PGS.TS Trang Thanh Hiền - Người đưa mỹ thuật cổ đến với công chúng

PGS.TS Trang Thanh Hiền được biết đến là một trong những người phụ nữ đầu tiên thành công với con đường nghiên cứu lịch sử mỹ thuật tôn giáo. Ảnh: Khánh Long/VNP 

Cả 4 cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống - dân gian được xuất bản của PGS.TS Trang Thanh Hiền đều nhận được giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất là “Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" của chị còn được nhận giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Theo PGS.TS Trang Thanh Hiền, ở Việt Nam hiện nay có một thực tế là, sách nghiên cứu được viết rất nhiều nhưng lại chỉ dành cho đối tượng nghiên cứu, độc giả phổ thông thường khó đọc, khó hiểu, chưa nói đến vấn đề có thích cuốn sách đó hay không. Đó là lý do, cuốn "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" của PGS.TS Trang Thanh Hiền là cuốn sách nghiên cứu nhưng lại rất phổ thông, dành cho đại chúng.

“Rất nhiều người Việt khi đi chùa không biết tượng phật này là vị nào, thời nào, ý nghĩa và giá trị gì,… Nhưng sau khi đọc cuốn sách của tôi, họ đều đã biết được ngày thường họ đi chùa chắp tay cầu phật là cầu ai. Đó là một trong những giá trị thiết thực nhất với người dân mà tôi cần làm”, PGS Trang Thanh Hiền chia sẻ. Đó cũng là hướng nghiên cứu, tiếp cận với những giá trị văn hóa, tôn giáo, kiến trúc cổ của PGS Trang Thanh Hiền: “có tác động, có giá trị ứng dụng cao trong đời sống đương đại”.

Theo đó, trong cuốn sách, PGS Trang Thanh Hiền giải thích về mỹ thuật một cách dễ hiểu nhất, cho cả những người không có quá nhiều kiến thức về mỹ thuật, khảo cổ qua từng thời kỳ: Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn... Từ đó, chị đưa ra được những hình tượng, biểu tượng của Phật giáo Việt Nam trong mối tương quan với Phật giáo Thế giới, để xem giá trị của tượng Phật giáo Việt Nam nằm ở đâu.

Theo PGS. TS Trang Thanh Hiền, chùa Bút Tháp là ngôi chùa được coi là điển hình chùa cổ xưa. Chùa có pho tuợng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ tuyệt đẹp, đây là một ngôi chùa được coi là chùa “hoàng gia”, có cả hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tu tập và công chúa Lê Thị Ngọc Duyên đã xin phép chúa Trịnh bỏ tiền của, công đức trùng tu chùa. 

Năm 1998, song song với việc dạy học, Trang Thanh Hiền bắt đầu hành trình đam mê nghiên cứu mỹ thuật cổ. “Tôi cảm nhận đó là một thế giới ngay bên cạnh mình, thường trực trong cuộc sống, trong xã hội nhưng quá ít người hiểu rõ. Chính vì thế tôi cảm thấy cần và muốn được khám phá”, PGS Trang Thanh Hiền chia sẻ về lý do thôi thúc chị đến với mỹ thuật cổ.

Từ 1998 đến 2002, Trang Thanh Hiền đã đi điền dã gần như hết các đình, đền chùa ở miền Bắc, từ Hà Nội đến Bắc Ninh, Hà Tây, Hưng Yên... Theo chia sẻ của chị, do phải tự mày mò, không có ai “cầm tay hướng dẫn” nên lúc đầu đi thì không hiểu gì, cứ đi và chụp ảnh thôi. Sau đó, chị đã dần tìm hiểu qua sách vở của các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Trần Lâm Biền, Chu Ngọc Trú...

 PGS Trang Thanh Hiền đang hướng dẫn các em nhỏ cách in dòng trang Kim Hoàng tại triển lãm về tranh dân gian. Ảnh: NVCC

Năm 2000, chị làm luận văn Thạc sĩ về hình tượng Quan Âm và đó chính là bước khởi đầu quan trọng trong nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo.

Cuốn sách đầu tiên được Trang Thanh Hiền xuất bản vào năm 2005, với tên sách "Hình tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam". Cuốn sách được đánh giá cao ở thời điểm lúc bấy giờ bởi tính tổng kết, đánh giá sự phát triển của nghệ thuật tạo tác tượng Quan Âm, là cuốn sách được giải thưởng của Hội Xuất bản.

Điều khác biệt của Trang Thanh Hiền so với các nhà nghiên cứu lịch sử, di sản, khảo cổ, theo lời chị đó là nghiên cứu về giá trị tạo hình của mỹ thuật cổ. Mỹ thuật cổ của Việt Nam rất đồ sộ, gắn với đình, chùa, miếu mạo và văn hóa dân gian, nhưng để "đọc" ra được các giá trị về nghệ thuật, chỉ ra được phong cách, sự liên quan giữa đời sống xã hội với mỹ thuật, hình tượng nghệ thuật đó trong bối cảnh lịch sử mới là điều khó. Đó là lý do cuốn sách thứ tư mang tên "Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt" được xuất bản vào năm 2020. Cuốn sách được đánh giá là có giá trị cao trong nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo cổ đại Việt Nam.

Theo PGS Trang Thanh Hiền, Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nghiên cứu về Phật giáo có khá nhiều mảng như tư tưởng, lịch sử… nhưng nghiên cứu về nghệ thuật, mỹ thuật thì đây là một mảng trống khá lớn. Mảng trống này khá quan trọng bởi liên quan tới nhiều đến vấn đề nóng về bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản. Bởi vậy mới hay có các cuộc tranh cãi, khi dựng chùa, dựng tuợng, lấy nguyên mẫu nào để làm, để không bị “vi phạm”.

 Theo PGS Trang Thanh Hiền, Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nghiên cứu về Phật giáo có khá nhiều mảng như tư tưởng, lịch sử… nhưng nghiên cứu về nghệ thuật, mỹ thuật thì đây là một mảng trống khá lớn. Ảnh: NVCC

Không những thế, Trang Thanh Hiền còn được biết đến như một họa sĩ đầy đam mê với mảng sáng tác sử dụng chất liệu truyền thống đã "thổi" vào đó hơi thở đương đại với sức sống tươi trẻ, mới mẻ... Chất liệu giấy được chị chọn sử dụng là giấy thủ công của người Nùng An, một loại giấy dân gian không tốt lắm mà người Tày Nùng hay dùng chép kinh sách, vẽ tranh thờ từ xa xưa, để vẽ. Giấy thủ công có vẻ đẹp riêng của nó, để thể hiện những lối vẽ dân gian phương Đông.

Mực nho là chất liệu vẽ thứ hai. Trang Thanh Hiền không vẽ màu mè gì hơn, ngoài đen trắng. Chị đã dùng những mô típ hình bóng Phật, hoa lá, các biểu tượng sinh thực khí lặp đi lặp lại với những bố cục khác nhau. Mỗi bức họa là một tâm trạng khắc khoải, chẳng biết mình vui hay buồn, chẳng biết đi đâu trong cái thể giới tâm linh này, trong đó đầy nỗi hoài nghi vô định.

Trang Thanh Hiền là người được đào tạo chuyên về lịch sử nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng tình yêu với sáng tác trở nên rất phố biến với rất nhiều người học lịch sử nghệ thuật. Nhưng dù trong công việc nào, quan điểm của chị đó là “đã nghiên cứu thì phải "say", không "say" không làm gì được, nhất là phụ nữ luôn đầy rẫy những rào cản”./.

 

Bài: Thảo Vy,  Ảnh: Khánh Long, NVCC/ Báo Ảnh Việt Nam