Phát huy trường phái ngoại giao rất đặc sắc của Thời đại Hồ Chí Minh

Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 8 với thông điệp "Kết nối cộng đồng-Tôn vinh văn hóa Việt-Giao lưu văn hóa Hàn Việt" diễn ra ở thủ đô Seoul, hồi năm 2019. Ảnh: TTXVN

Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề: "Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Bên lề hội nghị, nhiều đại biểu đã chia sẻ ý kiến về phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Bản sắc nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới

Chia sẻ quan điểm về bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho biết: Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Hồ Chí Minh và quán triệt truyền thống của ông cha ta từ hàng nghìn năm nay. Tổng Bí thư đã lấy hình ảnh cây tre - một loại cây gắn bó với làng quê, con người Việt Nam. Đây là hình ảnh rất sinh động cho truyền thống dân tộc, bản sắc nền ngoại giao Việt Nam.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cho rằng ý kiến của Tổng Bí thư nói về ngoại giao Việt Nam thể hiện bản sắc, văn hóa, cốt cách con người, dân tộc, văn hóa Việt Nam; trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào cũng phải kiên cường, vững chắc như cây tre. Tuy nhiên, ngoại giao Việt Nam cũng rất mềm mỏng, linh hoạt, "dĩ bất biến ứng vạn biến" tùy vào tình hình nhưng luôn mang tinh thần, khí thế tiến công. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng luôn kiên định đường lối đối ngoại vạch sẵn.

Cũng theo Đại sứ Đặng Minh Khôi, từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới hình ảnh cây tre và tại hội nghị lần này Tổng Bí thư đã phát triển rõ ràng hơn về hình tượng cây tre gắn chặt với ngoại giao Việt Nam với nội dung quan trọng, nhất là kiên cường nhưng mềm dẻo, linh hoạt.

Nhìn lại quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta và từ khi thành lập nước cho đến nay, nền ngoại giao Việt Nam đều được thể hiện những tính chất này, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán.

Chia sẻ lại quá trình tham gia một số cuộc đàm phán về lãnh thổ trên bộ với Trung Quốc, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhớ lại: "Hồi đó là Thứ trưởng Vũ Văn Hoan làm trưởng đoàn, sau đó là anh Lê Công Phụng... Cuộc đàm phán thời kỳ đầu hết sức khó khăn, phức tạp có những lúc có thể nói là căng thẳng, có những lúc lời lẽ nặng nề nhưng trong tình hình đó chúng ta thể hiện thái độ rất hòa hiếu, hữu nghị, chúng ta giữ được đàm phán, không vì những phát biểu nặng nề trong đàm phán mà để đàm phán đổ vỡ. Kết quả, từ năm 1991-1999 chúng ta đã ký với Trung Quốc hiệp ước biên giới đất liền và tiến hành cắm mốc và hoàn thành năm 2009".

Từ đó đến nay, như lời Đại sứ Đặng Minh Khôi, tuyến biên giới trên bộ hơn 1.400km tiếp giáp với Trung Quốc là một tuyến biên giới thực sự hòa bình, hữu nghị; 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã phát triển rất tốt. Đây là kết quả của quá trình đàm phán kiên trì vừa giữ vững nguyên tắc lập trường vừa mềm mỏng, linh hoạt.

Theo Đại sứ Nguyễn Minh Khôi, tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng, Việt Nam cũng phải cùng thích ứng. Trong bối cảnh đầy biến động như vậy, Việt Nam vẫn tự tin vượt qua, giải quyết được mọi khó khăn bằng bản lĩnh ngoại giao, như Tổng Bí thư nói: "một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam".

Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết

Bày tỏ vinh dự khi tham dự Hội nghị Đối ngoại toàn quốc - lần đầu tiên được tổ chức, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái chia sẻ ấn tượng về bài phát biểu chỉ đạo với những thông điệp rất sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Theo Đại sứ Trần Việt Thái, khi nói tới bản sắc ngoại giao "cây tre Việt Nam", trước hết với "gốc bền chặt", quyện vào nhau, Tổng Bí thư muốn truyền đạt tới các nhà ngoại giao, người làm công tác đối ngoại nói chung về thông điệp 76 năm hình thành và phát triển ngành Ngoại giao. Ngành Ngoại giao của chúng ta không chỉ kế thừa truyền thống, kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh đi trước, đã được bồi đắp trong thời đại Hồ Chí Minh hiện nay, mà đằng sau đó còn là thành tựu của đất nước, dân tộc.

"Tổng Bí thư có nói, sau lưng các nhà ngoại giao luôn có toàn Đảng, toàn quân, hệ thống chính trị, toàn dân. Đấy là cái gốc. Chúng tôi - những người trực tiếp làm việc ở các địa bàn nước ngoài rất phấn khởi và yên tâm. Không những thế, bằng lời văn dễ hiểu, lời nhắn nhủ "gốc tre quyện vào nhau" hàm ý tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác tốt với nhau của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện ở Việt Nam ở nước ngoài khi "mang chuông đi đánh nước người".

Chuông kêu to hay không đều phải nhờ thực lực, nhờ cái "gốc" ở bên trong. Đó là hàm ý sâu sắc nhất, tôi cảm nhận được khi đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài", Đại sứ Trần Việt Thái chia sẻ.

Bên cạnh đó, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia nhấn mạnh, gốc tre, thân tre phải đi liền với nhau. Gốc có vững thì thân, cành mới tốt tươi, xum xuê, uyển chuyển được. Hình ảnh "thân tre" với ba thông điệp quan trọng: Uyển chuyển, linh hoạt, đặc biệt phải khiêm tốn; hàm chỉ các nhà ngoại giao khiêm tốn nhưng phải mạnh mẽ, biết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phải uyển chuyển, linh hoạt tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh khác nhau.

Trong mỗi thời kỳ, hoàn cảnh lại có những nhiệm vụ riêng, song phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đại sứ Trần Việt Thái cho rằng, hiện nay các nhà ngoại giao phải là những người tiên phong trong việc phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Ngày nay, ngoại giao không chỉ ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, mà còn góp phần bảo vệ tổ quốc từ xa, từ sớm, phát hiện sớm vấn đề để dự báo sớm, cảnh báo sớm những nguy cơ, thách thức và cả cơ hội. "Ngoại giao phải ngày càng đa dạng, toàn diện, phục vụ tốt nhất lợi ích hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước", Đại sứ nhấn mạnh.

Với tư cách là một nhà ngoại giao đang công tác ở nước ngoài, Đại sứ Trần Việt Thái khẳng định tinh thần quán triệt, tiếp thu tất cả các ý kiến chỉ đạo để góp phần nhỏ bé vào xây dựng ngành Ngoại giao nói riêng, công tác đối ngoại nói chung, với mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế./.

Phương Diệp / TTXVN/Vietnam+