Văn hóa-điểm tựa, sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc

 Chương trình “Tết Festival 2020” dành cho thanh niên sinh viên Việt Nam đang học tập và làm việc tại Séc. Ảnh TTXVN

Việc trau dồi tiếng Việt, cố gắng sử dụng tiếng Việt trong sinh hoạt gia đình hằng ngày, lâu nay vẫn tồn tại như một chân lý trong tâm khảm của nhiều người Việt Nam sống xa Tổ quốc, là điều luôn được các phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, đây lại là công việc khó giải quyết. Suốt ngày tất bật với công việc mưu sinh, nên phụ huynh đành trao việc giáo dục con cái cho thầy, cô giáo ở trường, và việc con cháu học tiếng nói bằng ngôn ngữ nước sở tại là đương nhiên. Ðó là lý do để chỉ sau một thời gian ngắn, khi về nhà con cháu ngại nói tiếng Việt. Và từ đây vấn đề duy trì, sử dụng tiếng mẹ đẻ được đặt ra cấp thiết. Ðể khắc phục, nhiều lớp học tiếng Việt tự phát đã ra đời, với điểm dạy là các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, hoặc nhà chùa, nhà thờ,... và thầy, cô giáo là các bạn trẻ được huấn luyện qua khóa tu nghiệp sư phạm do Ban đại diện các trung tâm tiếng Việt hướng dẫn. Giáo án, giáo trình do Ban đại diện tự soạn, nội dung phù hợp với trình độ của các cấp, từ vỡ lòng đến trung học. Tiếng Việt vẫn tồn tại trong sinh hoạt cộng đồng, và nhiều cháu lớn lên ở xứ người không mất tiếng Việt, một phần nhờ các lớp học tiếng Việt không chuyên này. Tôi cũng được biết ngày nay môn tiếng Việt đã chính thức được đưa vào trường đại học của Mỹ, được cấp chứng chỉ, như tại khóa sư phạm tiếng Việt ở California State University, Long Beach (Ðại học bang California, Long Beach).

Sống xa Tổ quốc, người gốc Việt thường có xu hướng quần tụ, gắn kết cùng nhau. Các hội đồng hương, hội ái hữu đã ra đời, thành nơi sinh hoạt chung để mỗi dịp gặp nhau là có cơ hội tưởng nhớ tiền nhân, nhớ về quê nhà, giúp đỡ lẫn nhau, có thông tin về nơi chôn nhau cắt rốn. Vì thế hội đồng hương, ái hữu ở ngoài nước cũng là sinh hoạt văn hóa đặc thù của người xa quê. Số thành viên các hội cũng rất đông, có hội lên đến hàng nghìn người như hội Giỗ Tổ Hùng Vương ở Nam, Bắc California. Một đặc điểm nữa của hội đồng hương, ái hữu là nơi giao thoa với các nền văn hóa khác của các sắc dân khác ở nước sở tại. Ðây là cơ hội để văn hóa Việt có dịp lan tỏa ra ngoài cộng đồng, nhất là qua các lễ hội quan trọng như Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), Tết Nguyên đán. Thế hệ lớp trước truyền giao văn hóa truyền thống của người Việt cho thế hệ lớp sau một cách tích cực một phần nhờ những lễ hội đó. Như các bạn trẻ của Tổng hội sinh viên Nam California có truyền thống tổ chức ngày Hội Tết Nguyên đán, vừa là dịp để bà con đồng hương vui xuân, vừa để gây quỹ hoạt động cho hội và trên hết, các nét văn hóa dân tộc từ các miền đất nước có dịp được trưng bày, phô diễn sinh động. Nhiều phong cảnh, di tích lịch sử, chùa, đền, nhà thờ, trang phục dân tộc, trò chơi dân gian,... được tái hiện để khách du xuân chụp ảnh, thưởng lãm. Ngoài các chương trình biểu diễn ca kịch, hò, vè, làn điệu dân ca, dân vũ,... văn hóa truyền thống dân tộc còn được thể hiện qua các cuộc thi, nhiều món ăn truyền thống ba miền được giới thiệu tại các gian hàng vui xuân. Hội chợ Tết thường diễn ra vào cuối tuần, vì ngày thường mọi người vẫn phải đi làm. Dù bận rộn, nhưng hội xuân năm nào cũng đông đảo, nhộn nhịp với hàng trăm nghìn lượt khách đến tham dự.

Các sự kiện, hoạt động đó đã phần nào cho thấy văn hóa Việt Nam luôn là một yếu tố cấu thành nền tảng tinh thần của cộng đồng gốc Việt. Nói cách khác, dù là người Việt Nam sống ở xứ người thì truyền thống văn hóa của cha ông vẫn tồn tại trong tâm trí. Nhìn rộng ra, có thể coi văn hóa Việt là chất keo kết dính tinh thần đoàn kết giữa những cá thể, tạo nên sức mạnh, động lực, giúp cho mỗi người dân trong và ngoài nước cùng hướng về nguồn cội. Năm 2006 tôi đến Bắc California, được người bạn mời ăn ở một tiệm phở có tên Phở Tháp Rùa ở San Francisco. Chủ nhân của tiệm phở Bắc này là người Hà Nội. Hình ảnh Tháp Rùa và tô phở vị Bắc khiến thực khách gốc Việt ở những vùng lân cận, có người lái xe mấy tiếng đồng hồ, đến để ăn tô phở, trò chuyện với ông chủ về Việt Nam. Tiệm Phở Tháp Rùa lúc nào cũng đông khách. Riêng Little Saigon, nơi được xem là “thiên đường” ẩm thực Việt Nam, không thiếu các món ăn của quê hương với đặc sản vùng miền, như: bún bò Huế, nem lụi Nha Trang, bún mắm Bạc Liêu… Các món thường được người chính gốc địa phương đó chế biến, khung cảnh bài trí hàng quán thì luôn chính hiệu made in Vietnam!

Từ góc độ nhất định có thể nói, vì thiếu vắng hình ảnh văn hóa Việt bên cạnh, nên người Việt sinh sống xa quê hương rất khao khát tìm tòi, trân trọng những giá trị truyền thống. Nhất là thế hệ đầu tiên, sau bao năm tháng vất vả nay cuộc sống cơ bản đã ổn định, thì với nhiều người, xu hướng trở về quê nhà để sinh sống đã như là một nhu cầu. Văn hóa Việt chính là điều thúc giục bước chân trở về. Dẫu thành công hay thất bại thì người gốc Việt vẫn mong như vậy. Ðối với tuổi già, về để nhìn lại làng quê cũ, mái nhà xưa. Về để nghe tiếng nói của bà con mình ồn ã trong buổi sáng đầu ngày, tại những khu chợ nhộn nhịp nơi thành thị hay thôn quê. Về để tìm một chỗ an nghỉ trong lòng quê hương khi xuôi tay nhắm mắt. Ðối với tuổi trẻ, về để tìm cơ hội làm ăn, để đóng góp tài năng, sức lực xây dựng quê hương trong vận hội mới, và trên chính nơi ông cha mình sinh ra. Khi đất nước đang nỗ lực chuẩn bị điều kiện cần thiết, huy động mọi nguồn lực tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Ðại hội XIII của Ðảng đã đề ra, rất cần có sự đóng góp nhân tài, vật lực của hơn 5 triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Và tôi hiểu, Nghị quyết 36-NQ/TW (ngày 26/3/2004) của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, và mới đây là Kết luận 12-KL/TW (ngày 12/8/2021) của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã mở rộng cánh cửa đón đồng bào sống xa Tổ quốc nay mạnh dạn trở về đóng góp xây dựng, phát triển quê hương.

Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra xác định phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa cần trở thành một mẫu số chung trong nhận thức, hành động của mọi thành viên cộng đồng người Việt, dù sống trong hay ngoài nước. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được dùng làm khẩu hiệu cho Hội nghị lần này, đã như một điểm tựa, tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, để chúng ta thúc đẩy niềm tự hào, tự tôn của một dân tộc có chiều dài văn hóa hàng nghìn năm. Sống và làm việc tại Việt Nam trong các năm qua, tôi có cơ hội đi khắp các vùng miền. Tôi rất vui mừng khi được chứng kiến cuộc sống của người Việt ở mọi nơi đã được nâng cao. Người dân không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc như nhiều năm trước. Giờ là lúc mọi người được lao động và cống hiến, từ đó được sống sung túc, ăn ngon, mặc đẹp một cách chính đáng. Tuy nhiên, lại xuất hiện mối lo ngại về một số hiện tượng thiếu văn hóa, có thể ảnh hưởng tiêu cực và thậm chí có thể khiến văn hóa dân tộc suy thoái, mất bản sắc từ cung cách sống đến một số giá trị tinh thần. Tôi nghĩ đó là hệ lụy từ kinh tế thị trường và sự tiếp nhận thiếu chọn lọc khi giao lưu với thế giới. Khi đời sống vật chất được nâng cao, thì văn hóa tinh thần cần phải được điều chỉnh, chấn hưng cho phù hợp. Từ nhận thức của mình tôi thấy, hệ thống quan điểm được khẳng định tại Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam chính là kim chỉ nam cho các vấn đề chiến lược ở tầm quốc gia, đồng thời định hướng cụ thể, động viên toàn dân kế thừa văn hóa truyền thống để phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, chú trọng xây dựng thế hệ người Việt Nam với những phẩm chất ưu việt.

Ðối với tôi, được tham dự Hội nghị là một niềm vinh dự. Qua Hội nghị tôi hiểu, đây đích thực là một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, với sự tham gia của giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà giáo dục, tập hợp được mọi thành phần từ trong nước đến ngoài nước... Hội nghị thể hiện mối quan tâm chung về văn hóa, đưa ra những biện pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa nước nhà. Sau Hội nghị, tôi tìm gặp nhiều người tại nơi tôi sinh sống, hay người gốc Việt ở Mỹ, Ðức, Pháp, Australia, Séc... Thông qua các cuộc hội luận, họ đã chia sẻ tình cảm, niềm tự hào, nỗi ưu tư về văn hóa Việt Nam. Nổi lên trong các ý kiến đó là niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất là qua các thành tựu đạt được sau hơn ba mươi năm đổi mới toàn diện, Ðảng đã từng bước đưa đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, bốn lĩnh vực, vấn đề phải coi trọng ngang nhau là kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa; dù Việt Nam có phát triển kinh tế tốt đẹp đến đâu mà cái gốc, cái nôi văn hóa bị xói mòn, mai một sẽ làm mất cân đối nghiêm trọng; vì vậy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải tiếp tục giữ gìn, chăm chút, sáng tạo văn hóa để phát triển những giá trị truyền thống có từ nghìn đời, cần phải lưu giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp bền vững để trao truyền cho thế hệ mai sau. Là người xuất thân từ cộng đồng gốc Việt ở nước ngoài, tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ quan điểm đó, bản thân sẽ nỗ lực tiếp tục đóng góp phần nhỏ của mình với quê hương. Và tôi mong Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có những việc làm thiết thực giúp cộng đồng người Việt ở nước ngoài tiếp tục giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, giúp thế hệ trẻ tiếp xúc với văn hóa cội nguồn ngày càng nhiều hơn, nhất là giúp trau dồi, củng cố tiếng Việt.

Nguyễn Quang Trường (Việt kiều Mỹ)

(Theo báo Nhân Dân)