ, trong nỗi nhọc nhằn của ông bà, bố mẹ. Đồng lúa ngọt lành đã nuôi lớn tôi, ươm dưỡng tâm hồn, tuổi thơ lũ trẻ chúng tôi với những kỷ niệm bình dị nhất. Bây giờ, khi tôi đã lớn, cũng thật hữu duyên khi lại có cơ hội được gắn bó với những mùa gặt, với người nông dân trong công việc của mình.

Một mùa gặt lại về. Cánh đồng ký ức của tôi được hòa nhập vào cánh đồng thực tại bởi hương thơm dịu ngọt của rơm mới. Miệng ngân nga câu hát: “Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế/ Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt”, lòng thầm cầu mong người dân quê tôi có thêm một mùa vàng.

Ngân Huyền (theo baothaibinh.com.vn)